Công khai đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

GD&TĐ - Trả sổ bảo hiểm cho người lao động (NLĐ), cập nhật phần mềm thu nộp bảo hiểm xã hội (BHXH), để theo dõi từng tháng doanh nghiệp đã đóng BHXH cho NLĐ chưa… là những giải pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ khi doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH.

Công khai quá trình đóng BHXH là một giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ. Ảnh: molisa,
Công khai quá trình đóng BHXH là một giải pháp bảo đảm quyền và lợi ích của NLĐ. Ảnh: molisa,

Bức xúc nợ đọng, trốn đóng BHXH

Tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH hiện nay đã được các cơ quan truyền thông, báo chí đề cập đến khá nhiều, đây là một vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội.

Có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhất là từ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật về BHXH, nhận thức về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động còn chưa tốt, thậm chí có không ít các trường hợp cố tình chây ỳ, trốn tránh, không đóng BHXH cho NLĐ…

Theo báo cáo mới đây của BHXH Việt Nam, năm 2018, công tác thu và phát triển đối tượng BHXH Việt Nam đã thực hiện là: Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN là 332.006 tỷ đồng, vượt 2.032 tỷ đồng, đạt 100,62% so với kế hoạch được Chính phủ giao. Số nợ phải tính lãi 5.715 tỷ đồng, bằng 1,7% tổng số phải thu, giảm 1,2% so với năm 2017…

Bên cạnh những con số tăng trưởng tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn vướng mắc về tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể vẫn chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.

Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về chính sách BHXH, BHYT có nơi, có lúc còn chưa thường xuyên, việc khởi tố xử lý hình sự còn vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ khi doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đang trình phương án để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH phải yêu cầu BHXH Việt Nam cung cấp tất cả các doanh nghiệp nợ, trốn đóng và số NLĐ bị nợ đọng BHXH, trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết chuyên đề, nếu không NLĐ sẽ rất khó khăn. 

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây hơn một tháng, ông đã có cuộc làm việc với tập thể lãnh đạo BHXH Việt Nam và đã đề nghị BHXH Việt Nam cung cấp con số nợ chính thức và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn gây ra.

Thế nhưng để có số liệu cụ thể, phía BHXH Việt Nam thừa nhận là khó, không thể làm được.

Theo ước tính, hiện số nợ khoảng 3.000 tỷ, chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, vốn liên kết bị phá sản và bỏ trốn. Tuy nhiên, việc truy thu nợ BHXH đối với các doanh nghiệp này vẫn chưa có biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về BHXH của NLĐ.

Từng bước “gỡ vướng”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hai vấn đề vướng mắc là: Thứ nhất, Luật BHXH không cho phép lấy ngân sách từ kết dư BHXH để chi cho việc này. Luật Ngân sách Nhà nước cũng không cho phép lấy ngân sách Nhà nước bù. Như vậy, cả hai luật đều quy định không được.

Theo thông lệ quốc tế cũng không có nước nào làm thế cả, vì doanh nghiệp phá sản thì thực hiện theo Luật Phá sản. Về điều này, Giám đốc ILO tại Việt Nam, ông Chang Hee Lee cũng khẳng định, không có quốc gia nào làm thế được.

Trên thực tiễn, nếu giải quyết được một doanh nghiệp thì sau này các doanh nghiệp khác phát sinh sẽ xử lý thế nào? Vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, trốn đóng là chuyện thường ngày trong cơ chế thị trường, vì thế phải quản lý tốt.

Thứ 2, do không có số liệu chính thức: Số nợ chính thức và số người nợ BHXH, hoặc trốn đóng BHXH do các doanh nghiệp gây ra. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có con số cụ thể như: Số BHXH bao nhiêu, số nợ bao nhiêu, nợ bao nhiêu tháng, nợ đến tháng nào…

Nhưng tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam, phía đơn vị này cho biết, các con số này chỉ “ang áng”, chỉ “khoảng” là bao nhiêu. Bộ trưởng cho biết, lúc đầu tính toán làm Nghị định của Chính phủ xử lý vấn đề nợ đọng, trốn đóng BHXH, nhưng sau thẩm định về mặt quy phạmpháp luậtthì thấy không bảo đảm và không cho phép.

Để khắc phục việc nợ, trốn đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, vừa rồi, Chính phủ yêu cầu trả sổ bảo hiểm cho từng NLĐ. Cập nhật phần mềm thu nộp BHXH của từng cá nhân thông qua điện thoại. NLĐ có quyền cập nhật, theo dõi từng tháng, doanh nghiệp đã đóng BHXH cho mình chưa và cập nhật ngay qua điện thoại. Nhưng từ trước nay không làm được nên doanh nghiệp có khi hàng năm không đóng, NLĐ vì thế không biết.

Hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm, phải làm tốt công tác quản lý, cập nhật thông tin cho NLĐ biết. Xử lý theo hướng tập trung cao cho việc ứng dụng CNTT. Công khai, minh bạch hóa đóng BHXH cho NLĐ biết.

“Đây là giải pháp cao nhất để giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH”. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, còn cách xử lý thế nào, thì quan trọng nhất phải minh bạch được số liệu. “Không minh bạch được, không công khai được số liệu chính thức thì không có cách nào xử lý được. Hiện, chúng tôi đang giao cho BHXH Việt Nam thực thi vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.