Tác phẩm dự thi là những câu chuyện có thật, sinh động về tấm gương thầy giáo, cô giáo gương mẫu, tận tụy, hết lòng vì học sinh thân yêu, những gương nhà giáo vượt khó phấn đấu vươn lên, tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, thi đua “Dạy tốt, học tốt” và “Đổi mới sáng tạo trong dạy học”; về những hi sinh thầm lặng, tấm lòng nhân hậu, nghĩa cử cao đẹp, tài năng, sự cống hiến đặc biệt đối với ngành giáo dục và xã hội.
Theo số liệu tổng hợp có 76 đơn vị (56 CĐGD các tỉnh, 18 đơn vị trực thuộc, 1 đơn vị không trực thuộc) tham gia Cuộc thi viết, với số lượng xấp xỉ 7.000 bài chấm vòng sơ khảo. Các bài dự thi được chia ra với ba nhóm đối tượng tham gia: nhà giáo viết về nhà giáo, học sinh viết về nhà giáo và xã hội viết về nhà giáo.
Tại các đơn vị cơ sở, sau chấm vòng Sơ khảo đã lựa chọn mỗi đơn vị tối đa 5 bài thi tốt nhất gửi về CĐGD Việt Nam để tham dự vòng Chung cấp toàn quốc.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGLĐ) trong ngành và xã hội tham gia, góp phần tuyên truyền và nâng cao vị trí, vai trò của nghề dạy học, về nghề giáo. Hầu hết các đơn vị đã triển khai tổ chức tốt Cuộc thi viết, tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng tại đơn vị. Tiêu biểu như Công đoàn GD TP Hồ Chí Minh, CĐGD Ninh Bình, CĐGD Cần Thơ, CĐGD Thái Nguyên, Đại học Huế, Trường Dự bị Dân tộc TƯ Nha Trang…đã triển khai các văn bản kịp thời tổ chức viết ở cấp cơ sở tốt.
Sau 5 tháng phát động, tính đến ngày 9/10/2017, Ban tổ chức cuộc thi cấp toàn quốc đã tiếp nhận 325 bài dự thi từ 76 đơn vị. Kết quả phân loại có 269 bài thi hợp lệ, chiếm 82,8% tổng bài thi.
Trên cơ sở đánh giá và kết quả bài thi của Ban giám khảo, Ban tổ chức Cuộc thi viết công nhận 40 bài đoạt giải, 2 bài thi đạt điểm cao nhất là 8,76 điểm/10, thấp nhất 7,08 điểm/10 (tính theo thang điểm 10). Sau một tuần thẩm định tính chân thực của 40 bài viết, kết quả không có bài viết của tác giả nào vi phạm thể lệ. Với kết quả điểm các bài trong vòng chung khảo khá cao, Ban tổ chức quyết định điều chỉnh tên giải, số lượng giải và công nhận kết quả và xét trao gải các bài thi như sau: 2 giải Đặc biệt, 2 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 24 giải Khuyến khích. Các giải phụ gồm: 1 giải dành cho tác giả là người khiếm thị, 1 giải dành cho tác giải nhỏ tuổi nhất.
Cuộc thi đã thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng tốt trong ngành và xã hội. Cuộc thi là dịp để cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh và công đồng xã hội thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và tri ân đối với thầy cô giáo và đồng nghiệp mà mình yêu quý, trân trọng, cảm phục, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong các nhà trường.
Thông qua cuộc thi, Công đoàn GDVN tiếp tục khẳng định được vị thế của mình đối với ngành và xã hội, đặc biệt là trong việc lựa chọn, phối hợp tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.