Sập bẫy “kịch bản” cũ rích!
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ mở rộng điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Liu En Hsiang (26 tuổi), Peng Kang Yu (24 tuổi), Lu Shih Wei (24 tuổi), Hsieh Chia Chun (38 tuổi), Huang I Jen (30 tuổi, cùng quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) và một số đối tượng ngụ tại TP.HCM, Đồng Nai…gây ra.
Cảnh sát kinh tế xác định, đường dây lừa đảo này hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản, không ít người khi bị bọn chúng lừa lấy mất tiền tỷ những không hề biết, chỉ khi những nạn nhân này được cơ quan chức năng mời đến làm việc họ mới phát hiện sự thật.
Có mặt tại cơ quan điều tra, bà H. (ngụ quận 6, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết mình bị lừa. Bà H. kể: “Ngày 7/4 tôi có nhận được cuộc gọi vào số bàn, đầu dây bên kia là giọng một người nữ tự xưng là nhân viên Tổng đài VNPT thông báo tôi đứng tên đăng ký một thuê bao điện thoại tại Hà Nội và đang nợ tiền cước hơn 30 triệu đồng. Do không thanh toán tiền cước nên hồ sơ được chuyển sang Công an Hà Nội để điều tra, người phụ nữ này yêu cầu tôi giữ máy để gặp “Trung tá Trần Hoàng Minh đang công tác tại Công an Hà Nội”
Sau đó, người giả danh Công an TP. Hà Nội nói bà H. đang là đối tượng bị điều tra vì liên quan đến vụ án nợ cước điện thoại và đang bị Công an Hà Nội truy nã cùng băng nhóm hơn 500 người. Người này yêu cầu bà H. phải hợp tác điều tra. Bằng nhiều thủ đoạn, bọn chúng đã khai thác được thông tin về việc bà H. có một sổ tiết kiệm gửi ngân hàng nên đường dây lừa đảo “tung chiêu” đề nghị bà H. giao nộp số tiết kiệm để “hợp tác điều tra”, khi xác minh được tiền của bà H. là tiền “sạch” thì sẽ được trả lại đầy đủ, trường hợp không giao nộp sẽ bị bắt giam.
“Tôi thấy họ nói vậy nên rất sợ, vì có gia đình và con nhỏ, tôi cũng không muốn chồng lo lắng nên lén đi rút 2 tỷ đồng tiền tiết kiệm rồi gửi vào tài khoản của một người tên là Hà Văn Điện số tiền 500 triệu; 500 triệu vào tài khoản của người tên Đặng Quốc Bảo, 1 tỷ đồng vào tài khoản Đặng Quốc Bảo”.
Một nạn nhân khác là bà Lê Thị Ngọc B., cũng với thủ đoạn trên, bà B. đã bị đường dây này lừa đảo chiếm đoạt 700 triệu đồng. Nhiều người dân khác cũng bị các đối tượng này đưa vào tròng chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Lộ diện đường dây lừa đảo
Vào cuộc điều tra, Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triệu tập Đặng Quốc Bảo. Tại cơ quan điều tra, Bảo khai, khoảng giữa tháng 3/2016, Bảo được Nguyễn Hữu Minh Tuấn (21 tuổi) và Giáp Thành Đạt (31 tuổi, cùng ngụ tỉnh Đồng Nai) rủ tham gia vào việc đăng ký mở tài khoản cung cấp cho Giáp Thị Diễm Thúy (38 tuổi, ngụ ở Đồng Nai; là chị gái của Đạt) và nhóm người Đài Loan để nhận chuyển tiền lừa đảo, sau đó trực tiếp đi rút bằng tiền mặt để giao lại cho Thúy và đồng bọn.
Theo thỏa thuận, cứ 1 tỷ đồng rút được Bảo được hưởng 40 triệu. Do trước khi cung cấp tài khoản, Tuấn, Đạt dặn Bảo nếu bị công an phát hiện, không được khai ra Tuấn, Đạt và Thúy, mà phải gọi điện thoại làm ám hiệu để Tuấn, Đạt, Thúy bỏ trốn. Sau đó Tuấn thông báo cho đồng bọn cùng nhau bỏ trốn.
Sau đó, “nữ quái” Giáp Thị Diễm Thúy cũng bị bắt giữ khi đang làm các thủ tục nhập cảnh sang Đài Loan. Làm việc với cơ quan điều tra, Thúy khai, từ năm 2001, Thúy lấy chồng sang Đài Loan, trong thời gian sinh sống tại Đài Loan, Thúy quen tên Peng Kang Yu và Liu En Hsiang. Đến tháng 3/2016, Thúy về Việt Nam gặp Peng Kang Yu cùng Liu En Hsiang và Châu Vĩnh Huy (22 tuổi, ngụ quận 5). Các nghi can gặp nhau tại một căn hộ ở quận 6 và Peng Kang Yu cùng Liu En Hsiang lôi kéo Thúy vào đường dây lừa đảo.
Cụ thể, hai nghi can người Đài Loan sẽ điều hành việc cung cấp tài khoản và rút tiền tại TP. HCM, Thúy làm nhiệm vụ thông dịch tiếng Việt Nam và tìm người đăng ký mở tài khoản ngân hàng rút tiền lừa đảo; Thúy sẽ nhận được 2% số tiền thu được và được trả tiền lương. Sau đó, Thúy lôi kéo em ruột là Giáp Thanh Đạt và cháu là Nguyễn Hữu Minh Tuấn tham gia với vai trò tìm người đăng ký mở tài khoản.
Qua quá trình truy xét, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ Liu En Hsiang, tổng số tiền mà đường dây lừa đảo chiếm đoạt của các nạn nhân chỉ trong thời gian ngắn vào khoảng 8 tỷ đồng.
Theo PC46 Công an TP.HCM, thủ đoạn lừa đảo trên không mới và xuất hiện ở Việt Nam từ lâu, ngành công an, báo chí đã thông tin rất nhiều và phổ biến đến từng khu phố nhưng vẫn có người sập bẫy bọn chúng.
“Người dân cần đề cao cảnh giác, vì khi cơ quan công an làm việc đều có văn bản chứ không làm việc qua điện thoại; bà con cũng cần giữ kín những thông tin cá nhân của mình, không để lọt ra ngoài; nếu có cuộc điện thoại hoặc thông tin yêu cầu giao dịch tiền bạc qua ngân hàng với những lý do không chính đáng, đáng nghi thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất” - Một cán bộ Phòng PC46 khuyến cáo.