Cuộc đời chìm nổi của người phụ nữ xinh đẹp họ Dương dường như đã có điềm báo ngay từ ngày bà bước chân vào cung. Theo sử sách ghi chép lại, năm 300, đúng ngày tổ chức lễ rước Dương Hiến Dung vào cung đã xảy ra một chuyện rất lạ.
Đó là khi cô dâu mặc xong lễ phục, đội chiếc mũ loan gắn châu ngọc lên đầu và chuẩn bị bước lên kiệu vào cung thì bỗng nhiên chiếc áo cưới bốc cháy ngùn ngụt. Mọi người dự lễ đều hốt hoảng xông vào ứng cứu.
Rất may không có ai bị thương song những người có mặt đều lo sợ cho rằng đây chính là điềm báo không hay cho cuộc đời của Dương Hiến Dung sau này.
Nói đến Hoàng đế Tư Mã Trung, người ta hay nhắc đến một ông vua tuổi đã ngoài 40 nhưng đầu óc đần độn, ngu ngốc. Bản thân Tư Mã Trung trước đây không chỉ là con rối bị triều đình giật dây mà mọi việc lớn nhỏ đều do vợ ông là hoàng hậu Giả Nam Phong nắm giữ.
Vì thế, lên ngôi hoàng hậu khi tuổi đời còn quá trẻ, có thể nói đó là may mắn của Dương Hiến Dung. Tuy nhiên, ở bên cạnh một người chồng già, một vị vua không cso năng lực như Tư Mã Trung thì không có gì đảm bảo cuộc đời người con gái họ Dương sẽ được hạnh phúc. Và tất cả đã diễn ra đúng như những gì điềm báo trong ngày cử hành hôn lễ của bà.
Năm 303, trong cuộc nội chiến của dòng họ Tư Mã, cuối cùng phần thắng đã thuộc về Tư Mã Dĩnh. Quyền hành trong tay, Tư Mã Dĩnh đã ép Tư Mã Trung phải phế truất Dương Hiến Dung làm thứ dân.
Vậy là lần thứ hai người phụ nữ xinh đẹp này bị tước mất ngôi vị hoàng hậu. Cũng trong thời gian "trôi dạt" trong cung này, một tin đau lòng khác đến với Dương Hiến Dung đó là cha mẹ bà đã bị giết hết.
Không lâu sau đó, Tư Mã Dĩnh bị các thân vương khác đánh bại. Một lần nữa, hoàng đế Tư Mã Trung lại đón Dương Hiến Dung trở lại cung với ngôi vị hoàng hậu.
Nhưng rồi Tư Mã Dĩnh lại phục thù, bắt vua làm tù binh. Trong cuộc hỗn chiến đó, khi Trương Phương đem quân vào kinh thành Lạc Dương để giúp Tư Mã Dĩnh rồi ra lệnh phế ngôi hoàng hậu của Dương Hiến Dung lần thứ ba.
Bắt được hoàng đế, Trương Phương ép ông hạ chiếu dời đô từ Lạc Dương về Tràng An. Và khi về Tràng An (tháng 11 năm 304), Tư Mã Trung lại lên ngôi, cùng với đó ngôi vị hoàng hậu của Dương Hiến Dung lại được phục hồi.
Nhưng lần lên ngôi này của Dương Hiến Dung cũng chẳng được bao lâu. Tháng 1 năm 305, Trương Phương tiếp tục phế ngôi của hoàng hậu mà không rõ lý do.
Cuối năm đó, một tướng quân nói là nhận được mật chiếu của hoàng đế, tuyên bố hồi phục ngôi hoàng hậu cho Dương Hiến Dung, nhưng rồi tướng quân này lại bị đánh bại, đồng nghĩa với việc lần thứ 4 hoàng hậu bị truất ngôi. Không chỉ bị mất ngôi báu mà trong lần này, Dương Hiến Dung còn bị nghi ngờ là vây cánh của bọn mưu phản nên suýt bị hại độc chết.
Cuộc nội chiến giữa các thân vương dòng họ Tư Mã kéo dài khiến nhà Tấn yếu dần rồi suy sụp. Giữa lúc đó, các thế lực của người Hung Nô, Tiên Ti ở miền Bắc ngày càng mạnh lên.
Dựa vào thế lực này, các thân vương nhà Tư Mã dốc toàn bộ lực lượng vào cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Tràng An. Trong suốt 3 ngày đêm, không chỉ người dân mà còn rất nhiều quan viên, đại thần bị giết hại, chết đói, họ tìm cách thoát thân khỏi Tràng An.
Từ đó, hoàng đế và các đại thần lại trở về Lạc Dương để xây dựng lại triều đình. Tháng 6 năm 306, một lần nữa Dương Hiến Dung được lập lại ngôi vị hoàng hậu.
Năm 318, hoàng đế nhà Hán là Lưu Thông qua đời, Lưu Diệu tự mình dẫn quân dẹp loạn, lên làm hoàng đế và lập Dương Hiến Dung làm hoàng hậu.
Đây là lần thứ 6 Dương Hiến Dung lên ngôi hoàng hậu và tính đến thời điểm này, Dương Hiến Dung đã từng làm hoàng hậu của hai nước, trước là nhà Tấn, hiện tại là nhà Hán.
Chuyện kể rằng, sau khi Lưu Diệu phong cho Dương Hiến Dung làm hoàng hậu, ông đã hỏi vợ rằng: “Ta đây với họ Tư Mã (Tư Mã Trung) thì ai hơn?”.
Dương Hiến Dung đã trả lời: “Về căn bản chẳng có gì đáng để so sánh. Hoàng thượng là một ông vua mở nước, còn ông ta là một ông vua mất nước. Ông ta có một vợ, một con cũng không thể bảo vệ được, thân là hoàng đế mà vợ tới 5 lần bị phế làm thứ dân.
Trước đây, khi thiếp bị bệ hạ bắt về, thực là không muốn sống, nào dám nghĩ rằng, đến nay lại được phong làm hoàng hậu. Thiếp vốn xuất thân trong một dòng họ danh giá, nên coi thường bọn đàn ông phàm phu tục tử. Tuy nhiên từ ngày về với bệ hạ, thiếp mới biết thế nào là một đại anh hùng!”.
Không chỉ ngưỡng mộ nhan sắc xinh đẹp của Dương Hiến Dung mà sự khéo léo trong cách ăn nói của bà càng khiến cho Lưu Diệu sủng ái bà hơn.
Cuộc đời đầy bi kịch của người phụ nữ này đã khép lại vào năm 322 khi bà ngoài 40 tuổi với 6 lần lên ngôi hoàng hậu, 6 năm làm hoàng hậu nhà Tấn, 4 năm làm hoàng hậu nhà Hán Triệu.