(GD&TĐ) - Tết đến xuân về, một trong những tập tục mang nét đẹp văn hoá truyền thống là chúc thọ người già và mừng tuổi trẻ con. Sau Tết, tuỳ theo điều kiện sống và quan hệ của bố mẹ mà mỗi đứa trẻ thường nhận được một khoản tiền nhiều hoặc ít. Cho trẻ giữ tiền này hay không? Có nên can thiệp vào việc chi tiêu món tiền riêng của con không là điều khiến không ít phụ huynh phải băn khoăn suy tính...
"Tiền của con " ...
Vừa đến cơ quan khai xuân về đến cổng anh Quân đã nghe thấy tiếng thằng Phong vừa khóc vừa kêu la ăn vạ. Chưa kịp dựng xe thì lại nghe tiếng vợ quát nạt, mắng mỏ thằng cu con om xòm nhà cửa. Thấy bố đẩy cửa vào nhà, thằng Phong chạy bổ ra, vừa khóc vừa sùi sụt mách tội: "Bố ơi, mẹ "trấn lột" hết tiền của con rồi..."Chưa kịp thuyết phục chị Vân Anh về chuyện cứ để con giữ tiền mừng tuổi của nó thì anh Quân đã bị vợ nói xơi xơi tại sao lại hứa với nó chuyện cho nó giữ tiền để mua cần câu, một mình anh với cái thú vui giết chết bao thời gian ấy chưa đủ hay sao mà còn khuyến khích con? Đáp lại thái độ của vợ, anh Quân chỉ nói mỗi câu: "Tiền của con, muốn quản lý thì cũng phải thoả thuận hợp lý với nó chứ..." rồi bỏ lên gác.
|
Cả năm trước chị Hường- Khu tập thể Trương Định- quận Hoàng Mai- Hà Nội đã mất bao công sức, thời gian và tiền bạc mới chữa được căn bệnh nghiện game online cho con. Để cậu con trai 12 tuổi của mình không có điều kiện tái nghiện game đến nhịn ăn quên ngủ, lạc hết cả hồn vía, chị đã hạn chế đến tối đa cho con cầm tiền. Mọi khoản chi tiêu của thằng Long chị giám sát chặt chẽ, ngay cả việc ăn sáng, thay vì cho con tiền tự ăn như trước chị đã phải dậy sớm nấu nướng cho con ăn ở nhà rồi mới để chồng đưa con đến trường. Mọi khoản tiền mua sắm đồ dùng học tập hay nộp cho giáo viên chị cũng tự mình đi mua hoặc đến trường nộp cho con. Tết năm trước, có được mấy triệu tiền mừng tuổi thằng Long đã nướng hết cho mấy cửa hàng điện tử. Chị Hường đã giả vờ hỏi vay khéo con mấy lần mà nó dứt khoát từ chối với lý do: "Đấy là tiền của con. Tại sao mẹ lại cứ đòi giữ, vô lý thế?". Kết quả là đến lúc phải mua thứ nọ thứ kia phục vụ học hành thì nó nằng nặc đòi mẹ phải cho. Hỏi đến tiền mừng tuổi thì con đã tiêu sạch cho trò chơi vô bổ từ lúc nào. Thế nên tết này chị rất băn khoăn không biết phải giúp con quản lý khoản tiền mừng tuổi thế nào cho chặt chẽ. Chị rất sợ có tiền và được toàn quyền sử dụng thằng con lại sa đà vào chơi điện tử thì công cốc..
Khi giữ tiền mừng tuổi của con, cha mẹ cũng phải chú ý đến tâm lý trẻ. Có những ông bố bà mẹ vì "bí" tiền mới để mừng tuổi con của bạn bè hoặc khách đến nhà chúc tết đã phải mượn tạm tiền mừng tuổi của con để làm "thủ tục ngoại giao" đã khiến bọn trẻ có thái độ phản ứng không hay. Với những trẻ nhỏ, chuyện bố mẹ giữ hộ tiền ít bị phản đối nhưng với những trẻ lớn thì hay gặp trục trặc vì không phải phụ huynh nào cũng có ý thức và biết cách giáo dục con thông qua tiền mừng tuổi. Quản lý tiền mừng tuổi của con một cách thô bạo cũng không hay. Ngược lại, nhiều gia đình khá giả, cho trẻ được phép cầm tiền mừng tuổi, để cho trẻ mua những thứ linh tinh theo sở thích một cách hoang phí và không có mục đích cũng là một sai lầm. Việc ứng xử với tiền mừng tuổi của con một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết, đòi hỏi phụ huynh phải khéo léo, uyển chuyển và cực kỳ tâm lý. Có như vậy mới có thể kết hợp dạy con những bài học về nhận thức, về sử dụng và quản lý tiền bạc. Bài học đầu tiền là giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền.Trái với quan niệm của một số người là hạn chế để con tiếp xúc với tiền càng muộn càng đỡ thực dụng, hư hỏng, các chuyên gia giáo dục lại khuyên rằng, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể dạy trẻ quản lý chi tiêu ngay từ khi chúng bắt đầu học lớp 1. Giúp trẻ nhận biết việc sử dụng tiền ngay từ khi chúng bắt đầu có nhận thức về đồng tiền sẽ giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền, giá trị của đồ dùng mà chúng đang sử dụng, phải có tiền thì chúng mới mua được đồ dùng đó. Hơn nữa, trẻ phải biết được giá trị của lao động. Đồng tiền chúng có được là do bố mẹ làm việc, đối xử tốt trong quan hệ mới có, không thể tiêu xài lãng phí được.
... biết tiêu đúng là đồng tiền khôn
Khi con trẻ có tiền mừng tuổi hay tiền mọi người cho, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ, không nên để con có quyền quyết định chi tiêu vì trẻ chưa hiểu hết giá trị đồng tiền. Lúc này phụ huynh nên phân tích và cho con được quyền tự lựa chọn việc quản lý và sử dụng tiền mừng tuổi như thế nào. Nếu trẻ không muốn gửi bố mẹ thì nên hướng dẫn con cách gửi tiền tiết kiệm, cho con biết số tiền lãi khi đến kỳ, hỏi nguyện vọng của con trong năm và hướng dẫn cho con cách sử dụng tiền đúng mục đích. Người khá giả không cần tiêu số tiền ấy thì gửi tiết kiệm dành cho con. Trẻ nhỏ thì bố mẹ có thể "quản lý" được tiền lì xì, nhưng với trẻ 14-15 tuổi đã có ý thức rất rõ về giá trị của tiền bạc, chúng có nhiều nhu cầu và đã biết sử dụng tiền thì khó quản lý hơn.
Cho con giữ tiền và thoải mái tiêu tiền, theo đánh giá của các nhà giáo dục là nét tiêu cực trong đời sống gia đình hiện đại. Đã có những ông bố bà mẹ có chút quyền chức được đồng nghiệp, người quen cầu cạnh, nhờ vả nên trong dịp tết họ thông qua việc mừng tuổi con cái họ để nhờ vả chuyện xin việc, lên chức. Chẳng ai dại gì mà đưa phong bì ra công khai chuyện nhờ vả, nhưng cái phong bao lì xì cho hai đứa trẻ thì dày cộp. Thế mới có chuyện đầu năm mới trở lại trường, có cậu học sinh lớp 7, lớp 6 huyênh hoang khoe với mấy đứa bạn nó được mừng tuổi đến cả mấy chục triệu đồng. Có nhiều tiền và tự ý tiêu thoải mái, nhiều trẻ không coi trọng đồng tiền và sức lao động để kiếm được tiền.Quen tiêu tiền sẽ khiến trẻ mắc phải tính lười lao động, không có chí tiến thủ, thích hưởng thụ và điều này rất dễ có những hành động dối trá, phạm pháp khi không có tiền. Thời gian qua, tại một số trường học ở Hà Nội đã xảy ra hiện tượng những học sinh lười học, học kém đã dùng tiền để thuê bạn làm giúp bài tập, bạn cho nhìn bài trong giờ kiểm tra...hoặc tụ tập đàn đúm rượu chè chơi bời ...
Ngày nay, không hiếm những gia đình giàu có mừng tuổi con bằng đô la, bằng chuyến du học hè , hoặc du lịch... với giá hàng chục, ngàn đô. Dù có dư dả, các bậc phụ huynh đừng tạo cho con cảm thấy đồng tiền dễ kiếm. Hãy nói cho con biết đồng tiền không tự dưng có mà do sự lao động vất vả. Trẻ có hiểu được giá trị đồng tiền thì mới biết trân trọng và chi tiêu đúng đắn
Muốn con trẻ biết cách chi tiêu, cha mẹ phải làm gương. Trước hết cần giải thích cho trẻ về ý nghĩa của những phong bao đỏ. Dù ít hay nhiều, tiền mừng tuổi không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần. Nó tượng trưng cho sự ghi nhận thành tích của trẻ trong năm cũ và là những lời chúc tốt đẹp đầu xuân mới. Bởi vậy, trẻ hãy trân trọng và sử dụng hợp lý “vốn may mắn” đầu năm của mình. Việc giúp trẻ sử dụng tiền mừng tuổi đúng cách vừa bước đầu dạy trẻ xây dựng khái niệm tự quản lý tài chính vừa góp phần nhắc nhở trẻ về trách nhiệm khi đón nhận sự yêu quí, quan tâm của người khác..
Rút kinh nghiệm của người thân và bạn bè, sau kỳ nghỉ tết, chị Hà rủ con gái ngồi cùng tính toán tổng kết lại chuyện chi tiêu ngày tết. Trang- Cô con gái 12 tuổi rất hào hứng, tỏ vẻ thích thú khi được mẹ tin cậy giao cho việc ngồi ghi chép, cùng mẹ thống kê lại mọi khoản thu chi, mua sắm. Đợi đến lúc con bé nêu thắc mắc về khoản tiền mừng tuổi của cả bố lẫn mẹ phải chi trong dịp Tết chị mới nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu vì sao đây chính là một khoản tiền nằm trong mục "bội chi". Nghe mẹ giảng giải một hồi, con bé đâm nghĩ ngợi, rồi nó vào phòng mang cái hộp đựng tiền mừng tuổi của mình ra đưa cho mẹ chứ không khăng khăng đòi giữ như năm trước. Biết con gái đã thông, chị Hà bảo: Con lớn rồi, con có thể tự mình giữ khoản tiền này. Có điều, mẹ con mình cùng lập kế hoạch chi tiêu sao cho có ích nhất nhé. Mất khoảng hơn một giờ hai mẹ con lên danh sách một số việc cần chi liên quan cận kề đến sinh hoạt của Trang. Khoản thì để mua sách vở, đồ dùng học tập, khoản thì để mua quần áo, khoản thì để mua quà sinh nhật bạn bè, đi tham quan cùng các bạn ở lớp… Ngay gần nhà có một chi nhánh ngân hàng, chị gợi ý con mở một tài khoản và gửi toàn bộ tiền mừng tuổi của Trang vào đó. Khi nào cần chi, hai mẹ con sẽ ra đó rút tiền. Chị Hà bảo: "Được giữ mã số tài khoản, con bé thích thú ra mặt. Tuy chuyện rút tiền hơi kích rích, mất thời gian một chút nhưng tôi muốn qua đó dạy cháu hiểu biết và tiếp cận dần với phương thức giao dịch tiền tệ hiện đại." Cách làm của chị Hà sẽ phát huy hiệu quả khi cho trẻ quản lý số tiền lộc may mắn đầu năm và dùng số tiền này để tự chi trả cho những thứ chúng cần trong sinh hoạt riêng tư, .không mua những thứ linh tinh mà hãy tích lại thành một khoản đủ để mua thứ đồ tiện ích, có giá trị. Điều này còn dạy cho trẻ em tiết kiệm tiền... Gia đình chị Thuỷ, anh Phương- Cầu Diễn- Hà Nội thì lại dùng phương pháp "mỡ nó rán nó" theo kiểu thuyết phục hai cậu con trai dùng tiền mừng tuổi để tặng thưởng cho những thành tích mà chúng đạt được. Với cậu lớn thì sẽ được phép dùng tiền mừng tuổi mua chiếc máy ảnh kỹ thuật số mà nó đang ao ước nếu đạt kết quả học sinh giỏi. Còn cậu em thì sẽ được mua chiếc xe đạp địa hình nếu cũng đạt thành tích như anh. Năm trước, nhân chuyện em trai chị Thuỷ mua chiếc ô tô, chị Thuỷ đã "nịnh khéo" hai thằng cu cho cậu nó vay hết tiền mừng tuổi mấy năm tích cóp bỏ lợn... Nghĩ đến lúc được ngồi trên xe ô tô của cậu vi vu khắp nơi, hai cu cháu sướng rơn, gật đầu rùm rụp... Khoản vay nho nhỏ ấy cậu chúng đã trả lại chị gái ngay sau đó nhưng hai thằng cu chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện đòi nợ cả, chúng nhất trí là "góp vốn" với cậu để được đi ô tô miễn phí. Anh Lâm cứ gật gù khen chị gái mình đúng là có phương pháp dạy con. Dù chỉ là một chút đóng góp nhỏ, nhưng những đứa trẻ thêm tự hào vì được thể hiện tinh thần trách nhiệm và giúp chúng hình thành thói quen quan tâm đến những người thân trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ.
Chị Mai Nhung- GV trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc- Hải Phòng thì lại có một sáng kiến "cải tạo" tính ích kỷ của cậu con một bằng việc dùng một phần tiền mừng tuổi mua quà đến thăm các bạn nhỏ mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Làng SOS. Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn và chuyện trò với các bạn thiệt thòi sau vài lần được mẹ chở đến đó, Gia Bảo- cậu HS lớp 5 quen được nuông chiều, hay vòi vĩnh, đòi hỏi đã thay đổi dần tâm tính. Bây giờ không cần phải nghe mẹ giải thích hay nhắc nhở Gia Bảo đã chủ động nói với mẹ "con sẽ dành tiên mừng tuổi để mua truyện tranh vào Làng SOS tặng các bạn." khác hẳn mấy năm trước, cứ nhận được tiền lì xì là cu cậu nướng hết vào mấy cửa hàng đồ chơi, siêu nhân. Tết qua đi là tiền cũng hết, không biết làm sao mà giúp con hình thành kế hoạch quản lý và xài tiền. Chị Nhung đã thành công khi giúp con dần hiểu được giá trị đồng tiền, giá trị cuộc sống, từ đó tác động tích cực giúp trẻ thay đổi lối sống và hành vi của mình.
Ngay cả với người lớn, việc sử dụng đồng tiền một cách thông minh cũng đã là một bài toán khó. Vì vậy, dạy con biết sử dụng đồng tiền là một nghệ thuật. Mỗi người sẽ có những phương pháp khác nhau. Chi tiêu hợp lý là một quá trình học hỏi nên cha mẹ cần kiên nhẫn định hướng cho con từng bước và hãy là tấm gương trong việc quản lý và chi tiêu một cách khoa học.
Kim Kim