Nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ
Ngày 12/2/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong cuộc họp, Chính phủ đã đánh giá diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp do Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.
Một trong những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và thiệt hại nhiều nhất chính là du lịch. Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý II, ngành du lịch thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Kịch bản đối phó của Chính phủ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước tình hình diễn biến và ảnh hưởng của dịch, các quốc gia trong khu vực có cùng phản ứng phải ưu tiên cao nhất cho ngăn chặn và dập dịch sớm nhất có thể, đồng thời triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động của dịch, chuẩn bị cho giai đoạn “hậu dịch” cả về y tế, kinh tế, xã hội và đối ngoại.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì nhiệm vụ năm 2020 được giao rất nặng nề. Đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương châm “Không thay đổi mục tiêu, bình tĩnh, không chủ quan, chủ động sớm dự liệu giải pháp”. Trong đó, bảo đảm thực hiện nghiêm, đồng bộ, toàn diện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, bảo đảm hiệu quả của từng giải pháp cũng như hiệu quả cộng hưởng của các nhóm giải pháp trong phòng, chống và kiểm soát dịch. Đề cao trách nhiệm và tiến độ xử lý, thực hiện các giải pháp, phải quyết liệt, nhanh, hiệu quả, dự liệu sớm để đi trước một bước diễn biến của dịch.
Rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các quy định, tạo mọi điều kiện để ổn định tâm lý, phòng, chống và kiểm soát dịch hiệu quả; kịp thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do dịch gây ra trong thời gian xảy ra dịch, duy trì sản xuất và tiêu dùng; khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch kết thúc. Đồng thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng kép/cộng hưởng từ dịch do virus Corona và những khó khăn nội tại của nền kinh tế, tác động của thiên nhiên.
Thích nghi nhanh chóng với dịch bệnh
Khi các nông sản Việt được người Trung Quốc yêu thích như thanh long, sầu riêng, dưa hấu bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, nhiều nhà vườn đã chuyển hướng bán ra trong nước và nhận được sự hỗ trợ của các hệ thống bán lẻ lớn trong cả nước.
Hầu hết các siêu thị chuyên bán hàng Việt đều tăng mua vào các loại hoa quả nói trên. Hệ thống siêu thị Big C cho biết trong đợt “giải cứu” lần này, họ sẽ cố gắng mua khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu của nông dân để tiêu thụ trong hệ thống của mình. Siêu thị Co.op Mart chi nhánh Nha Trang, cũng cho biết những ngày qua, siêu thị tại chi nhánh Nha Trang đã tiêu thụ gần 200 tấn dưa hấu nhập từ Gia Lai và Phú Yên.
Ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cũng cho biết một trong những giải pháp “tự cứu” khác chính là cung ứng các loại trái cây đang bị tồn đọng đến 12 siêu thị, 60 cửa hàng tiện ích và 173 chợ truyền thống trong tỉnh.
Bên cạnh việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong các hệ thống chợ, siêu thị, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra các dịch vụ sáng tạo trong mùa dịch.
Nhiều ngày qua, bánh mỳ làm từ thanh long trở nên hút khách ở TPHCM. Tiên phong là chuỗi thương hiệu bánh ABC Bakery làm bánh mỳ thanh long bán với giá 6.000 đồng/cái. Bánh mới thu hút rất đông khách mua. Trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện xu hướng làm các sản phẩm thực phẩm từ nông sản đang bị ùn ứ do tắc biên vì dịch bệnh.
Không chỉ dừng lại ở nông sản, xu hướng tự làm các hóa mỹ phẩm handmade để bảo vệ sức khỏe cũng quay trở lại và dần trở thành trào lưu. Khi nước rửa tay khô tiện lợi cháy hàng ở tất cả các cửa hàng, các công thức làm loại này đã được chia sẻ rộng rãi trên Internet. Thậm chí, nhiều cá nhân đã biến nó thành một mặt hàng và “ăn nên làm ra” với đơn đặt hàng đến tới tấp, không kịp sản xuất.
Trong bối cảnh trẻ con phải nghỉ dài ngày vì dịch bệnh, các khóa học online cũng trở nên “hot hàng” hơn. Một số hãng bảo hiểm cũng tung ra gói bảo hiểm dịch bệnh để bảo hiểm cho những người bị nhiễm Covid-19 với mức giá hợp lý trong khi quyền lợi bảo hiểm tương đối cao.