Cho ý kiến về Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho biết: “Là đại biểu của một tỉnh thuần nông tôi hiểu rất rõ bà con nông dân Thái Bình nói riêng, bà con nông dân cả nước nói chung đang trông chờ Quốc hội ban hành Nghị quyết quan trọng này. Vì vậy tôi nhất trí rất cao với việc ban hành Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp và thời gian miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2011 - 2020 như dự thảo nghị quyết đã nêu với các lý do mà Chính phủ đã trình và ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại tổ.
Đại biểu Phạm Xuân Thường đề nghị Quốc hội xem xét lại quy định tại Khoản 2, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Khoản này quy định "giảm 50% thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp và các đơn khác đang quản lý, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, kể cả diện tích đất nông nghiệp của các tổ chức đang quản lý nhưng giao cho các tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp".
Theo đại biểu Thường, đa số các tổ chức được giao đất sản xuất nông nghiệp đều cho thuê lại đất. |
Theo đại biểu Thường, đa số các tổ chức được giao đất sản xuất nông nghiệp đều cho thuê lại đất, đặc biệt là các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đều cho các cá nhân nông dân thuê lại.
“Thực chất đây là hình thức phát canh, thu tô, và trên thực tế đã phát sinh nhiều tiêu cực, để mất cán bộ, gây mất ổn định xã hội ở nông thôn do nhân dân khiếu kiện”, đại biểu Thường nhấn mạnh. Ông Thường lấy ngay ví dụ tại địa phương mình, đất mặt nước để cho nuôi trồng thủy sản cũng cho các phòng ban của huyện thuê làm kinh tế, nhưng thực chất các đơn vị này không làm gì cả và đem cho thuê lại. Mà điều đáng buồn, là lại cho người dân ở địa phương khác thuê để được giá cao, do đó dẫn đến việc khiếu kiện của người dân sở tại. Vị đại biểu này đề nghị thu hồi đất đã giao cho các đơn vị không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà cho thuê lại, để giao trực tiếp cho người dân sản xuất.
Một số ý kiến phát biểu sau đó cũng bày tỏ sự nhất trí cao với phân tích của đại biểu Thường.
Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng không thể giảm thuế với đối với các tổ chức không có chức năng sản xuất nông nghiệp. Và sau này khi sửa Luật Đất đai thì có thể thu hồi những diện tích này để cấp cho nhân dân.
Lấy ví dụ ngay ở Quảng Trị, đại biểu Châu cho biết một trại của một tổ chức đã chiếm hết hơn 2.000 ha đất trồng rừng nhưng không có hiệu quả trong khi dân không có đất gây mâu thuẫn rất lớn.
Bên cạnh nội dung nói trên, một số vấn đề khác cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Trần Văn Kiệt và một số vị đại biểu đề nghị Quốc hội nên miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp 100% cả diện tích vượt mức hạn điền để khuyến khích hộ nông dân có điều kiện bước đầu tích tụ lại đất, đẩy mạnh sản xuất, mang tính chất hàng hóa.
Còn theo đại biểu Trần Du Lịch, hộ nông dân dù vượt hạn điền cỡ nào nhưng là thành viên một hợp tác xã thì không bàn chuyện nộp thuế. Bởi vì hợp tác xã nông nghiệp chỉ phát triển được nếu như hợp tác xã có nòng cốt là những nông dân sản xuất nông trang, biết làm ăn giỏi.
“Những ông nào có nông trại lớn, là nòng cốt cho hợp tác xã, là thành viên của hợp tác xã thì quy mô cỡ nào cũng không thu thuế’, ông Lịch đề nghị.
Dù còn băn khoăn về một số nội dung cụ thể, song ý kiến chung đều đồng tình với đề xuất của Chính phủ thực hiện miễn, giảm thuế cho nhiều đối tượng sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, do còn có ý kiến khác nhau về thời gian thực hiện trong 5 năm hay 10 năm nên Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ gửi phiếu xin ý kiến của các đại biểu về nội dung này.
Quang Anh