Quyết tâm thép trước gian lận thi cử

Quyết tâm thép trước gian lận thi cử

(GD&TĐ) - Mùa thi năm nay, quyết tâm chống gian lận trong thi cử của ngành Giáo dục đã được cả xã hội đồng tình và ghi nhận. Bức tranh thi cử qua lăng kính phóng viên cả nước hiện ra với những gam màu sáng của niềm tin và sự kỳ vọng.

Khi trường thi thích ứng với môi trường khoa học công nghệ

Kết thúc 2 đợt thi tuyển sinh ĐH năm 2013, báo Vietnamnet ngày 14/7 đăng bài viết: “Dù là Bộ trưởng, quyết cũng không dễ”, nội dung nói tới quy định về việc mang thiết bị không có chức năng truyền, phát thông tin vào phòng thi của ngành Giáo dục được thực hiện 3 lần trong một năm cho thấy cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những luồng tư duy, giữa lý thuyết và thực tiễn.

Bài báo dẫn: Những ngày đầu thực hiện quy định, chính các trường ĐH đưa ra ý kiến nhiều nhất… Nhưng Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chốt một câu: "Giáo dục phải có sự thích ứng với môi trường khoa học công nghệ phát triển". Ông khẳng định việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi hoàn toàn không phải là sáng kiến của Bộ GD&ĐT, mà xuất phát từ thực tiễn.

Bộ trưởng khẳng định: Ban hành quy định này không phải là chuyện "vẽ đường cho hươu chạy" mà là công việc phải làm, phải bắt đầu thích ứng với môi trường khoa học công nghệ phát triển. Đây chính là lúc để ngành Giáo dục chủ động thực hiện trước khi rơi vào thế bị động.

Và thực tế đã trả lời: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc. Clip quay lại sự mất trật tự ở một phòng thi Hội đồng Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) đã được báo Dân trí gửi đến Bộ GD&ĐT, thay vì chỉ một cú click phát tán trên mạng gây hoang mang dư luận. Ngay sau đó, vụ việc đã được xử lý nghiêm khắc, triệt để.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, trước ngày thi, vẫn còn những lo lắng về việc kiểm tra thiết bị. Nhưng 1 năm kinh nghiệm của giám thị, 1 năm triển khai quy định mới đã cho thấy, ý chí của tập thể cùng sự giám sát vô hình - sự răn đe cần thiết với số ít cá nhân nào đó còn có ý định thiếu nghiêm túc - đã cộng hưởng thành hiệu quả thiết thực.

Quy chế thi được phổ biến và thực hiện nghiêm túc
Quy chế thi được phổ biến và thực hiện nghiêm túc

Tư lệnh ngành tạo thói quen cho một sự tương tác

Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, báo chí cả nước đều công bố số điện thoại, email của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Đây được coi là một sự kiện, khi đích thân vị Tư lệnh ngành Giáo dục trực tiếp “nắm” thông tin thi cử. Tại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, qua đường dây nóng trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục nhận các thông tin, góp phần tổ chức kỳ thi nghiêm túc, chất lượng.

Trao đổi với một vài tờ báo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tâm sự: Mỗi lần nhận được thông tin qua đường dây nóng, ông cũng giật mình. Nhưng việc “nắm” đường dây nóng là quyết định đúng đắn bởi có những quyết định khẩn cấp mà nhiều khi cấp dưới không thể quyết. Chính sự dùng dằng khó quyết ấy dễ dẫn đến hiểu lầm, dễ gây mất niềm tin, đôi khi cả những nghi ngờ về sự bao che, dung túng…

Chính bởi quyết định được cho là đột phá này, mà mùa thi năm 2013 không có sự cố tin đồn lộ đề thi, hay thông tin thất thiệt về tiêu cực nghiêm trọng nơi này nơi khác, “phao” trắng phòng thi... như mọi năm. Xã hội tin tưởng vào sự tổ chức, giám sát nghiêm túc trong thi cử của ngành Giáo dục. Báo chí gửi gắm những thông tin, vụ việc về thi cử đến Bộ GD&ĐT và thực sự hài lòng với hướng xử lý nghiêm khắc, công minh. Và chắc chắn, Bộ trưởng sẽ còn giữ đường dây nóng này ở cả những kỳ thi các năm sau, không phải chỉ để xử lý các tình huống khẩn cấp, mà lâu dài sẽ tạo thói quen cho một sự tương tác.

Sức mạnh từ sự đồng lòng và ý chí quyết tâm tập thể

Mới đây, tòa soạn báo điện tử VTC News đã đăng tải bức thư của một giáo viên trẻ tại Phú Thọ gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chia sẻ cảm nhận của chính những người trong cuộc xung quanh quy định này.

Cô giáo trẻ mới ra trường viết: “Cháu từng là học sinh học trong thời gian Bộ đề ra chủ trương chống tiêu cực trong giáo dục và cháu đã tham gia kì thi tốt nghiệp THPT và đại học đúng với những tiêu chí này.

Cho đến kì thi tốt nghiệp năm nay, cá nhân cháu thấy việc chống tiêu cực trong giáo dục lại phát huy tác dụng. Học sinh có ý thức học hơn và những kì thi diễn ra nghiêm túc.

Cháu rất ngưỡng mộ Bộ trưởng khi đề ra biện pháp đưa camera vào phòng thi. Đối với cá nhân cháu thì việc học sinh có quyền phản ánh việc coi thi của giám thị là một cách rất tốt để giảm tiêu cực trong thi cử. Chính biện pháp này đã phát huy tác dụng tích cực ở các trường trong địa phương của cháu..”

Để thấy rằng, xung quanh quy định mang thiết bị vào phòng thi của Bộ GD&ĐT, đông đảo các thầy cô giáo, lãnh đạo các nhà trường, các địa phương, những người tâm huyết với giáo dục… - dù không phát biểu trên báo chí - đã bày tỏ sự đồng tình với quy định mới của Bộ trưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu vươn lên trong công tác, nghiêm túc trong nghiệp vụ coi thi... , để tạo nên thành công của các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ.

Việc thực thi quy định cho phép thí sinh mang thiết bị không có chức năng truyền, phát tín hiệu vào phòng thi là lời giải đẹp, là minh chứng cho suy nghĩ và hành động của vị tư lệnh ngành Giáo dục: Thực sự lắng nghe, thực sự cầu thị, nhưng cũng không kém phần kiên định.

Báo chí đưa tin: “Toàn xã hội thấy rõ hơn không gian thực sau cánh cổng trường thi”. Trước khi có Quy định mới, không gian này chỉ có những người trong cuộc mới biết, thiếu công khai, minh bạch, gây nghi ngờ tính công bằng và khách quan.

Gia Hân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ