Đan Trường: Từ cậu bé bán bánh mì trở thành ca sĩ hàng đầu Việt Nam

Có thể mái tóc bổ luống không bao giờ quay trở lại nhưng tên tuổi của Đan Trường trong lòng công chúng thật khó để thay thế.

Đan Trường: Từ cậu bé bán bánh mì trở thành ca sĩ hàng đầu Việt Nam

Tôi lớn lên trong một xóm nhỏ, không nghèo cũng chẳng giàu ở miền Trung. Có người làm công chức nhưng cũng có những người phải xuôi ngược Bắc Nam cho những chuyến đánh hàng như mẹ thằng bạn nối khố.

Và một trong những lần trở về từ Sài Gòn, cô mang cho chúng tôi cuộn băng ca nhạc có anh Bo. Với mái tóc lãng tử và gương mặt baby, Đan Trường đã chinh phục bọn trẻ con chuẩn bị dậy thời ấy thì một cách ngọt lịm.

Không có điều kiện đi Sài Gòn để được gặp thần tượng, chúng tôi chọn cách nhịn quà vặt, dành tiền mua mấy tấm poster để khoe với nhau và treo đủ mọi ngóc ngách trong nhà.

Dan Truong: Tu cau be ban banh mi tro thanh ca si hang dau Viet Nam - Anh 1

Câu chuyện cũ diễn ra cách đây gần 20 năm chính là minh chứng rõ nhất cho sức ảnh hưởng của Đan Trường đối với lứa khán giả 8X thời bấy giờ.

Hết Hôn môi xa, chúng tôi lại chao đảo với Kiếp ve sầu, Mưa trên cuộc tình, Không còn ai... Bài học mãi không thuộc nhưng lời bài hát thì đứa nào cũng làu làu.

Cho đến bây giờ, tôi cũng chẳng nhớ nổi thằng bạn cùng xóm ngày ấy đã gắn bó bao nhiêu năm với mái tóc cuốn vở, chỉ biết rằng khoảng thời gian đó khá dài.

Thưở ấy, chúng tôi yêu anh Bo vì anh đẹp trai, hát hay. Nhìn trên tivi thấy mặc toàn đồ đẹp, ở toàn nơi sang nên nào có biết Đan Trường sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh.

Là anh cả trong gia đình, từ nhỏ Đan Trường đã ý thức để gồng gánh cùng ba mẹ. Đi học xong về nhà chẳng được nằm dài mà ngủ hay nô đùa như lũ trẻ con đồng tuổi, anh phụ mẹ bạn bánh mì.

Trẻ con thường hay xấu hổ, ấy vậy mà còn bị mấy đứa bạn trong trường trêu đùa nên lắm khi Đan Trường cũng tủi. Nhưng buồn thì chịu chứ ăn sao nhịn được, thấy ba mẹ cực quá cũng chẳng đành lòng thế nên anh ráng.

Hết bán bánh mì, Đan Trường lại đi bỏ mối bút bi cho người ta. Mưa cũng như nắng, bỏ được ít hay nhiều gì, cậu bé Đan Trường ngày ấy cũng phải bon bon trên chiếc xe đạp để giúp mẹ đồng ra đồng vào.

Làm hoài mà nhà vẫn cực, Tết tới thấy mẹ vẫn mặc hoài bộ áo quần cũ, mấy lần Đan Trường tính xin nghỉ học nhưng ba mẹ không chịu. Đến khi anh học cấp 3, không ráng được nữa, người lớn đành phải gật đầu.

Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng nên Đan Trường chỉ chăm chăm kiếm lấy cái nghề. Mà có phải dễ dàng gì cho cam. Mua cho anh được bộ đồ nghề tiện để đi học với người ta, ba Đan Trường cũng phải mướt mải một thời gian dài.

Hiểu lòng ba mẹ nên đi học, bị người ta nói lên nói xuống, nặng nhẹ trên đầu trên cổ, anh cũng chẳng dám nao lòng. Có điều, Đan Trường mê hát lắm, thế nên có lần anh đánh liều tham dự một cuộc thi hát ở nhà văn hóa quận 10 và rinh về giải nhì.

Dan Truong: Tu cau be ban banh mi tro thanh ca si hang dau Viet Nam - Anh 2

Cũng từ đó, Đan Trường tập tành chạy sô. Cát-xê thấp, chẳng bỏ bèn gì, lại chẳng có tên tuổi, đi hát toàn phải chờ đợi, lên sân khấu khán giả cứ thờ ơ, vậy mà Đan Trường mê lắm. Nhớ lại quãng thời gian ấy, anh vẫn thấy vui.

Sau này, số phận run rủi cho anh gặp ông bầu Tuấn Thaso. Tài năng của Đan Trường cộng thêm đầu óc chiến lược của Tuấn Thaso đã đẩy tên tuổi của anh lên đến đỉnh.

Cũng có nhiều tin đồn, lắm thị phi trên con đường ấy nhưng sức hút của Đan Trường vẫn là điều khó cưỡng lại. Để có được lượng fan hùng hậu và chung thủy đến thời điểm này, Đan Trường đã phải lao động rất miệt mài và chăm chỉ.

Anh là ca sĩ không bao giờ nói có với hát nhép. Dù cho một ngày có chạy đến 5 sô khác nhau, Đan Trường vẫn hát live. Nhiều khi thấy không khỏe, anh xin phép khán giả để nhận được sự thông cảm chứ không bao giờ dễ dãi với công việc của chính mình.

Và trong khi rất nhiều ca sĩ khác cảm thấy lo ngại khi sản xuất album ở thời điểm hiện tại thì anh vẫn "đẻ" sòn sòn. Mỗi năm, anh Bo đều có thêm ca khúc mới chứ chẳng bao giờ cho phép bản thân hưởng mãi hào quang của hit cũ. Thế nên, ai mê Đan Trường cũng là người thuộc lòng cả kho bài hát khổng lồ.

Nói về những con số, 100.000 là số fan hâm mộ được cấp thẻ chính thức, 900 là số lượng bài hát anh Bo sở hữu, 60 CD và DVD là số lượng sản phẩm bán ra cho đến thời điểm này. Lẽ dĩ nhiên, khi Đan Trường còn đi hát, con số đó vẫn sẽ không ngừng tăng lên, nhất là khi khán giả vẫn còn yêu anh như bây giờ.

Cách đây không lâu, khi tác nghiệp ở một phòng trà tại Hà Nội, tôi vẫn không sao quên được sự thay đổi cảm xúc của khán giả trong đêm nhạc ấy.

Hôm đó Hà Nội rét đậm, trời đã về khuya và Đan Trường đến muộn vì bị vướng sô. Nhiều người giận, quản lý phòng trà lo lắng chạy ra chạy vào, ấy thế mà khi anh đến, chỉ cần nói vài câu, gương mặt ai cũng thấp thoáng nụ cười rạng rỡ.

Và họ nghe anh hát, cho đến khi đồng hồ đã quá 12h đêm, vẫn chẳng ai muốn về. Song, cuộc sống có những sự thật khó có thể phủ nhận và tên tuổi của Đan Trường ở thời điểm hiện tại cũng vậy.

Anh đang ở bên kia con dốc. Thế nên, nhắc đến anh, nhiều người chẳng ngần ngại mà nghĩ, anh đã hết thời. Ấy mà, cứ thử đến bất cứ địa điểm diễn nào có treo băng-rôn tên anh, bạn sẽ cảm nhận được: Đôi khi sự hết thời của một ca sĩ vẫn là ước mơ của khối người.

Theo Phụ Nữ News/ GĐVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ