Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên giảng dạy phát huy tính chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong thực hiện chương trình.
Khẳng định những mặt tích cực của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông Vũ Trí Ngư cũng đưa ra những góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo, cụ thể:
Một là, nên thống nhất mỗi tiết học ở tiểu học là từ 30 đến 40 phút.
Hai là, theo chương trình hiện hành đối với cấp tiểu học thực hiện kế hoạch dạy học 35 tuần/năm thì chương trình mới 37 tuần/năm, việc tăng 2 tuần sẽ ảnh hưởng đến khối lượng công việc của giáo viên và thời gian giáo viên tự bồi dưỡng trong hè; thời gian học sinh học nhiều hơn nên ảnh hưởng đến việc vui chơi, nghỉ hè của học sinh.
Ba là, chương trình cho phép học sinh tự chọn môn học song thực tế có ít sự lựa chọn môn học. Thậm chí ở tiểu học, nếu học sinh không tự chọn tiếng dân tộc thiểu số thì không có môn học tự chọn nào.
Bốn là, việc phân định nội dung giữa một số phẩm chất còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Ví dụ như phẩm chất "yêu đất nước" với "yêu con người", vì "yêu đất nước" thì cần phải yêu cả các yêu tố tự nhiên và xã hội, trong xã hội thì có "con người". Hay là phẩm chất "chăm học" và "chăm làm" nếu học sinh đã "chăm làm" thì có nghĩa là đã "chăm học".
Năm là, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa chia tách rõ nội dung nào thuộc về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nội dung nào thuộc về phần thực hành của các môn học riêng biệt. Vì vậy khó hình dung ra nhiệm vụ của người giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Thứ sáu, môn học bắt buộc có phân hóa ở tiểu học gồm các môn Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong Chương trình có quy định một số chủ đề hoặc học phần học sinh được tự chọn tùy theo nguyện vọng, cho nên khi các trường tổ chức sẽ gây ra sự khó khăn, phức tạp về quản lý đó là:
Học sinh tiểu học chưa biết lựa chọn các môn hay chủ đề phù hợp với bản thân. Nếu theo nguyện vọng của học sinh có thể sẽ có những môn học hay hoạt động mà học sinh lựa chọn nhưng nhà trường không đáp ứng được do chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, giáo viên, ... thì sẽ ép xảy ra việc ép học sinh lựa chọn chủ đề là thế mạnh của nhà trường.