Khi VNEN vào trong lớp ghép

GD&TĐ - Không giống như những giáo viên dạy lớp ghép, mỗi khi gặp cánh phóng viên chúng tôi là dịp để các thầy, các cô trải lòng về những khó khăn mà thầy và trò đang phải đối diện.

Các em được tham gia các hoạt động múa hát và học được nhiều kỹ năng sống
Các em được tham gia các hoạt động múa hát và học được nhiều kỹ năng sống

Với cô Phạm Thị Chín thì khác, dường như gặp chúng tôi chính là cơ hội để cô dốc bầu tâm sự về những đổi thay kỳ diệu ở một lớp học ghép thuộc điểm trường Sả Séng xã Tả Phìn (Sapa, Lào Cai). Những đổi thay ấy được bắt nguồn từ mô hình trường học trường mới (VNEN).

Tác động tích cực đến nhận thức của học sinh

Đến thăm lớp học của cô Chín vào một ngày đầu đông. Đó là một lớp ghép hai trình độ gồm lớp 2 và lớp 5 với 100% học sinh là dân tộc Dao và Mông. 

Lớp học của cô nằm ở lưng chừng đồi. Những cơn mưa nặng hạt khiến mọi ngả đường đến với lớp học càng thêm trơn trượt và lầy lội. Ấy vậy mà sĩ số lớp học đi đủ 100%.

Cô Chín cho hay: Kể từ khi lớp ghép của cô dạy theo mô hình VNEN, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đã có những chuyến biến rõ rệt. Bất kể dù ngày mưa hay ngày nắng học sinh đều chăm chỉ đi học đầy đủ. 

Em Dàng Thị Nồng tâm sự: “Đến lớp bây giờ vui hơn ngày trước. Chúng em vừa được học chữ, vừa được vui chơi, tham gia các hoạt động nhóm, rèn luyện kỹ năng và không còn sợ bị điểm kém như trước đây nữa. 

Vì vậy nếu như trời mưa thì chúng em sẽ khoác áo mưa đến lớp, trời nắng thì đội thêm cái mũ là được. Ở nhà buồn lắm, đi học thích hơn”.

Biến học sinh trở thành con người mới

Tiết học VNEN trong lớp học “hai bảng” của cô Chín
 

Tiết học VNEN trong lớp học “hai bảng” của cô Chín

Bắt gặp câu chuyện giữa tôi và em Nồng, cô Chín hồ hởi tiếp lời: “Đúng như em ấy nói. Nếu như những năm trước, các em nhút nhát lắm, gặp người lạ là các em ngồi thu mình lại hoặc gục mặt xuống dưới bàn, dù ai có hỏi thế nào cũng không trả lời. Tuy nhiên bây giờ mọi thứ đã khác. 

Các em đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Các em đã chủ động bắt chuyện với cô giáo, với người các anh (chị) phóng viên rồi đây. Có thể nói VNEN đã làm thay đổi các em, đã làm cho các em trở thành con người hoàn toàn mới”.

Điều đáng nói là, mô hình VNEN áp dụng vào lớp ghép đã mang lại hiệu quả ngoài sức mong đợi. Cô Chín chia sẻ: Đặc thù của lớp ghép chủ yếu là phát triển khả năng tự học của các em và khuyến khích các em học theo nhóm. 

Đặc điểm này lại rất phù hợp với mô hình VNEN là phát huy phẩm chất, năng lực cá nhân và khả năng làm việc theo nhóm.

Ngoài ra, thực hiện VNEN trong lớp ghép đã phát huy được tính ưu việt của nó đó là sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giữa các em học sinh trong quá trình học tập. Cụ thể là các em lớp lớn có thể giúp đỡ, hỗ trợ các em lớp bé.

Đối với giáo viên, nếu như trước đây, giáo viên rất vất vả và phải “xoay chong chóng” với “lớp học hai bảng” của mình, khi cô vừa giảng bài cho lớp này, xong lại quay sang giảng cho lớp kia nên rất mệt mà hiệu quả lại không cao. 

Nay áp dụng mô hình VNEN trong lớp ghép thì giáo viên đã được “giảm tải” rất nhiều. Theo đó, hoạt động của giáo viên chủ yếu là bao quát và hướng dẫn hỗ trợ khi các em gặp khó khăn.

“Sau 2 năm dạy lớp ghép theo mô hình VNEN tôi nhận thấy, nếu so sánh với các em ở điểm trường trung tâm thì học sinh của tôi không thua kém gì về học lực cũng như là các kỹ năng sống, thậm chí còn vượt trội hơn so với một số lớp khác” – cô Chín tự tin chia sẻ.

Cô, trò cùng chủ động, sáng tạo

Trao đổi với chúng tôi về những chuyến biến, sau hai năm triển khai mô hình VNEN vào lớp ghép tại Trường tiểu học Tả Phìn, cô Nguyễn Thị Kim Thêu – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: VNEN trong lớp ghép đã tạo chuyến biến tích cực trong nhận thức và hành động của giáo viên cũng như là học sinh. 

Giáo viên đã chủ động, linh hoạt hơn trong cách dạy. Không còn là cách dạy truyền thụ một chiều mà họ đã thực sự là người đồng hành, là những kỹ sư thiết kế bài học một cách sáng tạo, sinh động để những người thợ là các em học sinh thi công trên nền tảng đó.

Điều đáng nói là, từ mô hình VNEN các em học sinh của lớp ghép cũng đã chủ động học tập tích cực hơn. Tỷ lệ chuyên cần của các em đã chuyến biến rõ nét. 

Những năm trước, các em thường chỉ đi học đều được 1 buổi, buổi thứ hai các em thường trốn học ở nhà hoặc là theo bố, mẹ đi làm nương, rẫy. 

Giáo viên còn phải đi đến các gia đình vận động học sinh đến lớp. Còn bây giờ mọi chuyện đã hoàn toàn khác, các em đã tự giác đi học đầy đủ cả hai buổi trong ngày.

Qua tìm hiểu được biết, thành công của mô hình VNEN trong lớp ghép ở Tả Phìn, đến nay huyện Sapa đã nhân rộng tới 16 lớp ghép của 9 trường tiểu học trên địa.

Ông Nguyễn Đắc Hoàng – Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Sapa cho biết: Dạy lớp ghép bản chất là khó nhưng lại rất phù hợp với mô hình VNEN. 

Đặc trưng nhất là Hội đồng tự quản của học sinh rất phù hợp, gần gũi, thiết thực và cụ thể hóa những ý tưởng mà lớp ghép ngày trước chưa thực hiện được.

Ngoài ra, những tiết học VNEN trong lớp ghép sẽ thuận lợi bởi các em học sinh lớn có thể hỗ trợ học sinh bé, các em lớp trên giúp đỡ các em lớp dưới. 

Điều đó rất phù hợp và tạo ra những chuyển biến rõ rệt về chất lượng dạy và học; trong đó điểm nhấn chính là cả cô, trò đều chủ động, sáng tạo và linh hoạt hơn trong mọi hoạt động ở trên lớp.

 “So với trước đây chất lượng học tập của học sinh lớp ghép đã nhiều tiến bộ rõ rệt. Khi chưa áp dụng mô hình VNEN tỷ lệ khá giỏi của lớp ghép chỉ đạt khoảng 30% nhưng bây giờ đã đạt được trên 50% học sinh khá giỏi”Cô Nguyễn Thị Kim Thêu – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tả Phìn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ