Thiệt thòi trẻ tự kỷ: Khi nào trẻ tự kỷ có thể hòa nhập?

Thiệt thòi trẻ tự kỷ: Khi nào trẻ tự kỷ có thể hòa nhập?

(Kỳ 2)

(GD&TĐ) - Trẻ có thể đi học hòa nhập chưa, luôn là câu hỏi mà phần đông các phụ huynh có con mắc bệnh tự kỷ trăn trở. Vấn đề này không hề đơn giản vì hiện nay chúng ta vẫn chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào dùng để đánh giá khả năng hòa nhập của trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng.

->>Thiệt thòi trẻ tự kỷ: Kỳ 1 Chính sách chưa được “luật hóa”

Khó khăn khi đến trường

Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ tự kỷ đi học ở trường mầm non là khá thấp, ở lứa tuổi này phần lớn trẻ tự kỷ chưa được đến trường. Các trẻ thường được chăm sóc tại gia đình hoặc ở các trung tâm chuyên biệt chăm sóc và giáo dục trẻ tự kỷ. Chính điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc hòa nhập của trẻ khi bước vào giai đoạn học ở trường phổ thông.

Bên cạnh đó, GV hiện nay đang dạy hòa nhập ở trường mầm non còn hạn chế trong sự hiểu biết về Hội chứng tự kỷ, những đặc điểm của trẻ tự kỷ, những khó khăn trẻ gặp phải, phương pháp và kỹ năng dạy trẻ trong lớp học hòa nhập ở trường mầm non. Đặc biệt là sự thiếu kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực giao tiếp, tương tác và dạy kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ cho các trẻ em này.

Cô Đinh Thị Nga, GV Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) cho biết: Đối với những trẻ tự kỷ, nếu không được hòa nhập sớm ở tuổi mẫu giáo thì khi đưa trẻ đến hòa nhập tại các trường tiểu học rất khó khăn và tỉ lệ thành công thấp hơn nhiều so với trẻ đã được hòa nhập ở trường mầm non.

Nhưng cha mẹ cũng không nên ép trẻ phải hòa nhập sớm nếu trẻ chưa được chuẩn bị tốt về tư tưởng và các kỹ năng cơ bản. Nhiều trẻ khi đến trường do chưa có bước tiền hòa nhập nên thường có những biểu hiện la hét, đập phá, không làm theo sự chỉ bảo của GV nên các GV rất vất vả để uốn nắn các em trong khi cô cần phải đảm nhiệm giảng dạy hàng chục HS khác trong lớp.

HS tự kỷ luôn được quan tâm chăm sóc trong môi trường giáo dục
HS tự kỷ luôn được quan tâm chăm sóc trong môi trường giáo dục
 

Cần can thiệp sớm

Một tín hiệu khả quan là do nhận thức của cha mẹ và cộng đồng ở một số thành phố lớn về rối loạn tự kỷ tăng lên nên có nhiều trẻ nhỏ đã được đưa đi khám để can thiệp sớm. Tuy nhiên, việc chẩn đoán phổ tự kỷ từ nhẹ đến nặng thực sự không dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có thời gian quan sát và đánh giá. Để biết trẻ đã sẵn sàng hòa nhập được hay chưa thì cần phải trải qua cách đánh giá trẻ trên nhiều lĩnh vực.

Theo thạc sỹ Nguyễn Nữ Tâm An, Trường ĐHSP Hà Nội thì lĩnh vực hành vi và lĩnh vực kĩ năng ngôn ngữ - giao tiếp phải được ưu tiên khi xem xét trẻ đã đủ khả năng hòa nhập hay không. Thực tế thì tiêu chuẩn nhiều trường hòa nhập thường ưu tiên hàng đầu trong quá trình tiếp nhận là hành vi và ngôn ngữ - giao tiếp (trẻ đã biết nói chưa? trẻ có thể giao tiếp thể hiện nhu cầu hay không?).

Vì vậy mà chương trình can thiệp sớm tại các trung tâm chuyên biệt chú trọng đến hai lĩnh vực này. Nhiều gia đình cũng thường đưa ra quyết định về việc cho con đi học hòa nhập khi trẻ có thể đáp ứng được các tiêu chí về hành vi ngôn ngữ.

Cùng với hai lĩnh vực trên thì lĩnh vực kỹ năng học tập và kỹ năng xã hội của trẻ cũng là điều cần chú ý để đánh giá xem trẻ đã có khả năng hòa nhập hay chưa. Ngoài đánh giá theo các lĩnh vực khoa học thì vấn đề quan trọng là gia đình cần phải hiểu và đồng hành trên chặng đường hòa nhập của con. Sự thấu hiểu của gia đình cộng thêm tấm lòng yêu thương của mọi người xung quanh môi trường hòa nhập sẽ giúp cho trẻ tự kỷ tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Minh Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.