Lớp học tình thương ở ngôi trường THCS An Dương (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) đến nay đã bước sang năm thứ 18. Lớp học nhỏ bé với sĩ số chưa đầy 15 học sinh mà tất cả các em đều mang trên mình những thiệt thòi như khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, liệt nửa người...
Người giáo viên của lớp học này là bà Hồ Hương Nam (83 tuổi). Bà là người con gái xứ Huế theo chồng từ Quảng Bình ra Hà Nội dạy học tiểu học từ năm 1957. Sau khi về hưu năm 1979, bà tham gia làm cộng tác viên dân số ở phường Yên Phụ.
Những năm tháng làm công tác dân số ở phường, chứng kiến nhiều cảnh ngộ khó khăn của các em nhỏ bị khuyết tật không có điều kiện tới trường bà đã quyết định mở một lớp học miễn phí dành cho những em nhỏ bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ.
Những ngày đầu mở lớp là thời gian khó khăn nhất của bà. Khó khăn khi không tìm được địa điểm mở lớp và vấp phải sự phản đối của phụ huynh học sinh.
Hàng tháng trời, bà đến từng nhà những gia đình có con bị khuyết tật, thiểu năng trí tuệ hoặc tự kỷ vận động gia đình cho các em tới lớp thế nhưng nhiều gia đình còn tỏ ý nghi ngờ và không đồng ý cho con đi học, thậm chí có người thấy bà gõ cửa là đuổi bà về, cho rằng bà già rồi nên bị ‘lẩm cẩm’.
Sự kiên trì vận động của bà đã thuyết phục được hai gia đình đồng ý cho con đi học với điều kiện nếu sau một tháng không có tiến triển sẽ trả về. Thế rồi trời cũng không phụ lòng người khi những học sinh đầu tiên của bà từ chỗ không biết ăn, biết nói chỉ sau một tháng đã có thể chào hỏi lễ phép cha mẹ.
Thấy được cái tâm và phương pháp dạy học khoa học của bà Nam, nhiều gia đình từ đó đã tin tưởng và gửi gắm con em tới lớp của bà. Từ chỗ ban đầu chỉ có vài ba học sinh, sau lên đến 15 em như hiện nay.
Nói về phương pháp dạy học cho trẻ khuyết tật, bà Nam tâm sự: ‘Nếu trẻ câm điếc, tôi dạy theo phương pháp câm điếc, nếu trẻ tự kỉ tôi dạy theo phương pháp tự kỉ, với mỗi em học sinh điều quan trọng phải tìm ra phương pháp giảng dạy cho phù hợp với tâm lý và tình trạng của từng em.’
Nói về ý nghĩa của lớp học, bà Nam cho biết: ‘Chỉ mong cho các em biết chữ để cuộc sống không bị phụ thuộc, có thêm cơ hội tiếp nhận tri thức và hòa nhập với cuộc sống.’
Tính đến thời điểm này bà đã mở được 30 lớp với số lượng hàng trăm học sinh. Và điều bà vui nhất đó là có nhiều em sau khi học được chữ đã tìm được việc làm và còn lập gia đình nữa. Trường hợp gần đây nhất là một cô học trò khuyết tật của bà được nhận vào làm tạp dịch trong Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một công việc tuy nhỏ nhoi bình dị nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với bà và cô học trò của mình.
Kể về những kỉ niệm đáng nhớ với lớp học tình thương và những học trò đặc biệt, bà Nam rưng rưng nước mắt: ‘Cái ngày tôi bị tai nạn và gãy tay khi đi bộ thể dục trên đường Thanh Niên, có một cháu chiều nào cũng đến, ngồi cạnh giường, vỗ lưng tôi và nói: ‘Bà ơi, bà bị thế này bà có chết không?’, tôi hỏi: ‘Vì sao lại nói vậy?’, cháu nó bảo: ‘Cháu thấy bà không đi lại được, sợ bà chết.’
Mong muốn lớn nhất của bà giáo già Hồ Hương Nam là sẽ có thêm nhiều lớp học dành cho trẻ khuyết tật được mở ở nơi khác để trẻ bị thiệt thòi đều được đến trường học chữ. (Ảnh: Việt Linh)