(GD&TĐ)- Để đảm bảo an toàn cho HSSV, các sở GD&ĐT, các CSGD cần chủ động ngừng các hoạt động ngoại khóa trong thời gian bão, lũ diễn ra. Đặc biệt đối với các vùng có nhiều sông, suối, địa bàn phức tạp có nguy cơ lũ và sạt lở đất cao cần theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động cho học sinh nghỉ học nhằm tránh những rủi ro cho HSSV khi đến trường.
Ngày 22/5, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2013 và thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý kiểm tra hậu quả nặng nề do trận lũ kép lịch sử gây ra cho giáo dục Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung năm 2010. Ảnh: Bá Hải |
Trước diễn biến thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, khó dự báo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT, các ĐH, HV, các trường ĐH-CĐ, TCCN và các đơn vị trực thuộc Bộ: rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLBTKCN) năm 2012; xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2013 sát với tình hình thực tế và điều kiện của đơn vị, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu.
Chủ động phối hợp với chính quyền, ban chỉ huy PCLBTKCN của địa phương và các tổ chức, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai của Việt Nam 22/5.
Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Chỉ huy PCLBTKCN các cấp, trong đó bổ sung nhiệm vụ thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành Giáo dục giai đoạn 2011 – 2020;
Tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020; chủ động lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch, dự án của ngành và các cơ sở giáo dục; duy trì và nhân rộng kết quả từ các dự án về quản lý rủi ro thiên tai của địa phương hoặc do các tổ chức quốc tế tài trợ.
Huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện nghiêm túc công tác trực ban, huy động các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); tổ chức xây dựng các phương án giả định trong tình huống xảy ra thiên tai, lụt, bão và tổ chức diễn tập cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất của đơn vị để có biện pháp phòng tránh có hiệu quả, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang, các công trình trọng yếu, các công trình có độ an toàn thấp, quá thời gian sử dụng theo quy định, chú trọng đến các phòng thí nghiệm, phòng máy vi tính, thư viện, phòng học bộ môn, các xưởng thực hành; xây dựng phương án sơ tán các trang thiết bị dạy học, các kho sách đến những nơi an toàn khi có thiên tai xảy ra.
NXB Giáo dục Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thành viên xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, cung ứng sách giáo khoa, sách giáo viên, sách bài tập, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và thiết bị giáo dục để ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra, nhanh chóng cung ứng cho các địa phương chịu thiệt hại bởi thiên tai…
Với việc ban hành Chỉ thị này vào đúng dịp kỷ niệm 67 năm Ngày phòng chống thiên tai của Việt Nam (22/5/1946-22/5/2013) đã thể hiện quyết tâm cao của Bộ GD&ĐT trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của Ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Bá Hải