BIỂN SÁNG

GD&TĐ - Một nhà giáo dục học người Nga từng nói: Thước đo thành công và giá trị của người thầy trong sự nghiệp của mình không phải là quyền lực hay tiền bạc mà là những dấu ấn để lại trong lòng các thế hệ học trò và trong tình cảm của đồng nghiệp”.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hải

Câu nói ấy đã gợi cho tôi nhớ đến biết bao gương mặt thầy cô thân thương, gắn bó từ khi tôi còn là học trò, đến bây giờ cũng đã trở thành cô giáo. Trong đó có một người đồng nghiệp mà chúng tôi vô cùng yêu quý và cảm phục - cô Nguyễn Thị Minh Hải, giáo viên môn lịch sử của trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc.

Một tình yêu tươi xanh

Nói về cô Nguyễn Thị Minh Hải là nói về một giáo viên yêu nghề, say nghề và trách nhiệm. Tài năng, tâm huyết của cô đã được khẳng định bởi rất nhiều thành tựu trong những năm tháng miệt mài đứng trên bục giảng. Năm học nào nhà trường cũng tin tưởng phân công cô hướng dẫn, ôn luyện cho đội tuyển HSG Quốc gia.

Những năm cô lãnh đội, đội tuyển HSG Quốc gia của cô đều đứng trong tốp đầu của cả nước, như gần đây nhất là năm 2014 đội tuyển của cô đứng số 1 toàn quốc với 2 giải nhất, 5 giải nhì, 1 giải ba; năm 2017 đội tuyển của cô lại rực rỡ với 1 giải nhất, 6 giải nhì, 1 giải ba, 2 giải khuyến khích.

Ngôi nhà của cô luôn là một nơi để trở về
Ngôi nhà của cô luôn là một nơi để trở về

Không chỉ giỏi ở mảng bồi dưỡng HSG, cô chủ nhiệm lớp nào là lớp ấy cũng làm nên kì tích với những giải Quốc gia, Olympic Quốc tế, Thủ khoa đại học.

Ngay trong kì thi THPT Quốc gia 2017 vừa qua, cô chủ nhiệm lớp Chuyên Sử - Địa, 100% học sinh của cô đỗ đại học với điểm trung bình 3 môn là 27,3; có tới 20 điểm 10 (Sử-địa), 2 em là thủ khoa của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và rất nhiều á khoa.

Vốn là một người con của đất Tổ Hùng Vương, cô thấm thía lời dạy của Bác: “Dân ta phải biết Sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” nên cô mong muốn qua những bài giảng sẽ truyền lại được tình yêu ấy cho học sinh của mình, nhất là thế hệ hôm nay thường ngại học Lịch sử bởi ngại khó, ngại khổ.

Với cô, “Học lịch sử là tìm hiểu quá khứ - sống cho hiện tại - hướng tới tương lai”, nên mỗi sự kiện lịch sử qua cách dạy của cô đều là một câu chuyện của cuộc đời, qua đó học sinh không chỉ giữ gìn được quá khứ của dân tộc mà còn biết sống sao cho tốt, cho xứng đáng. Bởi vậy đã học cô là cũng sẽ yêu lịch sử như cô vậy.

Học trò cũ Nguyễn Thị Kiều Trang, giải Nhất Quốc gia môn Lịch sử năm 2014, giờ đã là sinh viên năm thứ 4 của Học viện An ninh Nhân dân, mỗi lần có cơ hội vẫn về dự những tiết dạy của cô, say mê như thuở ban đầu:

“Cô có những cách thức dạy học độc – lạ, khiến học sinh lúc nào cũng bị lôi cuốn một cách hào hứng, nên tiết học này vừa kết thúc là chúng em đã háo hức mong chờ được đến tiết học sau. Cô giảng những sự kiện lịch sử rất nhiệt huyết, tình cảm, khiến chúng em thấy mỗi ngày tháng năm ấy đều hiện lên sinh động, xúc động, đáng nhớ”.

Giữa những biến đổi của thời cuộc, cô vẫn bền bỉ đem những câu chuyện hào hùng của cha ông để lay động bao tâm hồn thơ trẻ. Nghề dạy học và môn học này với cô mãi mãi là một tình yêu tươi xanh.

Một trái tim “đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” 

Những bài giảng lịch sử ấy không phải là dấu ấn duy nhất khiến học trò yêu cô đến thế. Nếu như đọc kỉ yếu của các khóa học sinh Chuyên Vĩnh Phúc, sẽ thấy học trò khắc cốt ghi tâm về cô còn bởi những điều gì: Đó là bởi cô bị khớp, có những hôm mùa đông chân sưng đau đớn, bước đi tập tễnh nhưng miệng vẫn cười tươi và giảng bài say sưa, bất tận;

Đó là cô, buổi trưa ở lại mở hộp cơm của học trò, lặng người khi nhìn thấy chút cơm nguội với nước tương, thế là về nhà làm muối vừng, giã ruốc, đặt mua thêm thức ăn hàng ngày ở căngtin để học trò: “ăn cho có chất thì mới có sức mà học”;

Đó còn là cô, như một người bạn đặc biệt, nên có bao nhiêu điều khó nói với bố mẹ, chúng đều tìm cô để dốc bầu tâm sự; Là cô, ra tay dẹp loạn khiến những đứa đang thù ghét nhau lại quay ra yêu quý nhau như chị em thất lạc;

Là cô, ở mười mấy năm trong căn nhà tập thể bé xíu nhưng vẫn đem hết đứa học trò này đến đứa học trò khác về nuôi ăn ở và đóng tiền học cho bởi “nhà nó nghèo nhưng nó có chí khí”; Là cô, đến khi học trò ra trường rồi vẫn chưa thể buông tay, chạy đi khắp nơi xin tài trợ và học bổng để chúng nó bớt đi chút lo lắng về cơm áo gạo tiền khi ngồi trên giảng đường đại học... 

Những kí ức về cô thân thương, sâu đậm để học sinh của cô sau này vì cô mà trở nên kiên cường, mạnh mẽ hơn: “Trong suốt 3 năm cấp III ở Chuyên Vĩnh Phúc, em và em gái em đã được cô chú giúp đỡ, cưu mang như những đứa con, đó là sự may mắn lớn nhất trong cuộc đời chúng em.

Cô đã dồn rất nhiều tâm tư để em có động lực đi du học ở đất nước Nga xa xôi. Những khi em gặp khó khăn, vấp ngã ở nơi đất khách quê người, cũng chính cô đã vực tinh thần em dậy, không cho phép em gục ngã” (Nguyễn Thị Ánh, sinh viên khoa Luật Đại học Kinh tế Xanh Petecbua, Nga).

Nghe những câu chuyện đó mới biết được tại sao học trò của cô Hải gọi cô một cách mộc mạc mà rất đỗi yêu thương: “Bầm Hải”. Tiếng gọi ấy cất lên tự nhiên, chân thành từ trái tim của chúng. Tôi còn có dịp hiểu sâu sắc hơn về cách gọi ấy khi được làm việc cùng với cô ở lớp 12A7 niên khóa 2014 - 2017, tôi dạy môn văn ở lớp cô chủ nhiệm.

Hồng Ngọc được tài trợ chiếc xe đạp nhờ sự giúp đỡ của “Bầm Hải”

Hồng Ngọc được tài trợ chiếc xe đạp nhờ sự giúp đỡ của “Bầm Hải”

Trong lớp có một cô học trò nhỏ tên là Nguyễn Thị Hồng Ngọc có hoàn cảnh rất đặc biệt: Không có bố, sống cùng bà ngoại đã cao tuổi nhưng vẫn phải đi làm thuê, mẹ bị bệnh nặng nên mất sức lao động.

Từ một cô gái nhỏ yếu đuối, lúc nào cũng buồn và thấy bế tắc, tuyệt vọng, Ngọc trở nên hòa đồng, mạnh mẽ hơn khi được “bầm Hải” nuôi nấng, dạy dỗ. Ngọc nói rằng em gọi cô Hải là “bầm Hải” bởi cô như một người mẹ, đã giang tay ra che chở và thay đổi cuộc đời của em.

 Trong ngày sinh nhật “bầm Hải”, Ngọc đã nói những điều khiến chúng tôi nghe đều thấy rưng rưng: “Bầm hãy tin tưởng ở con, con sẽ cố gắng làm chủ số phận. Sau này nếu như có thể, có điều kiện con sẽ học theo bầm đi giúp đỡ người khác:

Giúp đỡ người khác không phải là để người đó giúp đỡ lại mình, không đòi hỏi sự đền ơn, mà là làm từ tâm của mình – Con sẽ nhớ lời dạy ấy của bầm”.

Hôm nay Ngọc đã trở thành tân sinh viên khoa Lịch sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội – vậy là lại một đứa con nữa vì yêu “Bầm Hải” mà nỗ lực, cố gắng trên con đường mà bầm đã đi qua.

Tôi hỏi cô tại sao nuôi được nhiều học trò thế, trong khi hai vợ chồng cô đều nhà giáo, từng ở suốt trong căn phòng tập thể bé nhỏ. Cô chỉ cười và nói giản dị:

“Mình trước đây muộn con, khi sinh con rồi lại nuôi khó, nên mình rất trân trọng sự hiện hữu của mỗi đứa trẻ trên cuộc đời này, nhất là những học trò nghèo khó nhưng có ý chí, nghị lực. Rất may mắn là chồng mình hiểu những điều mình làm, luôn luôn ủng hộ, kề vai sát cánh với vợ vừa nuôi con nhỏ vừa nuôi học trò”.

Không chỉ chồng cô hiểu cô, tất cả chúng tôi đều bị sự nhiệt tình của cô lây lan, thấm thía. Mỗi khi kể về những đứa “con nuôi” của mình, ánh mắt cô rạng ngời hạnh phúc vì chúng hôm nay đều đã thành đạt, vững vàng. Cô đã yêu thương và tận tụy với học trò không chỉ bằng trách nhiệm của một người thầy mà thực sự còn bằng tấm lòng của một người mẹ. 

Giữa bao nhiêu cái chông chênh của nghề giáo trong thời điểm hiện giờ, những điều mà cô Nguyễn Thị Minh Hải đã làm gieo vào lòng tôi niềm tự hào về nghề trồng người của mình, niềm tin vào những giá trị tốt đẹp và sự lan tỏa của nó trong cuộc đời, như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...Để gió cuốn đi”. Mong cô sẽ vẫn mãi là một “Biển sáng” – bao dung che chở và đưa những cánh buồm xa khơi.