Giờ đây, sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, những kỷ vật ấy không còn nhiều và cũng đã úa màu thời gian. Thế nhưng đó là những minh chứng về một giai đoạn hào hùng của dân tộc, gắn liền với số phận của những con người đã hy sinh vì nghĩa lớn.
Vị đại tá già và hơn 400 bức phác họa chiến trường
Trong chủ điểm về ngày 30- 4 được trưng bày tại Bảo tàng CAND, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy ấn tượng với chiếc giá vẽ bằng gỗ được ghép đơn giản với một bức phác họa về Sài Gòn trong một buổi chiều ngày 30- 4-1975 lịch sử. Đó là một trong những bức phác họa nổi bật của Đại tá Lương Mạnh Tâm trong những năm tháng đi B còn lưu giữ lại được. Từ thông tin của Bảo tàng CAND, không khó để tôi có thể tìm gặp được Lương Mạnh Tâm, chủ nhân của kỷ vật và cũng là chứng nhân đã từng sống và chiến đấu ở nhiều nơi trong chiến trường miền Nam những ngày hào hùng đó.
Ngôi nhà nhỏ ẩn mình trong con phố Lê Đại Hành nối dài là của một đôi vợ chồng già, đều là cán bộ Công an hưu trí, đã sống ở đây hơn nửa thế kỷ. Cuộc sống giản dị hàng ngày với quán cơm bụi mưu sinh, có lẽ ngay cả hàng xóm cũng ít người biết ông Lương Mạnh Tâm là một đại tá Công an.
Đại tá Lương Mạnh Tâm, nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát khu vực và phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Cục Cảnh sát quản lý hành chính, Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, vợ ông cũng là cán bộ công tác tại Bệnh viện 198- Bộ Công an về hưu đã hơn 20 năm nay. Năm nay đã bước sang tuổi 80, đôi mắt không còn tinh anh, nhưng khi nhắc về những năm tháng đi B, vị đại tá lão thành như trẻ hẳn lại.
Đại tá Lương Mạnh Tâm xúc động xem lại những bức tranh ông đã vẽ trong thời gian tham gia chi viện chiến trường miền Nam. |
Trước khi đi B, Trung úy Lương Mạnh Tâm là Cảnh sát khu vực công tác tại Công an TP Hà Nội. Lấy vợ và sinh cậu con trai đầu lòng vừa được hơn 1 tuổi, năm 1966, ông vào chi viện chiến trường miền Nam. Vào chiến trường, thời gian đầu làm công tác huấn luyện, sau đó ông chuyển sang làm công tác vận động quần chúng ở vùng mới giải phóng, có thời gian lại được giao nhiệm vụ chi viện sang Campuchia.
Với niềm đam mê vẽ tranh từ thuở nhỏ nên tranh thủ lúc nào có thời gian rảnh rỗi là ông lại vẽ. 9 năm công tác nơi tuyến lửa là biết bao ký ức không thể nào quên, đã được ông chuyển tải vào hàng nghìn bức vẽ sinh động và đến giờ chỉ còn lưu lại được hơn 400 bức là những kỷ vật quý.
“Trong năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, chính nhờ vẽ tranh rồi văn hóa văn nghệ đã tạo cho tôi cùng các đồng đội sự hứng khởi để quên đi bệnh tật, đói khát, để sống và chiến đấu, hy sinh vì lý lưởng”, vị đại tá già tâm sự.
Mỗi bức vẽ của ông là những hình ảnh sống động, chân thực về cuộc sống, con người trong thời chiến được thể hiện qua từng nét vẽ tài hoa, gợi cho người xem vẻ đẹp bình dị, hồn hậu trong tâm hồn người chiến sĩ, nghệ sĩ. Đó là những sự kiện, nhân chứng tiêu biểu của một thời hào hùng dưới góc nhìn của người cán bộ Công an nhân dân. Kể về từng bức tranh, ông vẫn nhớ như in thời điểm và cảm hứng sáng tác.
Tôi hỏi về bức ký họa vẽ một ngôi chùa đổ nát được treo trang trọng ngay trên tường nhà, ông kể: “Đó là thời điểm năm 1972, khi tôi được giao làm nhiệm vụ xây dựng đường dây vận chuyển Z28, tập kết hàng hóa, vũ khí, tài liệu, đạn dược của Bộ Công an chi viện cho chiến trường miền Nam từ miền Bắc vào, đi qua Lào, Campuchia theo dòng sông Mê Kông. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đó, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân đã giúp cho các cán bộ như chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ.
Ngôi chùa Sê Luông trên đất Campuchia là một trạm trung chuyển, nhận làm kho hàng trong đường dây vận chuyển này. Bị lộ, địch đã cho máy bay ném bom, tàn phá ngôi chùa. Lúc đó tôi đang đi công tác ở ngoài, về đến nơi nhìn thấy ngôi chùa bốc cháy dữ dội, cảnh vật hoang tàn. Nhìn đau xót quá, ngay trong đêm cảm xúc trào dâng nên tôi đã ngồi vẽ lại cảnh tượng này”, ông Tâm kể.
Một trong những bức vẽ nữa cũng được ông nhớ rất chi tiết là bức tranh “Chiếm lĩnh Tổng nha Cảnh sát” được ông vẽ ngay trong buổi chiều 30-4-1975. Khi quân ta tiến hành đánh chiếm Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Sài Gòn, ông Tâm là người có mặt trong trận chiến.
Sau khi chiếm lĩnh, tại Sở chỉ huy của Tổng nha Cảnh sát đã được cắm cờ đỏ sao vàng, tuy vậy sân bóng bên cạnh sở chỉ huy này vẫn còn treo một lá cờ của chính quyền Sài Gòn, ông cùng các đồng đội đã hạ lá cờ đó xuống và thay bằng lá cờ của mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Từng chi tiết một, dường như người lính già này không quên điều gì dù năm nay đã ở vào cái tuổi bát tuần.
Mỗi bức tranh của ông đều thể hiện sống động những hình ảnh về thời chiến như hình ảnh người mẹ du kích ngồi dưới hầm cho con bú với khẩu súng trường bên cạnh, hình ảnh cây cầu cháy sau một trận càn của địch… Để bây giờ ngắm lại, từng kỷ niệm ngày xưa lại ùa về thổn thức, ông vẫn như đang cảm nhận từng giọt mồ hôi mặn chát, từng lời nói ấm áp của đồng đội, hay cả những giọt nước mắt mất mát đau thương…
Những minh chứng về một thời hào hùng
Với Trung tá Phạm Thị Thanh Thủy, Đội trưởng đội Sưu tầm, kiểm kê và bảo quản hiện vật - Bảo tàng Công an nhân dân, mỗi chuyến đi sưu tầm là mỗi lần chị lại được biết thêm những câu chuyện xúc động trong thời chiến của các thế hệ cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân đi trước qua những kỷ vật thu thập được.
Bản thân mỗi kỷ vật ấy, tự thân nó đã là những câu chuyện, là những minh chứng về một thời hào hùng của cha anh. Trong số những kỷ vật sưu tầm được gần đây, chị nhớ rất rõ về lai lịch của chiếc thùng đựng tài liệu làm bằng thùng đạn đại liên đã từng phục vụ nhiều đồng chí lãnh đạo chỉ đạo công tác ngoài chiến trường.
Những kỷ vật của các cán bộ chiến sĩ CAND chi viện chiến trường miền Nam được trưng bày tại Bảo tàng CAND. |
Tháng 9-1972, tại căn cứ Cây Dầu ở Campuchia, đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), Ủy viên thường vụ Khu ủy, Trưởng ban An ninh Sài Gòn- Gia Định quyết định thành lập một cụm điệp báo lấy bí số A10 do đồng chí Lê Thanh Vân (Sáu Ngọc) trực tiếp chỉ đạo. Cụm điệp báo A10 có nhóm giao liên riêng để đảm bảo bí mật khi liên lạc với căn cứ và cơ sở.
Thùng đạn đại liên dùng đựng các tài liệu của Cụm điệp báo A10 là kỷ vật của chiến sỹ An ninh Bé Tám làm nhiệm vụ giao liên và bảo vệ Cụm điệp báo A10 tặng cho đồng chí Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng), Cụm trưởng, ba ngày trước khi đồng chí hy sinh năm 1972. Sau đó, đồng chí Nguyễn Minh Trí và đồng chí Huỳnh Huề (Ba Hoàng) tiếp tục sử dụng kỷ vật này làm thùng đựng tài liệu phục vụ công tác của Cụm điệp báo.
Chiếc thùng này đựng những tài liệu quan trọng từ nội đô Sài Gòn gửi ra và các tài liệu khi đi chiến trường. Ở căn cứ, chiếc thùng có thể thay thế chiếc bàn dã chiến nhỏ để viết thư vào nội đô Sài Gòn hoặc sử dụng làm chiếc ghế ngồi họp phục vụ các đồng chí lãnh đạo chỉ đạo công tác ngoài chiến trường như đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân), đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương), đồng chí Sáu Ngọc (Lê Thanh Vân).
“Khi tiếp cận được kỷ vật này, nhìn bên ngoài có dòng chữ thùng đựng tài liệu do Bé Tám (hy sinh 1972) tặng anh Mười Thắng, Cụm trưởng Cụm A10- ANT4 giữ tài liệu từ 1973-1975. Qua sông không chìm, đạn bắn che đầu. Tôi thực sự xúc động trước tình cảm đồng chí, đồng đội của các thế hệ CAND cha anh đi trước.
Sự gắn bó chia sẻ trong những thời khắc khốc liệt của cuộc chiến luôn được các bác hết sức trân quý, giữ gìn. Kỷ vật này còn là minh chứng cho một thời hào hùng của các thế hệ cán bộ chiến sĩ CAND chi viện cho chiến trường miền Nam năm xưa”, Trung tá Phạm Thị Thanh Thủy chia sẻ.
Tính đến cuối tháng 2-2016, trong cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền lịch sử Công an nhân dân” đã có 4.800 kỷ vật tiêu biểu được sưu tầm, tiếp nhận. Khoảng 60% trong số đó đã được hoàn thiện hồ sơ khoa học. Nhiều kỷ vật rất có giá trị, thể hiện những cống hiến của lực lượng CAND trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đây chính là nguồn hiện vật quan trọng bổ sung cho Bảo tàng CAND và hệ thống các di tích, nhà truyền thống trong toàn lực lượng CAND, kịp thời phục vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống, góp phần xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. |