Nhà cổ xuống cấp
Đường Lâm hiện có 1.500 hộ với 6.000 người dân đang sinh sống tại di tích làng cổ. Mỗi năm, làng cổ đón khoảng 200.000 khách, nhưng theo Ban Quản lý di tích, chỉ khoảng 10% người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dịch vụ du lịch.
Hàng năm, Nhà nước đều quan tâm tu bổ Làng cổ Đường Lâm, thế nhưng chỉ như muối bỏ bể. Nhà cổ làm bằng chất liệu gỗ nên tu bổ được vài năm lại hỏng, trong khi số lượng nhà cần tu bổ chưa quay vòng xong một lần thì nhà mới tu bổ đã cần tiền sửa chữa.
Tại cuộc họp thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ do Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, bà Kiều Thị Tính, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã mười một đời sinh sống trong căn nhà này.
Với chính quyền địa phương, ngôi nhà được xếp vào “nhà cổ loại 1” cần được bảo tồn. Thế nhưng, theo thời gian, ngôi nhà đang xuống cấp, mưa xuống thì đột và những người dân sống trong ngôi nhà cổ loại 1 này cứ chờ đợi và chờ đợi dược bảo tồn. Hiện, ngôi nhà rộng 37 mét vuông nhưng là nơi ở của 7 thành viên trong gia đình.
Không chỉ gia đình bà Tính chịu cảnh sống mỏi mòn chờ đợi bảo tồn mà nhiều người dân Làng cổ Đường Lâm cũng rơi vào tình cảnh ấy.
Nhiều năm liền, dân Đường Lâm đã ký đơn xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ, thế nhưng không được xem xét. Cuộc sống của người dân trong những ngôi nhà cổ xuống cấp khi các dự án trùng tu vẫn trong quá trình họp bàn, thảo luận và chờ kinh phí. Cái gọi là "di tích" đối với họ là không gian sống dột nát và chật chội.
Cần xem là một dự án kinh tế - văn hóa - xã hội
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích Làng cổ Đường Lâm. Trong đó, việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh để việc quản lý được tập trung, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bảo tồn di sản luôn là bài toán khó, bảo tồn di sản nhưng phải giữ nguyên nét cổ và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Làm thế nào cho người dân được hưởng lợi từ dịch vụ, du lịch, những sản phẩm nông nghiệp, đặc sản trở thành sản phẩm du lịch là vấn đề đầy thách thức với các nhà quản lý.
Có ý kiến cho rằng, nên chăng coi các dự án trùng tu di tích là một dự án kinh tế - văn hóa – xã hội chứ không đơn thuần là câu chuyện của các nhà làm văn hóa. Làng cổ Đường Lâm dù đã được xếp hạng, nhưng việc áp dụng Luật Di sản văn hóa trong bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam, để Làng cổ Đường Lâm được bảo tồn như một thực thể sống động với các giá trị kiến trúc, mỹ thuật, phong tục, cần khoanh vùng khu vực bảo vệ theo hướng thu hẹp để bảo tồn có trọng tâm, trọng điểm là giải pháp cần thiết.