Ôn thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương: Mỗi nơi một cách linh hoạt

Ôn thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương: Mỗi nơi một cách linh hoạt

(GD&TĐ) - Theo kế hoạch, còn khoảng nửa tháng nữa Bộ GD&ĐT sẽ chính thức công bố các môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh các trường đều đã chủ động ôn tập thật chắc các môn học cơ bản để HS có thêm nhiều thời gian dành ôn tập các môn học còn lại sau khi công bố. Tùy theo thực tế địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo.

Chủ động dạy và học

Các môn thi tốt nghiệp THPT dành cho 2 đối tượng, gồm thí sinh THPT và GDTX. Về cơ bản, chỉ có học sinh các trường THPT không đủ điều kiện thi môn Ngoại ngữ sẽ thi môn thay thế  giống như với thí sinh hệ GDTX, các môn thi còn lại là như nhau. Nhằm giúp cho học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi, các nhà trường đã chủ động dạy và ôn tập kỹ các môn học cơ bản cho học sinh ngay từ đầu năm học.

Ôn thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương: Mỗi nơi một cách linh hoạt ảnh 1
Học sinh Trường PTDT nội trú Lào Cai  trong giờ học.  Ảnh Bá Kiệt

 Cô Nguyễn Thị Hường - Giáo viên Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Do biết chắc trong số các môn thi tốt nghiệp bao giờ cũng có 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ nên ngay từ đầu năm học, giáo viên dạy những môn này đã dạy rất kỹ từng bài học, từng dạng bài tập, cộng với sự tham khảo thêm các nội dung hướng dẫn ôn thi các năm trước. Song với học trò thành phố mục tiêu chính của các em là đỗ đại học, thậm chí tìm học bổng du học chứ thi tốt nghiệp không phải gánh nặng tâm lý nên để học sinh không nhàm chán trong giờ học, giáo viên cần xen vào các bài tập nâng cao. Học sinh dự thi khối D sẽ rất lợi thế vì đến khi Bộ GD&ĐT công bố môn thi thì cơ bản, các em vẫn còn nhiều thời gian ôn thi thêm 3 môn thi còn lại.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết thực hành của người học.

Các trường miền núi, vùng khó do đầu vào học sinh thấp hơn nên lại càng phải chủ động phân loại và ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 ngay từ đầu năm học. Hiệu trưởng hai trường PTDT Nội trú tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai chia sẻ: Do lợi thế học sinh ăn ở tập trung tại trường nên rất thuận tiện cho việc “quản thúc” các em cả giờ học không chính khóa buổi tối. Ban giám hiệu trực tiếp phân công giáo viên trực tối nhằm đôn đốc học sinh ôn tập, chủ động học các môn cơ bản. Chỗ nào kiến thức các em hổng, chưa hiểu cách làm bài tập có thể hỏi bạn hay thầy cô trực tiếp giảng lại. 

Là giáo viên dạy Văn ở một Trung tâm GDTX ngoại thành Hà Nội, cô Vân chia sẻ: Đối tượng học viên của Trung tâm thường kém cả về ý thức lẫn nhận thức nên việc dạy cho đối tượng này vất vả hơn nhiều. Vì vậy, ngay từ đầu năm nhà trường đã chủ động ôn tập thật kỹ hai môn Toán và Văn.

Dạy kỹ kiến thức cơ bản

Trang bị cho HS kiến thức để đỗ tốt nghiệp THPT không hề khó bởi cơ bản nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, sự hiểu biết thực hành của người học. Hơn nữa, trong những năm gần đây, bài thi của học sinh chia làm hai loại gồm cả tự luận và trắc nghiệm.

Ôn thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương: Mỗi nơi một cách linh hoạt ảnh 2
Các trường THPT tập trung ôn tập cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Xuân Tùng

Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, bài thi của học sinh ít nhất cũng dành được điểm 6, điểm 7. HS nào chịu khó học, biết cách phân tích, lập luận thì đạt điểm giỏi cũng không khó. Nhất là các môn tự nhiên, rất nhiều học sinh dành được điểm 9, điểm 10. Đó là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Lượng (Trường THPT Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội).

Là giáo viên Địa lý, năm nào cũng có học sinh đoạt giải quốc gia, thầy Phạm Văn Chiến (Trường THPT Chuyên Thái Nguyên) đưa ra bí quyết luyện thi tốt nghiệp cho học sinh của mình: Chia nội dung học thành các chuyên đề cụ thể. Chẳng hạn với các tỉnh miền núi trung du Bắc bộ điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc trưng là gì, vùng này thích hợp trồng trọt, chăn nuôi như thế nào, nguồn tài nguyên thiên nhiên ưu đãi ra sao...vv.

Thầy Chiến vừa luyện lý thuyết, vừa cho học sinh làm bài tập, sau đó chấm bài, học sinh sai chỗ nào thì thầy bổ sung luôn kiến thức, giảng cặn kẽ tại sao các em sai, học sinh ghi nhớ để tránh lặp lại lỗi sai này trong bài kiểm tra, bài thi. Ngoài việc trang bị kiến thức cơ bản cho học sinh, giáo viên các bộ môn phải rèn thật kỹ cho học sinh kỹ năng trình bày. Bởi kinh nghiệm dạy, chấm thi lâu năm thầy Chiến biết rất rõ: Với các môn thi tốt nghiệp, bài thi trình bày sạch sẽ, rõ ràng và đủ các ý rất dễ chiếm được cảm tình của giáo viên, điểm rất cao.

Những năm gần đây, việc sử dụng sổ liên lạc điện tử cũng góp phần đắc lực giúp cho mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường phụ huynh tốt hơn trong việc quản lý việc học tập của học sinh. Kết quả học tập thường xuyên được cập nhật, giáo viên bộ môn gửi lời nhắn giúp phụ huynh tăng cường giám sát, quản lý việc ôn thi của con tại nhà. Đây cũng là một trong những thế mạnh giúp nhà trường, phụ huynh quản lý việc học tập học sinh tốt hơn.

Mùa thi đang đến gần, để có kết quả thi tốt nghiệp như ý muốn, các sĩ tử hãy biết cách sắp xếp thời gian biểu khoa học, nắm chắc kiến thức cơ bản, biết vận dụng lý thuyết vào làm bài tập.

Như Quỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ