Đánh dấu sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng của người Việt đang khiến một số doanh nghiệp (DN) nội phải thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng, cũng như cải tiến mẫu mã... hy vọng lôi kéo khách hàng.
Thật giả khó phân
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng của người Việt, không ít công ty, tập đoàn lớn cho đến các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đã tìm cách đưa các sản phẩm ngoại nhập vào Việt Nam. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, số lượng và chủng loại các sản phẩm, hàng hoá NK đã tăng lên rất nhanh. Giờ đây, NTD không còn phải chờ đợi có người quen đi nước ngoài để “nhờ” mua cái này cái kia, mà có thể dễ dàng tìm thấy hầu hết các sản phẩm này (từ NK chính ngạch đến xách tay tiểu ngạch) qua tất cả các kênh từ siêu thị, cửa hàng đến các kênh bán lẻ trực tuyến...
Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều các sản phẩm nhập ngoại thực sự tốt, từ các mặt hàng gia dụng, thời trang, cho đến các sản phẩm thực phẩm như thịt cá, bánh kẹo, đồ uống và cả hoa quả tươi... Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào nhập ngoại cũng có chất lượng tốt. Không khó để nhận thấy rằng, đa số các sản phẩm “ngon – rẻ” có xuất xứ từ Trung Quốc, và nếu sử dụng thì sẽ không thể “bổ”, thậm chí sử dụng lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là các sản phẩm đồ ăn, thức uống.
Gần đây khi hàng loạt các vấn đề về vệ sinh ATTP được phanh phui, những “công nghệ” hô biến thực phẩm bẩn thành những món ăn ngon lành được các cơ quan chức năng phát hiện, NTD mới giật mình và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm và ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, sau khi Cộng đồng chung ASEAN chính thức được thành lập vào cuối năm 2015, khi mà các mức thuế suất NK được dần cởi bỏ cũng như các thủ tục thông quan hàng hoá trở nên đơn giản hơn trước, các loại hàng hoá từ các nước ASEAN đang tràn vào Việt Nam, đặc biệt là những hàng tiêu dùng, thực phẩm từ Thái Lan.
Thua trên sân nhà
Không ít ý kiến cho rằng, hàng hoá Thái Lan tràn vào Việt Nam là chuyện bình thường, phù hợp với xu hướng hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, cuộc tấn công ồ ạt “thượng vàng hạ cám” của hàng hoá cũng như các hệ thống bán lẻ Thái Lan lại một lần nữa đặt DN Việt trước “bài toán” cạnh tranh sống còn ngay trên sân nhà.
Bởi hiện nay, ở tất cả các hệ thống bán lẻ mà Thái Lan đã thâu tóm của các DN Việt hàng hoá Thái luôn được bày bán ngay ở những vị trí đẹp nhất, thuận lợi nhất và luôn thu hút nhiều người tham quan mua sắm. Tại đây, bán đủ các mặt hàng Thái từ hàng gia dụng, quần áo đến thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm.
Mặt khác, theo các chuyên gia kinh tế, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoàn toàn, hàng chở từ Thái Lan về Hà Nội hoàn toàn giống hàng chở từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong khi đó, một lãnh đạo trong ngành nông nghiệp cũng cho biết, thời gian tới, dân Việt sẽ mua được thịt gà tươi của Thái ở Việt Nam giống như mua ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) bởi thịt gà vận chuyển từ Thái về Việt Nam chỉ mất chưa đầy 4 tiếng đồng hồ.
Trước thực trạng này, DN, người nông dân trong nước không còn cách nào khác phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản xuất, chủ động tìm kênh phân phối… để giữ vững và phát triển thị trường. Ngoài ra, với rau quả ngoại ồ ạt vào Việt Nam, cơ quan chức năng cũng phải có trách nhiệm trong việc kiểm tra chất lượng của các lô hàng, bảo vệ lợi ích NTD...
Với bản sắc văn hoá, cùng những phong tục, tập quán, cách sống hay cả ẩm thực của các nước láng giềng có nhiều nét gần gũi, tương đồng, các hàng hoá tiêu dùng được NK từ các nước ASEAN đã và đang nhanh chóng chiếm được thiện cảm của người Việt. NTD đã dần hình thành một thói quen lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã bao bì đẹp, mà giá cả lại hợp lý.