(GD&TĐ) - Ngày 3/7, khi thời hạn tối hậu thư của quân đội chỉ còn vài tiếng đồng hồ, Mohammed Morsi gửi thông điệp đến toàn thể nhân dân Ai Cập qua truyền hình khẳng định dứt khoát không từ chức. “Tôi không thể làm khác được. Nhân dân đã bầu tôi, tôi phải tuân theo pháp luật và tiếp tục nhận trách nhiệm về mình”- Mohammed Morsi nói. Ngay sau đó, quân đội Ai Cập tuyên bố trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Ai Cập đang đứng trước thời khắc lâm nguy.
Không phải đảo chính, nhưng…
Tình hình ở Ai Cập đang có những diễn biến hết sức căng thẳng. Sau hàng loạt cuộc biểu tình làm rúng động đất nước, phe đối lập ra tối hậu thư đòi Tổng thống Mohammed Morsi phải từ chức trước chiều thứ ba (2/7) nếu không muốn phải đối mặt với làn sóng biểu tình mới. Căng thẳng ngày một tăng lên khi người biểu tình xông vào trụ sở của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”, phá phách đồ đạc rồi châm lửa đốt tòa nhà. Điều làm giới phân tích đặc biệt quan tâm rằng lực lượng an ninh Ai Cập có vẻ như làm ngơ trước yêu cầu can thiệp của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”. Chưa hết, ở bộ máy thượng tầng, Chính phủ Ai Cập đang đứng trước nguy cơ tan rã. Ngày 2/7, bất đồng với Tổng thống Mohammed Morsi, Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr tuyên bố từ chức, nâng tổng số Bộ trưởng từ chức lên trên 10 người. Theo các nhà phân tích, Ai Cập đang đứng trước cuộc xung đột dân sự nghiêm trọng và rất có thể dẫn đến nội chiến.
Trước những diễn biến phức tạp, ngày 1/7, quân đội Ai Cập ra tối hậu thư yêu cầu Mohammed Morsi phải tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Tối hậu thư của quân đội được đông đảo người dân Ai Cập tin tưởng và hoan nghênh. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố: Nếu yêu cầu của người dân không được chấp nhận trong thời gian nhất định, nhiệm vụ của quân đội là đưa ra một lộ trình cho tương lai và các biện pháp giám sát việc thực hiện lộ trình này. “Lộ trình” theo cách nói của tướng Al-Sisi là gì? Không ít người ngầm hiểu đó là cuộc đảo chính phi quân sự.
Giải pháp nào cho Mohammed Morsi?
Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi trước sự lựa chọn nghiệt ngã |
Ngày 2/7, Tổng thống Mohammed Morsi đã ra tuyên bố bác bỏ tối hậu thư của quân đội. Ông Morsi cho rằng, tối hậu thư của quân đội chỉ có thể gây ra hỗn loạn và làm phức tạp thêm tình hình. Ngay trong ngày thứ ba (2/7), hàng chục ngàn người ủng hộ Tổng thống Morsi đã tụ tập trước ngôi nhà chính của đại học tổng hợp Cairo nhằm chống lại tối hậu thư của quân đội. Va chạm đã làm 16 người chết, hơn 200 người bị thương- Kênh truyền hình “Al-Arabia” đưa tin. Tổng thống Ai Cập khẳng định sẽ có kế hoạch riêng nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc. Nói thì như vậy, nhưng bài phát biểu dài 2,5 giờ đồng hồ của Tổng thống Mohammed Morsi cách đây mấy ngày được đánh giá là thiếu thực tế.
Theo các nhà phân tích, có 3 giải pháp cho Ai Cập vào thời điểm hiện tại.
Thứ nhất và tốt nhất là thỏa hiệp. Chính quyền Ai Cập phải hủy bỏ mọi quyết định trước đó đồng thời công bố thời hạn cho một cuộc bầu cử mới. Phải hủy bỏ hiến pháp hiện hành của Ai Cập và đưa ra một dự thảo về hiến pháp mới. Nguyên nhân rất đơn giản rằng bản hiến pháp này thỏa mãn nhu cầu của người Hồi giáo nhưng không thỏa mãn được tất cả.
Thứ hai, Tổng thống Mohammed Morsi phải nhanh chóng từ chức. Việc từ chức của ông Morsi có thể diễn ra bằng hình thức hòa bình, có thể phải dùng bạo lực. Sau đó lập ra cơ quan lâm thời cầm quyền, ổn định đời sống cho người dân và lập kế hoạch bầu Tổng thống mới.
Thứ ba, giải pháp tồi tệ nhất là Tổng thống Morsi dựa vào quyền hạn của Tổng thống và sức mạnh của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” và các tổ chức Hồi giáo khác chống lại phe đối lập, đàn áp những cuộc biểu tình. Đây là giải pháp xấu nhất, nếu được áp dụng rất có thể sẽ dẫn đến nội chiến.
Quân đội Ai Cập khá độc lập với các tổ chức chính trị. Họ có vai trò tối thượng là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Thời của Hosni Mubarak, quân đội với Tổng thống gần như là một. Ấy vậy mà quân đội cũng không bảo vệ được Mubarak trong giờ phút lâm nguy. Tình hình Ai Cập là rất cam go, khó có thể đạt được thỏa thuận giữa các phe phái. Đây là “khúc quanh” của lịch sử đất nước kim tự tháp. Trong bối cảnh ấy, Mohammed Morsi chọn giải pháp nào? Liệu ông có nghe theo lời khuyên của người tiền nhiệm Hosni Mubarak rằng từ chức để đạt được thỏa thuận là giải pháp thông minh nhất?
Duy Long (TH)