Theo Ban chỉ đạo 127 thành phố Hà Nội, qua đợt kiểm tra hoạt động các chợ trên địa bàn Hà Nội từ đầu tháng 9 đến tháng 10 cho thấy, ngoài các chợ hoạt động nằm trong quy hoạch, còn tồn tại 112 điểm chợ cóc, chợ tạm. Các chợ này tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và tồn tại nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Cũng theo Ban chỉ đạo 127 thành phố, chợ tạm, chợ cóc đều được hình thành một cách tự phát. Tại các chợ, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường còn yếu. Các tiểu thương thường xuyên kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chế biến không có nguồn gốc rõ ràng.
Hàng hóa chủ yếu là các loại hàng tiêu dùng rẻ tiền, các loại rau quả không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng. Thực phẩm tươi sống thường được mua lại của các cơ sở giết mổ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Người kinh doanh bán hàng không có địa điểm cố định, chủ yếu chiếm dụng vỉa hè lòng đường, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đoàn liên ngành thành phố đã kiểm tra 42 chợ, xử lý 25 vụ, phạt hành chính gần 49 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 523 kg gà lông, 79 kg gà thịt; 22 kg tim lợn; 1.699 chai, hộp, dầu hào; 395 gói me dâu hết hạn sử dụng; 180 sản phẩm thực phẩm chức năng. Trị giá hàng tịch thu tiêu hủy gần 200 triệu đồng.
Nhìn chung vấn đề quản lý đối với các chợ tạm, chợ cóc rất khó khăn. Thực tế, nhiều chợ mang tên chợ cóc, chợ tạm nhưng đã tồn tại hơn 20 năm. Người kinh doanh có thể nghỉ ngay khi lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao. Tuy nhiên, họ lại ra bán hàng ngay khi vắng bóng của cơ quan quản lý.
Thời gian tới, các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường, thú y, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát VSATTP tại các chợ, đặc biệt là chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Ban chỉ đạo 127 các quận, huyện, thị xã phối hợp với các xã, phường giải tỏa các điểm chợ cóc, chợ tạm thuộc diện giải tỏa.
Theo Hải quan