Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ: Nói thì dễ…

GD&TĐ - Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều chính sách tích cực nhằm hỗ trợ bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. 

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ:  Nói thì dễ…

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mới chỉ đạt chưa đầy 20%. Trên 80% trẻ phải bú bình ngay từ lúc mới sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu hóa, suy dinh dưỡng, béo phì, huyết áp…

Chính sách nhiều

Theo thống kê của Bộ Y tế, thời gian qua, hàng loạt chính sách ra đời nhằm tạo điều kiện cho chị em được chăm sóc đầy đủ trong quá trình mang thai cũng như có thời gian chăm sóc con, đặc biệt là nuôi con bằng sữa mẹ.

TS. BS Quan Lệ Nga, Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, cho biết: Chị em được nghỉ việc đi khám thai 5 lần trong thời gian mang thai. Nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng (nếu sinh đa thai thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con nghỉ thêm 1 tháng). Nghỉ cho con bú 1 giờ/ngày cho tới khi trẻ tròn 12 tháng tuổi và cả hỗ trợ 2 triệu đồng cho phụ nữ nghèo vùng cao chấp nhận quy mô gia đình nhỏ khi sinh con.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ chị em trong việc sinh đẻ, còn có quy định khuyến khích chị em nuôi con bằng sữa mẹ thông qua việc nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Người chồng cũng có chế độ nghỉ thai sản khi vợ sinh con.

Theo TS. BS Nga, chưa bao giờ việc sinh đẻ, nuôi con của chị em được quan tâm như hiện nay. So với thời phụ nữ chỉ được nghỉ 3 - 4 tháng, phương tiện kỹ thuật chưa phát triển để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Các mẹ chỉ tranh thủ giờ nghỉ trưa cho con bú chứ làm gì được đi muộn, về sớm. Điều này cho thấy, Nhà nước, các cơ quan đã nhận thức được tầm quan trọng của phụ nữ trong việc duy trì nòi giống, thấu hiểu được giá trị của dòng sữa mẹ với sự phát triển của trẻ cũng như tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội.

Kết quả khiêm tốn

Chính sách nhiều như vậy nhưng thực tế cho thấy chưa được áp dụng vào cuộc sống. Ngoài quy định về chế độ nghỉ thai sản, khám thai, rất ít chị em tận dụng quy định nghỉ sớm cho con bú, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.

Việc các bà mẹ chuộng sữa ngoài là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta vẫn cao. Có tới 41% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trong đó tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 15,3%; thấp còi là 25,9%. Bên cạnh đó, tỷ lệ các bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu (theo khuyến cáo của các chuyên gia) chỉ chiếm 19,6% và tỷ lệ cho trẻ bú bình là 80,4%...

Theo TS. BS Nga, bên cạnh quan niệm thích đồ ngoại của các bà mẹ, việc triển khai và thực hiện hóa những quy định của Nhà nước vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế do không có phân cấp quản lý rõ ràng; chưa duy trì được sáng kiến Bệnh viện Bạn hữu trẻ em; chưa có cơ chế nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong điều kiện khẩn cấp (thiên tai, lũ lụt…). Ngoài ra, thực hành cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh chưa được chú trọng ở ngay các bệnh viện sản - nhi.

Mặt khác, tình trạng vi phạm quảng cáo - kinh doanh các sản phẩm thay thế sữa mẹ trên các phương tiện thông tin, Internet, website… vẫn tồn tại, là nguyên nhân không nhỏ tác động tới quan điểm nuôi con bằng sữa ngoài của các bà mẹ trẻ.

TS. BS Quan Lệ Nga cho rằng, để trẻ được bú mẹ ở mọi lúc, mọi nơi; Nâng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, ngoài việc tuyên truyền cho các bà mẹ, ông bố cần phổ biến quy định trên tới tất cả nhân viên y tế để họ giúp đỡ bà mẹ được tiếp xúc con sớm, có kỹ năng cho trẻ bú và duy trì nguồn sữa…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ