Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.N |
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về thực trạng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn; nhu cầu, khả năng đáp ứng cũng như những giải pháp để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này.
Nhân lực nông nghiệp & phát triển nông thôn: thiếu và yếu
Thực trạng về nguồn lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được nhiều đại biểu khái quát ngắn gọn là “thiếu và yếu”.
TS. Nguyễn Thắng, hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 đưa ra con số: Trong số 21,264 triệu lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động trên cả nước có đến 20,765 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%; bằng cao đẳng, đại học chiếm 0,22%. Với số lượng 60,7 triệu nông dân, chỉ có 4.847 cán bộ khuyến nông chuyên trách hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 10.543 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và 15.744 cộng tác viên thôn bản.
Còn theo số lượng thống kê lực lượng lao động ở các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân theo ngành nghề, trong toàn ngành, số cán bộ có trình độ sau đại học là 37 giáo sư, 98 phó giáo sư, 19 tiến sĩ khoa học, 652 tiến sĩ, 874 thạc sĩ, chiếm 8,54% số cán bộ có trình độ từ đại học trở lên và chiếm 0,71% tổng số lao động trong ngành.
GS.TS Đỗ Kim Chung (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) dẫn ra kết quả điều tra về năng lực cán bộ lãnh đạo và quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn (2008), theo đó, có đến 61% cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nông nghiệp trưởng thành từ các cán bộ có chuyên môn về kỹ thuật, chưa được đào tạo bài bản về cán bộ quản lý; hơn 70% đều tốt nghiệp ở các trường ĐH và quản lý hơn 14 năm trở lên, chưa được trang bị các kiến thức mới; khoảng 75% chưa được đào tạo cơ bản về kiến thức và kỹ năng quản lý nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới. Trình độ, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ này cũng rất hạn chế, đặc biệt ở các huyện nghèo, cùng sâu vùng xa.
Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh, TS. Nguyễn Nhân Chiến, PCT tỉnh cho biết, hiện toàn tỉnh còn thiếu so với yêu cầu 109 cán bộ nông nghiệp, trong đó cấp tỉnh thiếu 38 người, cấp huyện thiếu 46 người; cấp xã thiếu 25 người.
Những con số trên cho thấy, vấn đề đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Tuy nhiên, đây lại chính là vấn đề trăn trở, của các đại biểu tham dự hội thảo. Ông Lê Bá Thăng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn I chỉ ra hàng loại yếu kém của lĩnh vực này như: Hệ thống các cơ sở đào tạo còn yếu; chương trình đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều trùng lắp, việc đánh giá nhu cầu đào tạo, kết quả sau đào tạo còn rất yếu; phương pháp giảng dạy, học tập chậm đổi mới; đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên gia đầu ngành chưa làm được nhiều.
PGS.TS Lê Hữu Ảnh (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) chỉ ra 3 bất cập chính trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn. Một là, hệ thống cung ứng đào tạo chưa đáp ứng kịp các biến đổi nhanh chóng của thực tiễn do chưa nhận thức đầy đủ yêu cầu đổi mới của công tác cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý dẫn đến đào tạo không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Hai là, các bất cập hệ thống xuất hiện ở mọi khâu, nhất là tư duy giáo dục đại học, quan niệm đào tạo bậc đại học và nhu cầu cán bộ đại học phản ánh sự cứng nhắc trong nhận thức, tắc nghẽn trong liên thông, kìm hãm giải phóng năng lực trong công tác đào tạo bồi dưỡng. Ba là công tác sử dụng cán bộ thiếu động lực cạnh tranh khiến hạn chế tính sáng tạo của cán bộ, hạn chế giữ chân người giỏi…
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: N.N |
Phải đổi mới về chính sách
Đào tạo bồi dưỡng cán bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn – đâu là giải pháp? Câu hỏi này đã được nhiều chuyên gia trả lời tâm huyết.
PGS.TS Lê Hữu Ảnh (ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ nông nghiệp & phát triển nông thôn nói riêng, trước hết cần tôn trọng nhu cầu xã hội, phát triển đào tạo cán bộ nhất thiết phải gắn với nhu cầu xã hội. Cũng theo PGS.Lê Hữu Ảnh, chủ động xã hội hóa công tác đào tạo là giải pháp lý luận cơ sở; đổi mới quản lý là giải pháp căn bản của quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thay đổi các thiết bị kỹ thuật là giải pháp chuyên môn; tăng cường nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng là giải pháp đảm bảo hỗ trợ; tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách là giải pháp hoàn thiện khung pháp lý…
Một trong những giải pháp TS. Nguyễn Nhân Chiến – PCT UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh là cần tiến hành điều tra, nghiên cứu một cách toàn diện về nông nghiệp, nông thôn, nông dân từ đó xác định chính xác nhu cầu, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng với những bước đi cụ thể, vững chắc. Cùng với đó là việc ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, tâm huyết với nghề để cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các ĐH uy tín trong và ngoài nước gắn với chiến lược, kế hoạch sử dụng và đề bạt cán bộ…
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định của yếu tố đào tạo đối với sự phát triển nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói riêng, nhưng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, thực trạng đào tạo vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; chưa đảm bảo một cách đồng bộ giữa quy hoạch và đào tạo; chưa có một đầu mối đào tạo quản lý nhân lực ngành này…
Một trong những giải pháp Phó Thủ tướng đưa ra chính là phải đổi mới về chính sách cho cả 3 đối tượng: người làm, người học và người dạy, cùng với đó, có cách phát huy vai trò của Sở Nội vụ, ngành Nội vụ trong toàn quốc tham gia vào quy hoạch và giám sát việc này.
Về đầu mối đào tạo quản lý, Phó Thủ tướng cho rằng, với đối tượng đào tạo là người làm quản lý nhà nước cần có sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT, trong đó, đầu mối trực tiếp là Bộ NN&PTNT; với đối tượng đào tạo là cán bộ kỹ thuật thì đầu mối chính là Bộ NN&PTNT và Bộ GD&ĐT.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: ngành nào cần lập quy hoạch phát triển nhân lực của ngành đó và yêu cầu: tháng 11 tới, các ngành chính phải công bố được quy hoạch phát triển nhân lực của ngành mình.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần thay đổi cách đánh giá kết quả học tập, cụ thể, thay việc làm bài thi bằng làm các chuyên đề, như vậy, không nhất thiết thời gian kết thúc học phải trùng với thời gian kiểm tra đánh giá. Thêm nữa, đào tạo phải gắn với quy hoạch nhân lực của ngành và của địa phương.
Hiếu Nguyễn