(GD&TĐ) - Cách đây đã 3 năm, từ ngày còn đi vận động học sinh, hôm nay tôi mới có dịp trở lại Tổng Kim (Vĩnh Yên - Bảo Yên - Lào Cai), địa bàn sinh sống của 33 hộ người dân tộc H. Mông với 192 nhân khẩu. Cách trung tâm xã Vĩnh Yên khoảng 15 km đường dốc cheo leo như những bậc thang lên “cổng trời”, trong những năm qua, đồng bào người Mông ở Tổng Kim đã một lòng đi theo Đảng, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no. Đến thăm Tổng Kim hôm nay mới thấy sự đổi thay đang diễn ra từng ngày.
Là bản định cư của đồng bào người Mông, bản Tổng Kim như tổ chim nằm cheo leo dựa vào vách núi của ngọn núi Lùng Ác cao vời vợi. Khi đứng trên đường dốc rẽ xuống bản Tổng Kim, nhìn xuống thung lũng thấy thấp thoáng những ngôi nhà và màu sắc sặc sỡ của những chiếc váy Mông đang phơi trên những tảng đá trước nhà. Ông Lý A Pao- Trưởng bản cho biết, trước đây tỷ lệ trẻ mù chữ ở Tổng Kim khá nhiều, người dân lớn tuổi lại không biết chữ. Do vậy, trình độ dân trí ở đây thấp lắm.
Tổng Kim từng là một bản nghèo của xã Vĩnh Yên được hưởng lợi từ dự án 134, 135 trong nhiều năm dài. Vào những năm 90, tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy diễn ra phổ biến nhưng qua nhiều năm, bản đã tích cực tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số nên đa số đồng bào ở Tổng Kim yên tâm định cư, lập nghiệp và sinh con đẻ cái. Ông Lý A Pao- Trưởng bản Tổng Kim cho biết: Đến nay, cuộc sống ở Tổng Kim đã có nhiều khởi sắc. Số hộ dân ngày càng tăng, cả bản có 33 hộ dân với 33 nóc nhà cố định và 192 nhân khẩu cùng chung sống.
Điểm trường tiểu học được xây ngay tại bản Tổng Kim |
Trong những năm qua, xác định được muốn thoát nghèo, thoát khổ cần phải có cái chữ, cái kiến thức để áp dụng vào cuộc sống. Do vậy, trong những năm gần đây, người dân bản Tổng Kim đã quan tâm đến việc học hành của con em mình, tạo điều kiện, vượt khó khăn để đưa con đi học cái chữ.
Đáp ứng lòng mong mỏi của người dân trong bản, điểm trường mầm non và Trường Tiểu học xã Vĩnh Yên đã được xây dựng ngay trung tâm của bản tạo điều kiện cho con em được học hành đầy đủ ngay từ bậc mầm non. Cả bản có trên 50 học sinh trong độ tuổi đi học các cấp. Chưa bao giờ tinh thần hiếu học và khát khao thoát nghèo lại trở thành động lực và ý chí của trẻ em bản Tổng Kim trong giai đoạn này.
Gia đình ông Lý A Pao có ba con trai thì cả ba đều được học hành đầy đủ. Hai con trai của ông đã học đại học, con trai cả trở thành thầy giáo cấp 3 ngay tại Nghĩa Đô, con trai thứ hai học đại học nông lâm Thái Nguyên, tốt nghiệp xung phong lên công tác tại vùng cao Simacai, con trai thứ ba đang học đại học Hùng Vương. Ông cho biết những năm trước đây, trường cấp 3 cách gần 40 cây số, nhà hoàn cảnh nhưng ông vẫn tạo điều kiện cho các con học hành đầy đủ và trưởng thành. Anh Lý Gìn Phù là con trong một gia đình nghèo đã vượt khó tìm đến cái chữ và giờ đây trở thành thầy giáo của bản mình. Năm qua, bản có nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 đi học cử tuyển và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Còn bọn trẻ thì ham học, ngày đêm “khăn gói” xuống núi trọ học.
Ông Lý A Pao khẳng định, bản Tổng Kim có được như hôm nay là nhờ vào cái chữ. Theo ông, nhờ có đi học chữ mà bọn trẻ ở bản Mông xa xôi này có được tri thức và hiểu biết để làm cán bộ, mang văn minh về bản mình. Có chữ, đồng nghĩa với việc, những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ được bà con dân bản tiếp nhận dễ dàng hơn.
Nhà ở của người Mông Tổng Kim đã được lợp mái kiên cố |
Nhờ biết chữ và có kiến thức để tiếp thu và ứng những những tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp, trong những năm qua, người dân bản Tổng Kim đã tích cực khai khẩn đất hoang, thâm canh ruộng bậc thang và nương rẫy để trồng ngô trồng lúa. Cả bản trồng được 2 ha diện tích lúa, trong đó có sự xen kẽ giữa lúa nước và lúa nương. Ngoài diện tích lúa, dân bản còn trồng hơn 1 ha ngô lai để chăn nuôi và phòng khi vào những mùa giáp hạt.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, số hộ không có lúa ăn đã không còn, phần lớn người dân đảm bảo được lương thực cho cả gia đình và còn dư dật để bán ra thị trường. Dựa vào lợi thế núi cao, người dân Tổng Kim còn mở rộng chăn nuôi gia xúc như lợn, trâu và ngựa. Cả bản nuôi được 75 con trâu, 90 con lợn và 12 con ngựa. Số vật nuôi này phục vụ tốt cho công việc cày kéo sản xuất, giúp người dân cải thiện cuộc sống và có thêm thu nhập chính đáng. Bước tới đầu bản, chúng tôi đã nhận thấy sự đổi thay ở Tổng Kim là không còn nhiều diện tích đồi núi trọc, bỏ hoang, thay vào đó là đồi sa mu, keo, mỡ xanh ngút ngàn dọc theo hai bên đường vào bản. Gần 50 ha đồi núi trọc trước đây nay đã được phủ lên một màu xanh bạt ngàn.
Cùng với việc tăng gia sản xuất, bản Tổng Kim còn hưởng ứng cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa. Bản đã xây dựng hương ước tổ chức cuộc sống và những hoạt động trong đời sống tinh thần của dân bản. Đặc biệt, thông qua những buổi họp bản, ngày hội văn hóa, người dân trong bản đã dần thực hiện xóa bỏ các hủ tục đã đeo bám từ bao đời như cưới hỏi, ma chay…
Cuộc vận động không sinh con thứ 3 cũng được bản đưa vào chương trình nghị sự các cuộc sinh hoạt thôn bản và được người dân nhận thức đúng đắn. Người dân trong bản đoàn kết một lòng cùng xây dựng cuộc sống ấm no, cảnh giác trước những lời xúi giục của các thế lực thù địch. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào người Mông được người dân tích cực lưu giữ trong các dịp lễ hội, ngày hội văn hóa của bản và của xã. Toàn bản có tới 75% số hộ gia đình văn hóa, trong nhiều năm liên tục bản Tổng Kim được đánh giá và công nhận là thôn bản văn hóa. An ninh chính trị ổn định, đồng bào không di cư tự do.
Cuộc sống của Tổng Kim ngày càng được nâng cao. Ông Lý A Pao vui mừng kể về sự đổi thay của bản. Ông cho biết con đường dẫn vào bản giờ đây đã được mở rộng phong quang, xe máy có thể đi lại dễ dàng, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân đồng thời đây là con đường quan trọng để tiến hành giao thương kinh tế với trung tâm. Số hộ có điện thoại, ti vi và xe máy ngày càng tăng. Đặc biệt, 95% số hộ gia đình có nhà lớp mái blô xi măng kiên cố. Hệ thống cung cấp nước sạch được phục vụ đến từng hộ dân trong bản, khắc phục được việc thiếu nước trong nhiều năm nay. Người dân trong bản cũng năng động tận dụng nguồn nước suối để làm thủy điện nhỏ phục vụ thắp sáng cho gia đình. Đến nay, số hộ nghèo của bản chỉ còn 5 hộ.
Hiện nay, với sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương, bà con thôn bản Tổng Kim đang ra sức lao động sản xuất để thu được nhiều lương thực, nhiều bát ăn bát để. Đồng thời, người dân trong bản cũng tích cực động viên, tạo điều kiện cho con em mình xuống núi học chữ. Mặc dù bản xa trường, xa lớp nhưng lòng hiếu học của trẻ em Tổng Kim càng làm rút ngắn khoảng cách những đoạn đường đèo dốc cao vắt vẻo nơi lưng núi. Để cho trẻ đi học được thuận tiện hơn, bà con dân bản thường xuyên tu sửa đường và phát quang lối đi vào bản để con em đến trường được dễ dàng. Hiện nay, dân bản Tổng Kim đã phần nào yên tâm bởi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với con em dân tộc thiểu số, bữa ăn hàng ngày của con em tại các khu bán trú sẽ bớt đi những nhọc nhằn.
Chia tay bản Tổng Kim trong khi mặt trời đang khuất dần sau ngọn núi Lùng Ác cao vời vợi. Ngoảnh mặt lại, chúng tôi nhận thấy ánh sáng của sự sống ấm no, hạnh phúc đang choán ngợp cả không gian bản Tổng Kim. Một màu xanh ngút ngàn của lúa, ngô, cây rừng chạy típ tắp như tín hiệu cho sự đổi thay của cuộc sống nơi lưng trời. Hoa đào, hoa mận đang chúm chím trên thân cành. Mùa xuân sắp về nơi lưng trời.
Nguyễn Thế Lượng