Phương án 1 cũng gần giống với cách Đà Nẵng tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 được thực hiện từ nhiều năm nay nên địa phương sẽ không gặp nhiều khó khăn khi triển khai.
Nên có quy định về tự chọn môn thi
Hầu hết các CBQL GD ở Đà Nẵng đều cho rằng, phương án 1 với 4 môn thi, trong đó có hai môn bắt buộc là Toán, Văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử là hợp lý và hay hơn phương án 2. Bởi nếu tổ chức 5 hay 6 môn thi thì cũng kéo dài đến 3 ngày thi.
Ông Phan Văn Tánh - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám - nhận xét: “Có một thực tế là kết quả của môn thi ngoại ngữ không phản ảnh đúng chất lượng học của HS.
Chúng ta cứ quan niệm trong thời buổi hội nhập thì phải tăng cường ngoại ngữ và cứ áp đặt cho học trò. Nhưng nếu các em thấy có nhu cầu thực sự thì tự bản thân sẽ nỗ lực học”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - cho rằng: “Không phải bất cứ ai và bất cứ lúc nào cũng cần tới ngoại ngữ nên nếu phát triển đại trà cũng không ổn.
Với những ai cần ngoại ngữ thực sự cho công việc, người ta sẽ “sống chết” để học”. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, môn Ngoại ngữ nên là môn thi khuyến khích.
Từ thực tế của hoạt động GD tại cơ sở, cũng có không ít những đóng góp để phương án 1 có thể hoàn chỉnh hơn, tránh những lúng túng khi đi vào triển khai thực tế.
Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho rằng: Nếu môn ngoại ngữ được chọn là môn thi khuyến khích, thì sẽ có tình trạng thí sinh “ảo”.
Theo phân tích của ông Chinh, thí sinh có thể đăng ký ồ ạt nhưng lại không dự thi, khiến công tác tổ chức rất bị động và tốn kém. Vì vậy, cần quy định rõ trách nhiệm của thí sinh khi đăng ký môn thi khuyến khích.
Còn theo ông Lê Vinh, đối với hai môn tự chọn, Bộ GD&ĐT không nên trao quyền tự chọn cho thí sinh: "Nếu để HS tự chọn thì rất dễ dẫn đến tình trạng học lệch và có thể không kế thừa được tính phân ban.
Nên chăng cần quy định, với hai môn tự chọn thì phải có một môn thuộc khối tự nhiên và môn còn lại thuộc khối xã hội. Có một hình dung là nếu để HS tự chọn hai môn còn lại thì sẽ phải tổ chức ra đề cho rất nhiều môn thi trong một kỳ thi tốt nghiệp, và cũng sẽ phải tổ chức theo từng cụm môn thi".
Xây dựng tiêu chí thống nhất trong miễn thi
Đối với phương án miễn thi tốt nghiệp cho 20% HS khá giỏi, ông Lê Trung Chinh cho rằng Bộ GD&ĐT cần quy định thống nhất tiêu chí để đảm bảo công bằng cho HS.
Nếu cứ để mỗi địa phương xây dựng một tiêu chí khác nhau thì những HS chuyển vùng sẽ rất thiệt thòi. Đấy là chưa kể đầu vào của mỗi trường THPT là khác nhau nên xét theo từng trường cũng là bất hợp lý.
Cũng phân tích về vấn đề này, ông Lê Vinh đưa ra ví dụ minh họa: Tại Đà Nẵng, tỉ lệ HS giỏi của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gần như là 100% HS, Trường THPT Phan Châu Trinh có khoảng 300 - 400 em, như Trường Trần Phú chúng tôi thì chưa đến 100 em.
Nên chăng, cần tách ra khoảng từ 2 - 3 nhóm trường để xây dựng tỉ lệ HS được miễn thi: Nhóm trường chuyên, trường ở địa bàn kinh tế phát triển, nhóm trường ở miền núi và nông thôn…
Bà Lê Thị Tuyết Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền - bổ sung: Việc đưa điểm trung bình cả năm lớp 12 vào tính điểm xét tốt nghiệp là rất hay, đánh giá được cả quá trình dạy - học và mang tính toàn diện, tránh được tình trạng học lệch.
Ông Phan Văn Tánh cũng cho rằng: "Cần có sự tin tưởng vào đội ngũ quản lý, đội ngũ GV trong kiểm tra, đánh giá. Một khi UBND các tỉnh, thành phố làm tốt công tác quản lý Nhà nước về giáo dục thì không có lý do gì để không tin vào kết quả đánh giá, xếp loại học sinh lớp 12.
Chúng ta có tâm lý là đưa ra chủ trương gì cũng nghĩ đến tình huống tiêu cực. Với một kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình phổ thông, tôi cho rằng không phải là quá ghê gớm để nảy sinh ra những vấn đề tiêu cực".
Ông Lê Vinh phân tích thêm: "Nếu chúng ra có chuẩn trong kiểm tra, đánh giá và chấp hành đúng chuẩn thì không sợ xảy ra tình trạng GV nương tay trong chấm điểm".
Cũng còn có ý kiến băn khoăn về tỉ lệ 50 - 50 trong cách tính điểm xét tốt nghiệp, nhưng nhìn chung, đa số các cán bộ quản lý GD được hỏi đều hoan nghênh việc Bộ GD&ĐT sử dụng điểm trung bình cả năm lớp 12 vào tính điểm xét tốt nghiệp.
Với phương án 1, Đà Nẵng sẽ có nhiều thuận lợi. Nhiều năm nay, chúng tôi tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với hai môn thi bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn, môn Ngoại ngữ được chọn là môn thi để cộng điểm khuyến khích. Kết quả tuyển sinh dựa trên căn cứ điểm quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS, nếu lưu ban thì lấy kết quả của năm học lại; điểm bài thi (đối với các phương thức có thi tuyển, không bài nào bị điểm 0); điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích. Cách làm này cũng gần với phương án 1 của Dự thảo một số điều chỉnh phương án thi và công nhận tốt nghiệp THPT nên chúng tôi rất tin tưởng là công tác triển khai sẽ gặp nhiều thuận lợi. (Ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng) |