Bất cập trong chính sách thu hút du học sinh của Hàn Quốc

GD&TĐ -  Hàn Quốc có chiến lược tăng sức cạnh tranh quốc tế của các trường đại học quốc nội. Tuy nhiên, các trường chỉ chú trọng vào số lượng và sinh viên quốc tế đang lạc lõng trong môi trường đào tạo tại Hàn Quốc…

Bất cập trong chính sách thu hút du học sinh của Hàn Quốc

Số lượng du học sinh tăng nhanh

Năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc khởi động chiến dịch thu hút sinh viên quốc tế sau khi số du học sinh đến nước này giảm 3 trong 5 năm qua. Chiến dịch này đã góp phần làm tăng mạnh số du học sinh đến Hàn Quốc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, số du học sinh tại Hàn Quốc đạt 105.193 người trong tháng 1/2016, tăng gần 14% so với 1 năm trước đó. Chiếm đa số là sinh viên, 76.949 người, đang học bằng thị thực D-2 (học đại học); còn lại là thị thực D-4-1 đến học tiếng Hàn. 50 trường đại học có từ 1.000 sinh viên nước ngoài trở lên.

Sinh viên Trung Quốc chiếm đại bộ phận sinh viên quốc tế với 62.318 người; tiếp theo là sinh viên Việt Nam với 8.293, Mông Cổ 5.262, Nhật Bản 2.739 và Uzbekistan 1.581.

Vào tháng 6/2015, chính phủ đặt hạn chót thu hút 200.000 sinh viên quốc tế vào năm 2023 trong một chiến lược mới, trong đó khuyến khích các trường đại học xây dựng các chương trình bằng cấp chuyên biệt dành cho sinh viên quốc tế.

Nhiều trường đã đưa vào các chương trình mới hỗ trợ sinh viên mới nhập học. Tại ĐH Ajou ở Suwon, tân sinh viên buộc phải hoàn thành chương trình đại cương một năm học tiếng Hàn, tiếng Anh và khoa học cơ bản. Sau khi tốt nghiệp, chương trình đào tạo thạc sĩ được dạy bằng tiếng Anh, thu hút đa dạng nguồn sinh viên quốc tế. Tại ĐH Ajou hiện có sinh viên nhiều quốc tịch theo học, đến từ khoảng 30 nước, đặc biệt là Cameroon, Nepal, Trung Quốc, Việt Nam cùng với nhiều quốc gia Nam Mỹ, châu Á, Phi.

Bất cập lớn

Trong khi số lượng sinh viên quốc tế đang tăng nhanh thì các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc lại lo lắng về những bất cập mà chính sách phát triển nóng số lượng mang lại. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, “xung đột” giữa giữa sinh viên Hàn Quốc và sinh viên nước ngoài đang thêm sâu sắc bởi các trường đại học chỉ tập trung vào tăng số lượng trong khi ít chú ý tới vấn đề hòa nhập sinh viên ngoại – nội.

Manh nha của tâm lí bài xích cũng xuất hiện ngày càng phổ biến ngay trong giảng đường. Ví dụ sinh viên Hàn có xu hướng tránh bị đưa vào cùng nhóm với sinh viên quốc tế trong các bài làm việc theo nhóm bởi sự khác biệt văn hóa và khó khăn giao tiếp. Vấn đề nghiêm trọng tới mức mà sinh viên quốc nội chia sẻ cho nhau danh sách các khóa học có đông sinh viên nước ngoài để tránh đăng kí những lớp học này.

Sinh viên nước ngoài muốn học nói tiếng Hàn nhưng không được hỗ trợ do các khoa ngôn ngữ thuộc trường đại học mà họ theo học thiếu kinh phí. Một số trường đại học tổ chức các nhóm tình nguyện viên hoặc các câu lạc bộ sinh viên để giúp sinh viên nước ngoài điều chỉnh cuộc sống trong trường đại học, nhưng khó mà đảm đương trách nhiệm lớn là xóa đi sự khác biệt văn hóa – theo lãnh đạo một số trường đại học chia sẻ.

Theo các chuyên gia thì có một cách để cải thiện tình trạng trên là chính phủ phải thay đổi tiêu chuẩn đánh giá mức độ quốc tế hóa của trường đại học (mà hiện nay phụ thuộc vào tiêu chí số lượng) như tỉ lệ trao đổi sinh viên với đối tác nước ngoài hay số lớp chỉ nói tiếng Anh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ