Cá tra tiếp tục "đội giá" do khan hiếm

Cá tra tiếp tục "đội giá" do khan hiếm

(GD&TĐ) - Qua thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán Tân Mão, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đồng loạt tổ chức thu mua cá nguyên liệu và bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Do diện tích nuôi cá tra giảm và sản lượng cá tra đến thời điểm thu hoạch không nhiều, nên buộc các thương lái phải đưa giá thu mua cá tra tại ao khoảng 23.500- 24.000 đồng/kg, cao hơn 500 -1.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết.

Theo kết quả khảo sát ngày 13/2/2011, giá thu mua các tra loại I tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, … đã tăng lên 500-1.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết và hiện cá giá khoảng 23.500-24.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sản lượng cá tới cỡ thu hoạch không nhiều do phần lớn cá đang ở mức dưới 0,7kg/con. Theo các hộ nuôi cá tra ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long thì cần khoảng 1-2 tháng nửa thì lượng cá thu hoạch sẽ nhiều hơn. Hiện nay, ngoài TP. Cần Thơ và Hậu Giang, đa số hộ nuôi cá tra tại các tỉnh khác chỉ có vài hộ còn cá để bán vào thời điểm này.

(ảnh: gdtd.vn)
(ảnh: gdtd.vn)

Theo ông Nguyễn Văn Sơn – nông dân nuôi cá tra ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện các chi phí đầu vào nuôi cá tra như: thức ăn, hoá chất, con giống nhân công, lãi vay ngân hàng,… đều tăng, trong đó đáng ngại nhất là sự tăng giá liên tục của thức ăn chăn nuôi (chiếm 70-80% giá chi phí sản xuất) đã làm cho giá thành sản xuất 1kg cá tra lên cao, hiện khoảng 18.000 đồng/kg. Với mức giá bán cá tra hiện nay (khoảng 24.000 đồng/kg) thì người nuôi cá tra có thể có lợi nhuận khoảng 6.000 đồng/kg, tương đương 1,5-1,8 tỷ đồng/ha. Đây là khoản lợi nhuận khá cao, tuy nhiên không có nhiều người có cá để bán.

Ông Sơn chứng minh: “Tôi có 2 ao nuôi cá tra với diện tích 7.000 m2. Dù năm 2010, nuôi 2 vụ cá, sau khi trừ chi phí tôi lời được trên 150 triệu đồng nhưng hiện nay tôi chỉ nuôi 1 ao 4.000 m2 vừa được 2 tháng, ao còn lại tôi dùng để ương cá giống. Nguyên nhân là do tôi sợ rằng, chi phí nuôi đội lên quá cao, nếu giá xuống thấp như thời điểm đầu năm 2010 thì sẽ lỗ nặng”.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, sở dĩ giá cá tăng đột biến là do diện tích nuôi cá tra trong cả nước đã giảm đáng kể, bởi hiện tại có khoảng 40% diện tích nuôi cá tra phải “treo ao” hay chuyển sang nuôi đối tượng khác.

Mặc dù, giá cá tăng cao nhưng do thua lỗ những vụ nuôi trước, ngân hàng không tiếp tục giải ngân nên nông dân không còn vốn để tiếp tục sản xuất; hoặc nếu có vốn thì do sợ thua lỗ, họ cũng chỉ đầu tư cầm chừng vì chi phí nuôi tăng quá cao trong khi giá cả chưa ổn định. Cụ thể, tại Tiền Giang có 133,5ha nuôi cá tra nhưng lại có đến 48,3ha “bỏ trống” (chiếm 40%) bao gồm: 3,7 ha ao bỏ trống; 7,32 ha ao nuôi cá tạp; 10,05ha ao ương cá giống và 27,2 ha đã thu hoạch nhưng chưa thả lại.

Trước tình hình thiếu nguồn cá tra nguyên liệu như hiện nay và hậu quả của những dư địa trong các vụ cá “giá cá dưới giá thành sản xuất” trong những năm trước, nhiều nông dân và doanh nghiệp nhận định rằng giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới./.

Trí Quang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ