Kim thường xuyên đăng ảnh “tự sướng”, những bữa ăn và đôi khi là hình ảnh chú chó của mình. Thừa nhận mình nghiện smartphone (điện thoại thông minh), chị mang thiết bị này theo bên mình mọi lúc mọi nơi và dường như “không sống nổi” nếu điện thoại hết pin.
Theo báo Korea Herald (Hàn Quốc), Kim Ji-yeon là một trong số nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang dành nhiều thời gian cho việc sử dụng ứng dụng smartphone và giao tiếp trên mạng xã hội. Tình trạng này gây ra không ít lo ngại, nhất là sau khi một nghiên cứu mới đây của Bệnh viện Seoul St. Mary (Hàn Quốc) chỉ ra rằng phụ nữ Hàn Quốc nghiện thiết bị thông minh nhiều gấp 2 lần so với nam giới. Theo cuộc nghiên cứu, kết quả khảo sát 2.281 phụ nữ và 2.573 nam giới cho thấy 17,9% phụ nữ bị xem là nghiện smartphone, so với tỉ lệ 9,4% ở nam giới.
“Một trong những nguyên nhân là phụ nữ có xu hướng hình thành các mối quan hệ xã hội trên mạng nhiều hơn nam giới” - ông Kim Dae-jin, bác sĩ đứng đầu cuộc nghiên cứu, giải thích.
Nhiều người mải mê dùng smartphone ngoài đường phố ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc Ảnh: CHOSUN ILBO
Khảo sát còn cho thấy nguy cơ nghiện smartphone sẽ cao hơn ở những người có khuynh hướng tránh né giao tiếp với người khác và các cuộc xung đột để khỏi phải có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn phiền, lo lắng. Nghiên cứu cũng cho rằng nghiện smartphone mang lại lối thoát cho những người này.
“Thế giới ảo cho phép họ “ẩn mình”, trở thành người khác và có những hành động khác biệt. Điều này có thể gây nghiện cho những người không hài lòng về bản thân trong cuộc sống thực bởi khi lên mạng, họ thấy mình được đối xử rất khác” - các tác giả nghiên cứu nhận định.
Tình trạng lạm dụng smartphone thể hiện rõ ngoài đường phố ở thủ đô Seoul khi không ít người chỉ biết “dán mắt” vào màn hình điện thoại trong lúc đi bộ khiến tính mạng họ gặp nguy hiểm. Để đối phó, chính quyền Seoul vừa cho lắp đặt 300 biển báo ngoài đường phố nhằm cảnh báo khách bộ hành về thói quen đáng ngại này. Các biển báo được gắn trên cột đèn tín hiệu giao thông hoặc để dưới vỉa hè.
Tuy nhiên, một số người dân địa phương không xem đây là giải pháp hiệu quả bởi những người lúc nào cũng ngó màn hình smartphone sẽ không nhìn thấy biển báo. Cơ quan An toàn giao thông Hàn Quốc ghi nhận hơn 1.000 vụ va chạm giao thông liên quan đến smartphone trong năm 2014, tăng mạnh so với con số 437 vụ vào năm 2009.