Trường Trung cấp KTKT và Công nghệ Hải Phòng: Giải thể nhưng “bỏ quên” quyền lợi giáo viên

Trong số giáo viên đó có người là vợ bộ đội, mẹ đơn thân, phụ nữ mang thai tháng thứ 7.

Kiến nghị nhưng không nhận được phản hồi

Khi nhận được thông tin trường sắp bị giải thể, tháng 11/2019, tập thể giáo viên là viên chức đang công tác tại trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Mọi người đề nghị được bố trí việc làm phù hợp với trình độ tay nghề và bằng cấp đào tạo. Tuy nhiên, trong Quyết định phê duyệt giải thể ngày 25/6, UBND TP vẫn quyết định thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức, người lao động của trường này.

Đề án giải thể nêu rõ, Sở LĐ,TB&XH không thể sắp xếp được việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức nhà trường. Vì vậy, Sở đề xuất thực hiện tinh giản biên chế đối với viên chức, người lao động. Cụ thể, tinh giản biên chế theo chính sách về hưu trước tuổi đối với 5 hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tinh giản biên chế theo chính sách thôi việc ngay đối với 17 viên chức và 2 lao động hợp đồng không xác định thời hạn. Duy nhất ông Bùi Trần Việt, Hiệu trưởng nhà trường được điều chuyển đến công tác tại Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội Hải Phòng.

Chị Lê Thị Thảo (SN 1974) là giáo viên có kinh nghiệm 21 năm công tác tại Trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng. Chị cho biết, từ khi lãnh đạo nhà trường thông báo đề án giải thể, giáo viên trong đơn vị rất mong được các cơ quan ban ngành xuống lắng nghe nguyện vọng, tâm tư. Mọi người đề nghị được bố trí việc làm phù hợp. Mặc dù rất cố gắng để gửi đơn thư kiến nghị tới các cấp lãnh đạo nhưng tập thể viên chức, người lao động của trường không nhận được phản hồi. Nếu phải giải thể, giáo viên chúng tôi vẫn mong muốn được Nhà nước bố trí công việc theo đúng năng lực.

Chị Nguyễn Thị Phương (SN 1975), có 23 năm công tác tại Trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng. Chị là một trong số giáo viên gắn bó với trường lâu năm và có nhiều thành tích, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo nghề. Mặc dù, chồng là bộ đội công tác xa nhà, công việc có nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị Phương luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc. Chị Phương cho rằng, khi nhận được quyết định giải thể, bản thân chị và các giáo viên khác trong trường cảm thấy hụt hẫng.

"Bản thân tôi cũng đã tự đi tìm công việc khác nhưng thực sự khó khăn. Bởi ngoài 40 tuổi, để bắt đầu một công việc khác không đơn giản trừ khi lao động tay chân. Đầu tư công sức học hành, cống hiến cho sự nghiệp, đến ngần này tuổi chúng tôi không muốn bị thất nghiệp", chị Phương chia sẻ.

Chị Đoàn Nguyễn Ngọc Anh (SN 1984) là Chủ tịch Công đoàn trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng. Chị đã có 13 năm gắn bó với trường. "Giáo viên trong trường đa phần là viên chức, có trình độ và tay nghề cứng, đặc biệt muốn gắn bó với công việc. Bây giờ nghỉ việc họ không biết sẽ phải làm gì. Tôi đang mang thai tháng thứ 7, dự kiến cuối tháng 9 sinh con. Nhưng đến 1/8 trường bị giải thể, chế độ quyền lợi của tôi sẽ ra sao?", chị Ngọc Anh băn khoăn.

Trường Trung cấp KTKT và Công nghệ Hải Phòng: Giải thể nhưng “bỏ quên” quyền lợi giáo viên ảnh 1
Cán bộ giáo viên Trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng mong muốn được tiếp tục đi làm.

Mong được đối xử bình đẳng

Về nguyện vọng, chị Đặng Thị Minh (SN 1975) cho hay, muốn được tiếp tục đi dạy. Chị Minh cho rằng, bản thân ông Bùi Trần Việt cũng là viên chức như 17 viên chức còn lại của trường. Việc điều chuyển ông Việt về Sở Lao động -Thương binh và Xã hội công tác là không công bằng.

"Trong quá trình công tác, ông Việt đã để xảy ra nhiều sai phạm, được thanh tra Sở GD&ĐT chỉ ra tại văn bản số 01 ngày 28/4/2016. Vậy không hiểu dựa vào căn cứ nào thành phố bố trí việc làm cho ông Việt. Cán bộ giáo viên chúng tôi đều là viên chức. Hàng năm chúng tôi đều được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, có đóng góp cho ngành lại bị thôi việc?", chị Minh bày tỏ.

Được biết, năm 1995, Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề 2 được thành lập với chức năng giáo dục nghề cho học sinh phổ thông trên địa bàn. Năm 2007, trung tâm này được đổi tên thành Trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng thuộc Sở GD&ĐT Hải Phòng. Ngoài nhiệm vụ dạy nghề, Trường còn thêm nhiệm vụ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và liên kết đào tạo. Thời điểm này, trường đông học sinh, sinh viên. Hàng năm, riêng học nghề phổ thông lên tới 3000 học viên. Đến năm 2017, Trường được chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và không thực hiện dạy nghề. Cùng với đó, tình hình tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp của trường gặp khó khăn trong bối cảnh chung của cả nước.

Việc giải thể Trường Trung cấp KTKT và CN Hải Phòng thực hiện theo chủ trương chung. Tuy nhiên, TP Hải Phòng cần xem xét, rà soát kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến người lao động và có phương án bố trí việc làm phù hợp cho viên chức người lao động tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ