Nghệ An tổng kết 1 năm thực hiện Thông tư 30

GD&TĐ - Ngày 21/7, Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Thông tư 30 và triển khai quyết định 1517/QĐ-UBND về kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, bán trú tại các trường tiểu học.

Các đại biểu tham gia hội nghị
Các đại biểu tham gia hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh.

Giáo viên không còn bị động

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, sau 1 năm thực hiện thông tư 30 của Bộ GD&ĐT, công tác đổi mới đánh giá học sinh, nhất là học sinh tiểu học đã được chuẩn bị chu đào về tuyên truyền, nhận thức và kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên… nên đại bộ phận giáo viên không còn bị động khi tiếp nhận chủ trương.

Việc triển khai thực hiện Thông tư 30 tại các trường Tiểu học không phải là hoạt động quá mới mẻ và đột ngột, bởi trước đó, trong việc đánh giá học sinh cũng đã bao gồm cả phần điểm số và nhận xét của giáo viên.

Tuy nhiên, thói quen đã tồn tại rất lâu trong giáo dục là học để ứng thí, xem điểm số là thước đo giá trị của sự học nên một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh không khỏi bỡ ngỡ trong quá trình thực hiện.

Một bộ phận cha mẹ học sinh có nhiều kỳ vọng ở thành tích học tập của con em mình ngay từ tiểu học đã không đồng tình với cách đánh giá mới vì khó phân chia thứ hạng; tăng áp lực hành chính cho giáo viên, nhất là giáo viên dạy một môn ở nhiều lớp…

Nhìn thẳng những mặt được, chưa được sau một năm thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Tại hội nghị tổng kết sau 1 năm thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, ngành giáo dục Nghệ An đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần Nghị quyết 29 về các mặt: Giảm áp lực về điểm số, thi cử, giúp học sinh được phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, về quá trình và kết quả học tập; giúp giáo viên kịp thời điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng; từ đó giúp học sinh tiến bộ theo các yêu cầu giáo dục ở tiểu học.

Kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học 2014 -2015 cho thấy chất lượng các môn học được đảm bảo vững chắc (các môn đánh giá bằng điểm có tỷ lệ đạt yêu cầu trở lên về kiểm tra định kỳ cuối năm học giữ vững hoặc cao hơn năm học 2013-2014; đặc biệt tỷ lệ học sinh đạt điểm 9, điểm 10 (tương đương loại giỏi theo Thông tư 32/2009) đều tăng từ 2%- 7,24%, trong đó môn Toán tăng cao nhất là 7,24%.

Kết quả đó là minh chứng sống động khẳng định tác động tích cực của đổi mới đánh giá học sinh theo hướng coi trọng đánh giá thường, đánh giá bằng nhận xét để giúp học sinh tiến bộ hàng ngày.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện đại trà nên trên thực tế vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp tinh thần của Thông tư 30 về mục đích đánh giá, kỹ thuật đánh giá. Nhiều giáo viên còn nhận thức theo dạng quy đổi từ đánh giá bằng điểm sang nhận xét… dẫn đến việc đưa ra những nhận xét chung chung, ít có tác dụng khuyến khích học sinh tiến bộ hoặc giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, mặc dù Bộ và Sở đã có công văn hướng dẫn sử dụng hồ sơ đánh giá theo hướng giảm thiểu lao động hành chính cho giáo viên để giáo viên tập trung vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh nhưng trên thực tế nhiều trường, hiệu trưởng vẫn có tâm lý “sợ sai mẫu” nên yêu cầu giáo viên phải ghi đầy đủ các cột, dòng theo mẫu hồ sơ theo dõi chất lượng. Từ đó tạo ra tâm lý đối phó của giáo viên, nhất là ở những trường có sỹ số học sinh trên 35 em/lớp, giáo viên bộ môn phải dạy nhiều lớp. Một bộ phận giáo viên còn có tâm lý ngại thay đổi, phản ứng tiêu cực trước cái mới.

Giải pháp khắc phục khó khăn khi thực hiện Thông tư 30

Tại hội nghị, nhiều đại biểu hết sức cởi mở và chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Thông tư 30, cũng như các giải pháp mà cơ sở đã đưa ra để khắc phục, chủ yếu tập trung ở các vấn đề: Tạo ma trận đề thi, hồ sơ đánh giá học sinh, sổ liên lạc, cách nhận xét học sinh, vấn đề khen thưởng… làm thế nào để giảm sức lao động của giáo viên, tránh quá tải và trùng lặp.

Ông Trần Thế Sơn – Trưởng Phòng GD Tiểu học, Sở GD-ĐT Nghệ An phát biểu: Việc nhận xét, đánh giá học sinh như thế nào để tránh các cháu bị tổn thương mà kích thích các cháu cố gắng. Ghi nhận xét là vẽ nên một biểu đồ phát triển  của học sinh.

Trong vở của các cháu cần chỉ rõ những chỗ được, chưa được nhưng trong sổ theo dõi, tổng hợp nhận xét của giáo viên cần chú trọng hơn những khó khăn, yếu điểm của học sinh để có biện pháp điều chỉnh, giúp đỡ. Ngoài ra, việc khen thưởng ở đây là khen thưởng cho học sinh, chứ không phải khen thưởng cho phụ huynh. Vì thế, các em học sinh có năng lực và cố gắng về mặt nào, thì xứng đáng được khen thưởng về mặt đó”.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều nhận định rằng, mục đích, ý nghĩa của thông tư 30 là rất nhân văn, đáp ứng yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh theo tinh thần NQ 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Những khó khăn, vướng mắc mà các trường đang gặp phải, chủ yếu là về mặt kỹ thuật triển khai sẽ được khắc phục dần qua việc tập huấn, nắm vững điều lệ thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành, hướng dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.