(GD&TĐ) - Buổi thi sáng nay với khối B thi Hóa học; khối C và D thi Ngữ văn đã khép lại đợt thi thứ hai của kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013. Các trường đang tích cực chuẩn bị cho công tác chấm thi. Dự kiến có kết quả trước ngày 5/8.
Thí sinh thi ĐH Ngoại thương tự tin sau môn thi Ngữ Văn. Ảnh: gdtd.vn |
ĐỢT THI TRẬT TỰ, AN TOÀN, NGHIÊM TÚC, ĐÚNG QUY CHẾ
Theo Bộ GD&ĐT, đợt thi thứ 2, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2013 đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, tính đến môn thi cuối cùng, có 78.09%, tương đương 648.102 đến dự thi
Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu; không có sai sót. Theo đánh giá chung ban đầu, đề có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, đề thi có tính phân loại cao, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.
Các Hội đồng tuyển sinh thực hiện nghiêm túc quy định của Quy chế thi tuyển sinh; không khí trường thi trật tự, an toàn. Các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý nghiêm túc, kịp thời.
Trong 3 buổi thi của đợt II, trên phạm vi cả nước, có 199 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 43 bị khiển trách, 13 kỷ luật cảnh cáo và 143 bị đình chỉ. Số bị đình chỉ thi chủ yếu mang điện thoại di động và tài liệu trái phép vào phòng thi. Có 3 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật, trong đó 2 khiển trách, 1 bị đình chỉ.
Đợt thi thứ II thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi và việc đi lại của thí sinh. Không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, thí sinh đến dự thi đúng giờ. Điện nước được cung cấp ổn định ở tất cả các Hội đồng thi, không có sự cố mất điện, mất nước; thông tin liên lạc thông suốt.
Tại Thái Nguyên, do mưa to vào đầu giờ sáng 10/9, nhưng do có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan hữu quan (quân đội, công an, sinh viên tình nguyện,…) nên thí sinh đến dự thi đúng giờ, không có thí sinh đến muộn không được dự thi.
Các Bộ, ngành, địa phương, đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện,… triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả, tham gia phân luồng giao thông; giúp đỡ, hướng dẫn và đưa thí sinh, phụ huynh thí sinh đến các điểm thi; phối hợp giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi; hỗ trợ hàng ngàn chỗ trọ giá rẻ, xuất ăn miễn phí;
Nhiều trường đại học tạo điều kiện cho phụ huynh đưa các thí sinh đi thi có chỗ nghỉ ngơi, phục vụ nước uống trong thời gian chờ đợi, tránh tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông trước cổng trường (Trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội,…). (Nguyễn Nhung)
Thí sinh thoải mái kết thúc môn thi cuối. Ảnh: gdtd.vn |
HÀ NỘI: THỞ PHÀO SAU MÔN THI CUỐI
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hóa Đinh Thị Văn Chi cho biết: Buổi thi cuối tại trường có 3610 thí sinh đến thi, chiếm 68,08%. Cả đợt có 1 trường hợp bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu tại buổi thi môn Lịch sử. Sau môn thi cuối, nhà trường tiếp tục các công tác làm phách, chấm thi...
Là một trường đặc thù, ngày 9/7, các thí sinh thi vào Trường ĐH Mỹ thuật và Công nghiệp Hà Nội mới đến làm thủ tục dự thi. Ngày hôm nay, các thí sinh thi môn Ngữ văn - môn thi duy nhất “3 chung” với thí sinh cả nước.
Theo Phó Hiệu trưởng Khúc Văn Thông, năm nay toàn trường lấy chỉ tiêu 450 cao nhất trong lịch sử nhà trường. Buổi thi Văn có 1417 thí sinh trên tổng số 1718 thí sinh đăng ký, đạt tỷ lệ 82,4%.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong buổi thi sáng nay có 35 thí sinh bỏ thi so với chiều qua. Như vậy, tổng số thí sinh dự thi Văn của trường còn 3770 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 75,53&. Môn thi cuối, trường thi trật tự, an toàn, nghiêm túc.
Kết thúc môn Văn, nhiều thí sinh khối C băn khoăn với phần bình luận của mình ở câu hỏi nghị luận.
Thí sinh Thu Hồng (Cao Bằng) thi vào ĐH Luật Hà Nội chia sẻ: Em gặp khó khăn trong định lượng sự “khôn khéo” đặt ra trong câu hỏi: “Với câu hỏi mở “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn”, em làm không hoàn toàn được như ý vì bản thân sự “khôn khéo” rất khó định lượng.”
Giống như Hồng, thí sinh Ánh Tuyết (Hải Dương) phân vân về câu hỏi mở và không biết quan điểm của mình trong bài viết có được giám khảo đánh giá cao không. Tuyết cũng cho biết: Em bối rối với câu hỏi cảm nhận về sự nhẫn nhục của 2 nhân vật trong hai câu hỏi ở phần riêng cũng làm em bối rối. Một người nhẫn nhục không đáng trách, chỉ đáng thương, còn một người nhẫn nhục nhưng lại vừa đáng thương, vừa đáng trách. Nói chung, câu hỏi này cần các bạn phải nêu được suy nghĩ cá nhân, có tư duy, phân tích chứ không phải cứ học thuộc bài là làm được. (Lập Phương)
Nhiều tâm trạng sau một môn thi |
CỤM THI VINH: TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT NGAY SAU KHI KẾT THÚC ĐỢT 2
Ở kỳ thi vừa qua và các kỳ thi trước đây, trong cùng một cụm thi sử dụng nhiều loại giấy thi; Ngay trong một phòng thi, có khi có đến 3 - 4 loại giấy thi vì có thí sinh của 3 - 4 trường.ĐH. Điều này gây khó khăn và dễ dẫn đến sai sót của giám thị. Cụm thi Vinh thống nhất đề nghị từ kỳ thi tuyển sinh năm 2014, Bộ GD&ĐT nên quy định trong một cụm chỉ sử dụng một loại giấy thi. |
Chiều nay (10/7), Hội đồng coi thi liên trường Cụm thi Vinh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013. Toàn thể Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Hội đồng coi thi và lãnh đạo các điểm thi của Cụm thi Vinh đã tham dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Hội đồng Coi thi Cụm thi Vinh, năm nay, tại Cụm thi Vinh có 62.080 thí sinh có hộ khẩu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đăng ký dự thi vào Trường Đại học Vinh, 41 trường đại học ở Hà Nội và 31 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, giảm 22.184 thí sinh so với năm 2012 (không kể 13.592 thí sinh đăng ký thi vào Trường Đại học Y khoa Vinh).
Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành liên quan bảo đảm đủ mọi điều kiện và lực lượng phục vụ tốt kỳ thi.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành ở Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Vinh chuẩn bị địa điểm và phòng thi; xây dựng phương án bảo vệ thi; cấp điện ổn định phục vụ việc in sao đề thi và các điểm thi; tăng cường phương tiện và an toàn giao thông; bảo đảm thông tin liên lạc; bảo đảm an toàn thực phẩm và bố trí lực lượng y, bác sĩ trực cấp cứu ở các điểm thi; tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện giúp đỡ thí sinh và người nhà thí sinh.
Tỉnh đoàn và Hội Sinh viên Nghệ An đã tổ chức 130 đội với 2.468 thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ “tiếp sức mùa thi”. Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp thuộc Trường Đại học Vinh được sự phối hợp của Đoàn trường, Hội Sinh viên, Câu lạc bộ Mái ấm Trường Vinh, Câu lạc bộ Tổ chức sự kiện, Câu lạc bộ Khởi nghiệp của Trường và sự tài trợ của 2 nhà chùa, 14 doanh nghiệp đã thực hiện chương trình Tiếp sức mùa thi với 5.000 suất cơm và toàn bộ nước uống miễn phí cho thí sinh và người nhà thí sinh.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - làm nhiệm vụ giám sát kỳ thi tại Cụm thi Vinh nhận xét: “Các đợt thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Có được thành công này, phải nói có sự phối hợp, đóng góp rất lớn của các lực lượng, các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Nghệ An”.
Ông cho biết, trong đợt thi thứ nhất, bên kia bờ rào của một điểm thi là một công trình đang thi công khẩn trương. Nhưng khi nhận được đề nghị của lãnh đạo điểm thi, lực lượng thi công đã vui vẻ dừng ngay công việc để giúp thí sinh không bị phân tán trong quá trình làm bài thi.
Còn đại diện lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: “Chúng tôi ủy quyền hoàn toàn cho Trường Đại học Vinh chuẩn bị mọi việc cho kỳ thi tuyển sinh năm nay. Qua thực tế, chúng tôi không có điều gì phải phàn nàn về sự chuẩn bị đó. Chúng tôi rất tin tưởng vào uy tín của Trường Đại học Vinh, và nếu còn tiếp tục thi “ba chung”, chúng tôi sẽ vẫn thực hiện phương thức ủy quyền như mấy năm nay”.
Còn chút băn khoăn sau một môn thi |
Buổi đầu đợt 1 của kỳ thi có 23.763/36.383 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 65,31%%; hai buổi tiếp theo, có 105 em bỏ thi. Ở đợt thi này, thí sinh Nguyễn Văn Vọng bị bại liệt phải ngồi xe lăn đến dự thi vào Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Vinh đã được Hiệu trưởng nhà trường quyết định tuyển thẳng. Theo ông Đinh Xuân Khoa: “Những tấm gương như em Vọng cần phải được khuyến khích, vừa tạo cho các em vươn lên tìm được tương lai tươi sáng hơn, vừa giúp các em khỏa lấp đi những thiệt thòi mà các em đang phải gánh chịu”.
Buổi đầu đợt thi thứ 2 có 17.996/25.697 thí sinh đến dự thi, đạt tỷ lệ 70,03%. Sau khi thi xong môn thứ nhất, liên tiếp hai buổi thi sau có tổng cộng 96 thí sinh bỏ thi. Như vậy, sau hai đợt thi, có 201 thí sinh bỏ thi. Nguyên nhân các em bỏ thi là do sau một hoặc hai môn thi, bản thân tự thấy mình đã không có đủ khả năng làm bai thi. Gặp một thí sinh trong số đó ở đợt thi thứ nhất, em cho biết: “Buổi sáng thi Toán không làm được gì, biết có thi tiếp cũng chẳng ăn thua nên em không thi nữa. Em về và sẽ xin đi học nghề”.
Trong cả hai đợt thi, có 3 thí sinh vi phạm quy chế thi. Ông Đinh Xuân Khoa, Chủ tịch Hội đồng Coi thi khẳng định:”Công tác tuyên truyền đã có hiệu quả rất tốt đối với việc thực hiện Quy chế thi. Việc tổ chức thêm vòng ngoài ở các điểm thi để nhắc nhở, kiểm soát dụng cụ thí sinh mang theo trước khi vào phòng thi đã giúp các em không vì sơ suất mà vi phạm quy chế thi. Nhận thức của thí sinh về kỷ luật thi ngày càng tiến bộ, hầu hết các em đều tự giác thực hiện Quy chế thi. Tinh thần, thái độ của cán bộ coi thi, bảo vệ thi, phục vụ thi hết sức nghiêm túc”.(Minh Đức)
Thí sinh rời phòng thi |
CỤM THI TP HCM: ĐỀ NGỮ VĂN HAY, LẠ
Năm nay, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, sẽ chấm kiểm tra 5% số lượng bài thi ở từng HĐ chấm. Đây là một lực lượng chấm độc lập (do HĐ chấm trường đó thành lập), với phương châm kiểm tra và chấm song song với HĐ chấm thi nhằm điều chỉnh kịp thời sự chênh lệch giữa cán bộ chấm 1 và 2. Đồng thời Bộ GD&ĐT còn có đoàn Thanh tra chấm, kiểm tra và chấm đột xuất bất cứ HĐ thi nào, nên có thể tin tưởng vào những điểm số tuyệt đối chính xác và khách quan cho các thí sinh. |
Trong buổi thi môn Hoá (khối B) và Ngữ Văn (khối D, C), cụm thi TP HCM ghi nhận 5 trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi (ĐH Tôn Đức Thắng). Trong đó, đáng tiếc nhất là trường hợp của một thí sinh thi vào trường ĐH Nông lâm, dù đã làm xong bài và chuẩn bị nộp trước lúc hết giờ đúng 1 phút thì chuông điện thoại đổ nên bị lập biên bản.
Đánh giá về đề thi Ngữ Văn và Hoá sáng nay, nhiều thí sinh tại cụm thi TP HCM cho biết: Đề Ngữ văn hay, không quá khó và có tính thực tế cao. Đề Hoá có sự phân bổ kiến thức hợp lý và độ khó phân loại thí sinh ở mức tương đối nên thí sinh học lực khá có thể đạt điểm 6 - 7.
Em Trần Ngọc Phương - Thí sinh quê Lâm Đồng thi vào ĐH KHXH&NV TP HCM - cho biết: Đề thi không khó, nhưng đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức, tư duy của đời sống thực tế để làm bài. Câu 3 là những tác phẩm không mới, nhưng cũng đòi hỏi một hướng khai mở, làm bài mới nơi thí sinh.
Nhận xét về đề thi, cô Nguyễn Thị Mỹ Lan - Giảng viên môn Hoá Trung tâm Vĩnh Viễn - cho biết: Đề thi năm nay có khoảng 40% kiến thức lý thuyết. Ngoài những kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, đề thi còn có một số câu hỏi vận dụng mang tính phân loại. Để làm tốt các câu này, thí sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, đọc kỹ đề và đáp án trước khi chọn câu trả lời. Đề thi năm nay bám sát sách giáo khoa và cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT. Kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70% nội dung đề thi.
Cô Phạm Thuỳ Trang - GV Văn trường THPT Phạm Văn Sáng (Hóc Môn) - nhận xét: Đề thi năm nay ra không khó nhưng hay. Câu 1 và câu 2 là sự phát huy thành công của cách thức ra đề thi như đợt thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Với câu 1, có thể nói trong 10 năm trở lại đây, mới có dạng đề hay và đề cập đến được một chi tiết, yêu cầu thí sinh có một góc nhìn mới như thế trong tác phẩm.
Ở một khía cạnh mới, đòi hỏi học trò phải biết khai thác có chiều sâu, cách nhìn nhận và khai thác được nhiều tầng nghĩa. Câu 2 cũng thế, đây là câu hỏi mang tính chất giáo dục thế thệ trẻ thanh niên bây giờ khi ra đời ứng xử như thế nào đối với dân tộc, cũng như trong cuộc hòa nhập với thế giới đó là phát huy được thế mạnh như khôn khéo, thông minh, sáng tạo nhưng cũng cần phải mạnh bạo, quả quyết.
Thông tin từ Ban chỉ đạo thi Quốc gia, đợt 3 thi CĐ, có 30.0000 chỗ trọ giá rẻ, 7.000 chỗ trọ miễn phí cùng trên 35.000 suất ăn miễn phí do các trường vận động, phối hợp cùng với TTHT HS-SV TPHCM tiếp sức cho thí sinh.
Bên cạnh đó, 90 chùa của Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Việt Nam cũng tiếp tục đồng hành và hỗ trợ 7.500 chỗ trọ miễn phí cho thí sinh tại các chùa gần điểm thi, 25.000 suất cơm chay phát tại các điểm thi, cùng 3.000 vé xe bus miễn phí cho thí sinh trong đợt thi CĐ sắp tới.(Anh Tú)
Trong phòng thi |
CẦN THƠ: BẮT ĐẦU TỔ CHỨC CHẤM THI
ĐH Cần Thơ sẽ hoàn tất công tác chấm bài thi và có kết quả trước ngày 5/8. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn, trường sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Dự kiến, trong tuần đầu tháng 8/2013, ĐH Cần Thơ công bố kết quả trúng tuyển của thí sinh. |
Sáng nay, PGS.TS Hà Thanh Toàn - Chủ tịch Hội đồng coi thi (HĐCT) liên trường cụm thi Cần Thơ, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ - cho biết: “Đợt 2, tuy có nhiều khối thi, số lượng thí sinh đông hơn đợt 1, nhưng kỷ luậtphòng thi, bảo mật đề thi được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Cả 2 đợt của kỳ thi tại cụm thi Cần Thơ diễn ra an toàn nghiêm túc, đúng qui chế; tình hình an ninh trật tự xung quanh khu vực các điểm thi đảm bảo”.
Theo HĐCT liên trường cụm thi Cần Thơ, trong buổi thi cuối có 36.053 thí sinh dự thi (chiếm 83,1%), tổng số thí sinh vắng thi trong cả đợt thi lên 7.348 TS. Buổi thi cuối có thêm 1 thí sinh vi phạm qui chế thi, nâng tổng số thí sinh vi phạm qui chế thi trong cả đợt 2 lên 4 thí sinh (3 thí sinh mang điện thoại di động và 1 thí sinh đình chỉ thi).
Ngoài ra, cả 2 đợt thi, có 5 thí sinh căng thẳng do sức khỏe được chăm sóc kịp thời, 1 thí sinh nữ quê ở Trà Vinh, dự thi vào ngành Công nghệ Thực phẩm Trường ĐH Cần Thơ đã đột ngột ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu và đang trong tình trạng rất nguy kịch.
Qua 2 đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 tại Cần Thơ, mặc dù lượng thí sinh, phụ huynh đổ dồn về trung tâm thành phố khá đông, tuy nhiên, các tuyến đường ở trung tâm thành phố không xảy ra tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông. Kết quả này là nhờ lực lượng cảnh sát giao thông, chiến sĩ công an túc trực phân luồng, điều tiết giao thông ở các chốt và khu vực các điểm thi.
Theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, sau khi kết thúc kỳ thi, cụm thi Cần Thơ bắt đầu tổ chức chấm thi. Đối với khâu chấm thi tự luận, ngoài lực lượng giảng viên của trường, ĐH Cần Thơ, dự kiến mời khoảng 500 giáo viên ở các trường THPT của tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng và TP Cần Thơ cùng tham gia chấm thi. Chọn ngẫu nhiên 5% số bài thi tự luận đã chấm, hội đồng thi sẽ chấm lại. (Hồng Đang)
Thí sinh hứng thú với đề thi môn Ngữ văn |
ĐÀ NẴNG: THÍ SINH THOẢI MÁI VÌ LÀM ĐƯỢC BÀI
“Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 tại ĐH Đà Nẵng diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đặc biệt, công tác in sao, bảo mật đề thi được bảo mật tuyệt đối. Tình hình an ninh, trật tự trường thi được đảm bảo tốt. Tinh thấn và thái độ coi thi, giám sát phòng thi luôn ở mức độ cao. Vì vậy, công tác tổ chức tuyển sinh tại ĐH Đà Nẵng được Đoàn thanh tra số 5 (Bộ GD&ĐT) đánh giá rất cao”. PGS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng |
Nhiều thí sinh dự thi khối D đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sáng nay tại một số địa điểm thi ở thành phố Đà Nẵng cho rằng đề thi môn Ngữ văn có độ khó nhưng rất hay.
Thí sinh hoàn thành bài thi sớm và tự tin với kết quả bài làm của mình. Tại nhiều địa điểm thi, thí sinh nộp bài ra về khi thời gian làm bài còn hơn 40 phút.
Em Lê Thu Hiền (Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) - thi vào ngành Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, một trong những thí sinh hoàn thành bài thi sớm nhất tại Hội đồng thi Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm - cho biết: “Em thấy đề thi môn Ngữ văn khối D năm nay đủ độ khó và rất hay. Em không chỉ thích nội dung câu hỏi 2 mà rất tâm đắc với nội dung câu hỏi 3 phần nâng cao. So với những bài thi trước, bài thi môn Văn em làm xong sớm hơn và còn dư thời gian làm bài".
Thí sinh Ngô Thị Hồng Hạnh (Trường THPT Phan Bội Châu, Tam Kỳ, Quảng Nam) - thi vào ngành Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng - bày tỏ: “So với đề thi đại học môn Ngữ văn năm ngoái thì đề thi môn Ngữ văn năm nay khó hơn.
Tuy nhiên, em thấy đề Văn vừa hay, vừa thú vị. Em rất thích nội dung câu hỏi 2 khi “mặc sức” được bày tỏ quan điểm của mình về nhận xét “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vạch sẵn”, của chàng trai Việt kiều Tran Hung John”.
Đối với các thí sinh thi khối B, nhiều em cũng có tâm trạng thoải mái sau khi hoàn thành bài thi môn cuối cùng.
Em Lê Thị Xuân (Trường THPT Thanh Chương 1, Nghệ An) - thi vào ngành Sư phạm Sinh học, Trường ĐH Sư Phạm Đà Nẵng (Hội đồng thi Trường THCS Nguyễn Huệ) - cho biết: “Em thấy đề thi môn Hóa dài, em mất rất nhiều thời gian cho phần tính toán, tuy nhiên, em cũng đã hoàn thành bài thi của mình theo đúng thời gian quy định. Em rất hài lòng với kết quả bài thi của mình trong kỳ thi này".
Kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 năm 2013, Hội đồng tuyển sinh ĐH Đà Nẵng có 2 thí sinh bị đình chỉ thi (1 trường hợp mang điện thoại di động và 1 trường hợp tài liệu và phòng thi) và 96 thí sinh vắng thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi đợt 2 đạt 86,50%. (Đại Thắng)
Thí sinh nộp bài ra về sớm đợi người nhà tới đón trước điểm thi |
ĐẠI HỌC HUẾ: ĐÌNH CHỈ 12 THÍ SINH, KHIỂN TRÁCH 17 THÍ SINH
Kết thúc buổi thi cuối cùng sáng nay, toàn Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế có thêm 3 thí sinh bị đình chỉ thi (1 trường hợp do mang tài liệu và 2 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi) và 2 thí sinh bị khiển trách vì nhìn bài của bạn.
Như vậy, tổng số thí sinh bị đình chỉ thi tại ĐH Huế trong đợt thi thứ 2 là 12 trường hợp (3 trường hợp mang tài liệu và 9 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi) và 17 thí sinh bị xử lý khiển trách do trao đổi bài và nhìn bài của bạn.
Tỷ lệ số lượng thí sinh đến dự thi trong đợt này đạt 82,89%, tổng số lượng thí sinh vắng thi sau 3 buổi thi là 116 trường hợp.
Theo Hội đồng tuyển sinh ĐH Huế, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đợt 2 đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi của thí sinh tại 65 hội đồng thi được cán bộ coi thi thực hiện kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh dự thi.
Mặc dù, số lượng thí sinh dự thi đợt 2 lớn, số lượng điểm thi nhiều và trải rộng trên khắp địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tuy nhiên công tác tổ chức tuyển sinh được thực hiện tốt. Công tác giữ gìn an ninh trật tự, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành cùng ĐH Huế luôn được thực hiện tốt đã tạo điệu kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Góp phần tạo sự thành công cho kỳ thi tuyển sinh đợt này.(Đại Thắng)
Thí sinh Quy Nhơn rời phòng thi sáng 10/7 |
“Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và người dân địa phương nên kỳ thi tuyển sinh năm nay tại cụm thi liên trường TP. Quy Nhơn đã thành công tốt đẹp. Nhìn chung cả 2 đợt thi đều diễn ra bình thường, trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh”. PGS.TS Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch HĐCT cụm thi liên trường TP Quy Nhơn |
Về đề thi môn Hóa học khối B, đa số thí sinh có chung nhận xét đề tiếp tục được ra theo hướng bám sát chương trình sách giáo khoa phổ thông, không quá khó nhưng có tính phân loại thí sinh cao. “Khối B chỉ có môn Sinh học hơi khó một chút, còn Toán và Hóa đều vừa sức nên đa số các bạn đều làm được bài. Vì vậy em nghĩ đợt thi này sẽ có nhiều bạn có điểm thi sẽ cao hơn đợt 1” - Thí sinh Nguyễn Võ Giác (Phú Yên) chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng có một số thí sinh như Nguyễn Thị Tuyết Hà, Võ Duy Bằng - Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Kon Tum) - lại cho rằng đề Hóa học khối B năm nay đều nằm trong chương trình nhưng khó hơn đề khối A đợt 1 vừa rồi, đề có nhiều câu hay nhưng hơi dài và yêu cầu phải tính toán nhiều.
Về đề thi môn Văn khối D1, nhiều thi sinh cho rằng đề bám sát chương trình, vừa sức với học sinh và nếu thí sinh chịu khó học kỹ đều có thể làm được bài.
Thí sinh Nguyễn Văn Long (Bình Định) - dự thi khối D1 - cho biết: “Đề thi nằm nhiều ở chương trình 12 nhưng đòi hỏi thí sinh phải chịu khó học kỹ, nắm vững kiến thức mới làm được bài”.
Nhìn chung, buổi thi cuối cùng tại cụm thi liên trường TP Quy Nhơn tiếp tục diễn ra bình thường, trật tự, an toàn, nghiêm túc và không có thêm trường hợp nào vi phạm quy chế thi, có 2 thí sinh bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. (Xuân Nguyên)
Thí sinh tại Đà Lạt kiểm tra lại bài làm môn chiều qua. Ảnh: Quang Ngọc |
ĐÀ LẠT: ĐỀ VĂN KHIẾN THÍ SINH KHÔNG THỂ RẬP KHUÔN SÁCH VỞ
Tại Trường Đại học Đà Lạt, thí sinh khối C và D1 do làm tự luận, hết 2/3 thời gian quy định, nhiều em đã nộp bài ra về.
Đề thi Ngữ văn khối C và D1, nhiều thí sinh nhận định là vừa sức. Các em đều làm được bài nhưng khó có thể đạt được điểm cao. Để hoàn thành tốt bài thi với đề Ngữ văn của hai khối này đòi hỏi khả năng nắm bắt và lĩnh hội vững những kiến thức đã được học trong sách giáo khoa của thí sinh thì mới chuyển tải được vào bài viết.
Nhiều thí sinh của hai khối này đều cho biết, trong 3 câu buộc các em phải hoàn thành khó nhất vẫn là câu nghị luận xã hội. Nội dung hoàn toàn độc lập với kiểu rập khuôn trong sách vở. Để làm được loại câu hỏi này, buộc thí sinh phải biết tổng hợp những kiến thức về nghị luận xã hội đã được học để vận dụng vào thực tế nhằm phân tích, chứng minh, bình luận một vấn đề.
Thí sinh Nguyễn Thị Nhung, dự thi ngành Du lịch nhận định: “Thật ra thì đề thi năm nay không khó, chỉ cần nắm được những kiến thức đã được học trong sách giao khoa, biết cách làm một bài văn hay, mạch lạc và xúc tích thì em nghĩ không quá khó để đạt được 6 - 7 điểm. Trong phòng em nhiều bạn hoàn thành bài thi rất nhanh nhưng em nghĩ thời gian làm bài quy định 3 tiếng mà làm chỉ 2/3 thời gian đã nộp bài, nhất lại là môn Ngữ văn thì thật rất khó để đạt kết quả cao”.
Ở khối C, đề Ngữ văn lại một lần nữa xoáy sâu vào tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam và “Tây Tiến” của Quang Dũng. Đây là những tác phẩm mà nhiều năm nay các dạng đề thi đã nhiều lần xoay quanh hai tác phẩm này. Bước ra khỏi phòng thi, em Lê Thị Kiều Trinh cho biết: “Trong ba môn thi đã qua, em thấy hài lòng với môn Ngữ văn vì em làm tốt. Em tin là mình sẽ được điểm như mong muốn”.
Trong khi đó, cùng chung tâm trạng với thí sinh các khối C và D1, nhiều em dự thi khối B với môn Hóa học bước ra khỏi phòng thi với một tâm khá phấn khởi. Với 50 câu hỏi trắc nghiệm môn Hóa học, hơn một nửa là lý thuyết nên những thí sinh “chịu cày” đã ẵm chắc phần này.
Báo cáo nhanh từ Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Đà Lạt cho biết, kết thúc 3 môn thi của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng đợt 2 năm này, không phát hiện trường hợp nào vi phạm quy chế thi. (Quang Ngọc)
Thí sinh Cụm thi Vinh sau một môn thi |
CỤM THI VINH: ĐỀ VĂN TƯỞNG DỄ MÀ KHÓ!
Đợt thi thứ hai tại Cụm thi Vinh và ở Trường Đại học Y khoa Vinh đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng Quy chế. Từ khâu in sao,vận chuyển, bảo mật đề thi đến việc coi thi đều không có sai sót. Tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm được đảm bảo; trong suốt đợt thi không có vụ tai nạn giao thông hoặc vụ ngộ độc thức ăn nào xảy ra đối với thí sinh và người nhà của các em. Trong buổi thi sáng nay, có 2 thí sinh bị đình chỉ thi.
Theo thí sinh Phạm Thị Hoa (Trường THPT Quỳnh Lưu 4 Nghệ An), thi vào Trường Đại học Y khoa Vinh, đề thi môn Hóa học của khối B vừa sức, độ dài vừa phải và dễ kiếm điểm. Tuy nhiên, để đạt điểm tối đa là khó vì đòi hỏi thí sinh ngoài việc nắm chắc kiến thức sách giáo khoa, còn cần có kỹ năng làm các bài tập nâng cao. Em cho rằng mình đã làm đúng chắc chắn được trên 70% trong số 50 câu hỏi.
Một số thí sinh thi ở điểm thi Trường THCS Cửa Nam (thi vào Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho biết: Đề thi môn Ngữ văn năm nay hay, nhưng cũng tương đối khó. Có câu đòi hỏi thí sinh phải sáng tạo, cảm nhận tốt mới có thể trả lời được.
Thí sinh Nguyễn Văn Minh nhận xét: “Câu nghị luận xã hội mang tính mở, đòi hỏi vốn sống nhiều, sâu sắc, tư duy mạch lạc, lập luận chặt chẽ mới hy vọng đạt điểm cao. Câu này dễ mà khó bởi nó gắn với thực tế cuộc sống. Em rất thích đề văn kiểu này”.
Theo cô giáo Lê Việt Hà, giáo viên Trường THPT Lê Viết Thuật (Vinh), đề thi môn Ngữ văn của khối D năm nay khá hay, sáng tạo và bất ngờ. Câu 2 điểm, năm nay yêu cầu thí sinh không chỉ học thuộc mà phải biết cắt nghĩa, lý giải vấn đề thông qua một chi tiết nghệ thuật của một tác phẩm.
Ở câu nghị luận văn học (5 điểm), đề ra nêu một vấn đề trong một tác phẩm và yêu cầu thí sinh phải bình luận, phải thể hiện quan điểm riêng của mình. Ở câu nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh bàn về tính cách người Việt - đây là vấn đề nóng hiện nay. Ra đề như vậy thí sinh không thể học tủ mà phải học một cách cơ bản, học nghiêm túc mới có đủ kiến thức để làm bài. So sánh với năm ngoái, đề Ngữ văn năm nay có khó hơn. (Minh Đức)