Triển khai mô hình VNEN: Quyết liệt từ những khâu nhỏ nhất

GD&TĐ - Dự án Mô hình Trường học mới (VNEN) nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của GD Việt Nam. 

Triển khai mô hình VNEN:  Quyết liệt từ những khâu nhỏ nhất
Mô hình này vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy - học, cách đánh giá, cách tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy - học.

Kế thừa thành tựu GD quốc tế

Qua những năm triển khai ở bậc tiểu học, bước đầu triển khai ở bậc THCS đã khẳng định Mô hình VNEN là một mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới của GD Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 

Đó là hình thức dạy học áp dụng việc đổi mới sư phạm, trong đó nổi bật là quá trình cùng nhau tự học, tự quản, tự đánh giá của HS dưới sự tổ chức linh hoạt của GV, từ đó dần hình thành và phát triển các tính cách phù hợp với các mục tiêu GD hiện đại, nhân văn. Việc thực hiện Mô hình VNEN dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới GD của quốc tế.

Đối với Hưng Yên, năm học 2012 - 2013 là năm đầu tiên thực hiện thí điểm tại 1 trường duy nhất trên tinh thần tự nguyện (Trường Tiểu học Lạc Đạo A – Văn Lâm); Năm học 2013 – 2014, Mô hình Trường học mới Việt Nam được triển khai nhân rộng tới 10 huyện, thành phố trong tỉnh, trên tinh thần các trường tiểu học tự nguyện đăng ký. Tổng cộng có 87 trường tiểu học tham gia đăng ký dạy học theo Mô hình Trường học mới môn Tự nhiên – Xã hội ở khối lớp 2 và khối lớp 3;

Năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh có 116 trường tiểu học dạy học theo Mô hình Trường học mới. Đây cũng là năm đầu tiên ngành triển khai đối với bậc THCS và đã có 29 trường triển khai tổ chức dạy học theo Mô hình “Trường học mới”. 

Trước đó, ngành GD Hưng Yên đã trang bị cho GV lý luận về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học tích cực và đã được vận dụng vào các bài giảng. Lãnh đạo, GV các trường tham gia tổ chức dạy theo Mô hình “Trường học mới” đã được tập huấn kỹ trước khi triển khai. Ngoài ra, còn yêu cầu GV tự bồi dưỡng, bổ sung năng lực bằng hình thức tham gia các khóa tập huấn qua mạng của Bộ GD&ĐT.

Quy trình tập huấn cũng như đăng tải các bài học minh họa theo Mô hình Trường học mới trên trang “Trường học kết nối” tại địa chỉ http://truonghocketnoi.edu.vn. Đây là một không gian gần gũi, thân thiện, tạo diễn đàn giúp GV ngày càng nâng cao trình độ chuyên môn để thực hiện tốt công việc của mình.

Chú trọng từng khâu nhỏ nhất

Cùng với những hình thức tập huấn, các nhà trường đã thay đổi hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn; sắp xếp, phân công lao động để GV trong một trường, giữa các trường trong cùng khu vực có thể hỗ trợ, giúp đỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Về kiểm tra đánh giá, Sở đã tập huấn, hướng dẫn các trường đánh giá HS theo Mô hình Trường học mới Việt Nam cấp THCS, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình dạy học, nhằm mục đích giúp HS học hiệu quả hơn, để có kết quả tốt trong các bài kiểm tra định kỳ. 

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho tất cả HS tham gia Mô hình Trường học mới đều có sách học, Sở GD&ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường mua sách cho HS, đồng thời tuyên truyền, giải thích cho gia đình HS và các em hiểu rõ đặc điểm của bộ sách để sử dụng và khai thác hiệu quả.

Hiện nay, các Phòng GD&ĐT huyện/thành phố đã triển khai và ban hành văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các trường THCS thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở. 

Phê duyệt kế hoạch GD của các trường THCS tham gia thực hiện Mô hình VNEN. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các trường tham gia mô hình. 

Chỉ đạo các trường tham gia góp ý cho các tài liệu của Mô hình Trường học mới và phản ánh kịp thời về Sở GD&ĐT. Đã có các biện pháp khắc phục, khuyến khích và tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nguồn học liệu… cho các nhà trường tham gia Mô hình VNEN.

Đối với các trường triển khai Mô hình VNEN đã phê duyệt kế hoạch GD của tổ, nhóm chuyên môn; xây dựng kế hoạch GD năm học, trình Phòng GD&ĐT phê duyệt; chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học, điều chỉnh tài liệu khi thấy cần thiết. 

Khắc phục điều kiện khó khăn về thời gian, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các tổ, nhóm chuyên môn và GV để triển khai công tác dạy học đạt hiệu quả cao.

Từ năm học 2011 - 2012 đến năm học 2014 - 2015, toàn quốc đã có 1.447 trường tiểu học trên phạm vi toàn quốc có HS học hết lớp 5 theo Mô hình VNEN. Đây là những trường được hỗ trợ qua dự án, thực tế đến nay đã có nhiều trường tự đảm bảo các điều kiện để triển khai áp dụng Mô hình Trường học mới. 

Qua ba năm triển khai ở cấp tiểu học đã khẳng định VNEN là một kiểu mô hình nhà trường hiện đại, tiên tiến, phù hợp với mục tiêu đổi mới và đặc điểm của GD Việt Nam. Năm học 2015 - 2016, cả nước có trên 3.700 trường triển khai áp dụng mô hình này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ