Đẩy mạnh công tác khắc phục bom mìn ở Việt Nam

Đẩy mạnh công tác khắc phục bom mìn ở Việt Nam

(GD&TĐ) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Trung tâm Quốc tế Geneva khắc phục bom mìn nhân đạo của Thụy Sĩ (GICHD) và Trung tâm quốc tế của Hoa Kỳ (IC-VVAF) tổ chức buổi tọa đàm về công tác khắc phục bom mìn vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam.

Xử lý bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh
Xử lý bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh

Sau các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, bom mìn do quân đội nước ngoài mang đến còn sót lại trên đất nước ta là rất lớn và rải rác trên nhiều địa phương. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm hàng triệu héc-ta đất đai và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn bởi chất nổ, chất cháy, chất độc hại có trong bom mìn, làm nhiều người bị chết và bị thương. Việc khắc phục bom mìn vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Bùi Hồng Lĩnh cho biết, năm 2010, Việt Nam đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, gọi tắt là Chương trình 504. Đây là sự khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc huy động các nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, góp phần phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội.

Cơ quan Thường  trực Ban Chỉ đạo 504 đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng thực hiện chương trình và hiện đã biên soạn xong dự thảo Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật khắc phục hậu quả bom mìn, đang hoàn chỉnh, trình ban hành.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đang thực hiện điều tra, lập bản đồ bom mìn trên toàn quốc. Năm 2012, đã hoàn thành việc điều tra, lập bản đồ tại 49/63 tỉnh, thành và đã xây dựng được các đề án, dự án rà phá bom mìn, nâng cấp một số trạm y tế xã và trung tâm y tế khu vực. Ngoài ra, còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giao dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, cộng đồng trong việc phòng tránh bom mìn; huy động sự chung tay góp sức của các tổ chức quốc tế .

Việc khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng ô nhiễm. Do vậy, rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ về nguồn lực cũng như về kỹ thuật, của các tổ chức trong và ngoài nước.

Dự kiến đến năm 2025, Việt Nam cần khoảng 14 nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả bom mìn, trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng; tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và cộng đồng; triển khai dự án rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Hoàn thành việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn...

Hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh là rất nặng nề, tàn khốc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đến sự an toàn tính mạng và phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo. Do vậy, sự chung tay góp sức của  cộng đồng trong và ngoài nước trong việc hợp tác khắc phục là hết sức cần thiết.

Đại diện của Trung tâm Rà phá Bom mìn Nhân đạo Quốc tế Geneva, ông Stephan Husy cho rằng: Mặc dù vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh còn sót lại song Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể, tham gia một cách tích cực vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực khắc phục bom mìn.

Ông David Shea, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Hoa Kỳ luôn ủng hộ công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Việt Nam và tin rằng Bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ đối tác giữa các bên. Đồng thời cũng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục bom mìn cũng như xây dựng kế hoạch hành động quốc gia giai đoạn 2010-2015.

Quỳnh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.