Tương lai nào của ngành y tế Anh?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập NHS, Chính phủ Vương quốc Anh đã đặt ra kế hoạch dài hạn để bảo vệ dịch vụ y tế quốc gia.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kể từ khi được thành lập đến nay, Dịch vụ Y tế quốc gia Vương quốc Anh (NHS) đã phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự và thiếu chuẩn bị lực lượng lao động cho dài hạn.

So với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia phát triển nhưng lại yếu kém về nguồn nhân lực y tế. Bên cạnh đó, ngành y tế nước này phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân viên nước ngoài.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập NHS, Chính phủ Vương quốc Anh đã đặt ra kế hoạch dài hạn để bảo vệ dịch vụ y tế quốc gia. Theo đó, trong vòng 15 năm, Thủ tướng Rishi Sunak đặt mục tiêu Vương quốc Anh sẽ tuyển dụng thêm 301 nghìn người làm việc trong lĩnh vực y tế, gồm 60 nghìn bác sĩ, 170 nghìn y tá và 71 nghìn chuyên gia y tế.

Ngoài ra, đến năm 2031, Vương quốc Anh sẽ tăng gấp đôi số lượng cơ sở đào tạo y khoa, trong đó chú trọng xây mới ở những khu vực thiếu trường y trầm trọng nhất đất nước. Chỉ tiêu đào tạo bác sĩ và y tá tại Vương quốc Anh sẽ tăng lên con số hàng nghìn mỗi năm. Chia sẻ về kế hoạch, Thủ tướng Rishi Sunak mô tả đây là “tham vọng bố trí nhân sự lớn nhất trong lịch sử NHS” và nhằm bảo vệ tương lai dài hạn của NHS cũng như đất nước.

Kế hoạch được các chuyên gia y tế hoan nghênh một cách thận trọng, nhất là vì nó đã “quá hạn” từ lâu. Lần đầu tiên chính phủ Anh hứa công bố chiến lược dài hạn để giải quyết tình trạng thiếu nhân sự là năm 2017 nhưng tình trạng khủng hoảng vẫn không có tiến triển cho đến nay. Đại diện NHS cho biết trong những năm gần đây, thiếu nhân viên là trở ngại lớn nhất cho việc chăm sóc sức khoẻ người dân.

Kế hoạch tăng cường lực lượng lao động là rất cần thiết nhưng trong kế hoạch, người ta chưa thấy chính phủ có thể giải quyết được những vấn đề tồn đọng trong quá khứ. Thách thức lớn nhất hiện nay là dân số già.

Tỷ lệ sinh tại Vương quốc Anh cũng như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang giảm dần nên việc tăng cường tuyển sinh cho các ngành đào tạo y khoa sẽ là một thách thức trong tương lai.

Chưa kể số lượng y bác sĩ hiện nay đến tuổi về hưu hoặc xin nghỉ trước thời hạn hưu vì áp lực nghề nghiệp sẽ để lại khoảng trống lớn khó có thể bù đắp trong một sớm một chiều.

Vấn đề lớn thứ hai là tiền lương. Hồi tháng 4, Công đoàn ngành y tế Vương quốc Anh cảnh báo đội ngũ y tá và điều dưỡng có thể đình công đến Giáng sinh nếu đề nghị của họ liên quan đến tiền lương không được giải quyết thoả đáng.

Nếu Chính phủ không chấp nhận đề nghị này, các cuộc đình công sẽ kéo dài dai dẳng nhưng đó mới chỉ là bề nổi. Việc giữ chân hoặc thu hút nguồn nhân lực mới cho ngành sẽ bị cản trở bởi thực tế hiện nay và sẽ ngày càng nhiều nghi vấn xoay quanh chế độ đãi ngộ, phúc lợi dành cho nhân viên y tế, khiến ngành này giảm sức hút trong thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Dù sao, cam kết của Thủ tướng Sunak về tăng cường lực lượng lao động NHS là một bước đi đúng hướng, bất chấp những thách thức lớn lao trước mắt để thực hiện nó. Chúng ta có thể hy vọng hệ thống y tế Anh sẽ chống đỡ qua được tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng hiện nay và giải quyết được những vấn đề tồn đọng để phát triển khoẻ mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ