Gần một tuần sau cuộc trưng cầu ý dân bỏ phiếu ủng hộ Brexit, trong khi các vấn đề về chính trị, kinh tế vẫn còn đang được mang ra tranh luận thì làn sóng bài ngoại đang gia tăng tại xứ sở sương mù này.
Hội đồng người Hồi giáo tại Vương quốc Anh (MBC) cho biết, kể từ ngày 24/6, tức là ngay sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố với phần thắng thuộc về phe Brexit, hàng trăm vụ xúc phạm, báng bổ người theo đạo Hồi đã xảy ra. Cảnh sát cũng xác nhận tại thành phố Huntingdon, nơi có đông đảo dân nhập cư gốc Ba Lan sinh sống, xuất hiện rất nhiều truyền đơn miệt thị.
Một tấm poster phản đối người nhập cư xuất hiện trên đường phố ở Newcastle, Anh. (ảnh: Twitter).
Đại sứ quán Ba Lan tại London đã bày tỏ sự quan ngại tình trạng công dân Ba Lan, cũng như nhiều cộng đồng người nước ngoài khác bị kỳ thị từ sau cuộc trưng cầu ý dân. Ngày 26/6 vừa qua, Trung tâm văn hóa Ba Lan tại thủ đô London cũng đã trở thành mục tiêu khi xuất hiện các hình vẽ graffiti trên tường với nội dung kỳ thị.
Người đứng đầu văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Zeid Ra’ad al Hussein ngày 28/6 đã thúc giục Anh nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn làn sóng bài ngoại và đưa những kẻ thủ phạm ra trước pháp luật.
Al Hussein cho biết: “Tôi đặc biệt lo ngại về làn sóng bài ngoại, các mối đe dọa cực đoan, các cuộc tấn công nhằm vào cộng đồng người nước ngoài, người nhập cư đang sinh sống tại Anh. Việc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu không nên khiến một số người hiểu sai rằng họ có quyền kỳ thị người nước ngoài. Chúng tôi hy vọng những cách cư sử như thế này sẽ sớm chấm dứt”.
Phát biểu trước Nghị viện Anh đầu tuần này, Thủ tướng David Cameron bày tỏ mối quan ngại về làn sóng bài ngoại tại Anh, đặc biệt là những vụ việc nhằm vào cộng đồng người Ba Lan.
Những vụ việc bài ngoại chủ yếu nhằm vào cộng đồng người Ba Lan ở Anh. (ảnh: AP).
Ông Cameron cũng cam kết chống nạn bài ngoại và bảo vệ các cộng đồng người nước ngoài tại Anh: “Tôi đã trao đổi với Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo và bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công đã xảy ra và đảm bảo với bà rằng, nước Anh sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ các công dân Ba Lan tại nước mình. Ba Lan là nước sẽ rất buồn khi chứng kiến Anh rời EU, vì hai nước có quan điểm chúng về nhiều vấn đề. Nước Anh đảm bảo sẽ duy trì mối quan hệ vững mại nhất giữa 2 nước trong những năm tới”.
Có rất đông người Ba Lan sinh sống ở Anh từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 và số lượng càng gia tăng sau khi Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu năm 2004. Theo thống kê chính thức, hiện có khoảng 790.000 người Ba Lan sống tại Anh và đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Anh sau cộng đồng người Ấn Độ.
Những người ủng hộ Brexit cho rằng EU đã cho phép một số lượng người di cư không bị hạn chế tới Anh từ Đông Âu. Đó là lý do cộng đồng người Ba Lan trở thành mục tiêu của làn sóng bài ngoại ở Anh.
Theo giới phân tích, xu hướng bài ngoại và quan điểm phản đối người nhập cư không phải mới đây mới dấy lên tại Anh. Thực tế, làn sóng bài ngoại đã âm ỉ ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung từ năm ngoái, với nhiều vụ tấn công nhằm vào khu ở của những nhập cư và người tị nạn như ở Thụy Điển hay điển hình là ở Đức.
Chủ đề người nhập cư cũng đã được phe ủng hộ Brexit khai thác triệt để trong suốt chiến dịch vận động vừa qua. Và đó là lý do khiến nó bùng phát mạnh mẽ hơn ngay sau khi có kết quả trưng cầu ý dân ở Anh.