TPHCM: Xin không hợp nhất bộ máy quản lý vì… làm không hết việc

TPHCM: Xin không hợp nhất bộ máy quản lý vì… làm không hết việc

Lý do TPHCM xin không thí điểm là vì khối lượng công việc của TP quá lớn. Chỉ có 20 cơ quan chuyên môn (sở, ngành) nhưng phải chịu trách nhiệm quản lý, thực hiện các thủ tục hành chính, dân sinh cho gần 9 triệu dân.

TPHCM cần được xem như một đô thị đặc biệt

Được biết, việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn được thực hiện dựa trên Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Kết luận số 34 của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18; Nghị quyết số 580/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Hiện trên cả nước đã có 42/45 tỉnh, TP gửi đề án sắp xếp nhân sự cấp huyện, cấp xã gửi về cho Bộ Nội vụ. Trong đó, có nhiều nơi như Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng đang thực hiện việc sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngoài việc là một đô thị lớn nhất nước, trung tâm về kinh tế - văn hóa - giáo dục của cả nước thì TPHCM còn mang dáng dấp của một đô thị đặc thù. Vì vậy, nếu tiến hành thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn không chỉ gây áp lực cho bộ máy quản lý vốn mỏng, mà còn kìm hãm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Thực tế, thời gian qua TPHCM đã nhiều lần kiến nghị, xin Bộ Chính trị, Trung ương cho TPHCM thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tuy nhiên, khi đưa lên Trung ương, đề án đã không được thông qua vì nhiều lý do, trong đó có lý do vướng mắc liên quan đến Hiến pháp, pháp luật.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, chính việc đang quyết tâm theo đuổi, xây dựng mô hình chính quyền đô thị mà TPHCM xin Bộ Nội vụ cho rút việc thí điểm sáp nhập các cơ quan chuyên môn để tạo sự ổn định.

“Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TPHCM đang xây dựng sẽ theo hướng: Xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, huyện, thành phố thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Sẽ không tổ chức HĐND ở quận, huyện, thành phố thuộc TP mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Ngoài ra, định hướng tổ chức lại các đơn vị hành chính (Quận 2, 9, Thủ Đức) thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông bằng việc thành lập TP thuộc TPHCM)... Khi chính quyền đô thị định hình, với nền tảng quản lý chính quyền điện tử và kết nối đô thị thông minh việc quản lý sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ.

Chủ tịch TPHCM cũng cho biết thêm, việc xây dựng chính quyền đô thị là một mục tiêu đầy tâm huyết mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ tại TPHCM theo đuổi trong một thời gian dài. Nhưng phải mất đến 6 năm (đến tháng 9/2013) HĐND TPHCM mới chính thức thông qua dự thảo về đề án chính quyền đô thị sau rất nhiều cân nhắc, tiếp thu ý kiến góp ý từ nhiều phía. Vì vậy, ông mong muốn Trung ương, Bộ Nội vụ xem xét cho TPHCM một chính sách đặc thù về quản lý.

Nhân viên phụ trách mảng hộ tịch - hộ khẩu một phường tại TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết công việc cho người dân
Nhân viên phụ trách mảng hộ tịch - hộ khẩu một phường tại TPHCM đang tiếp nhận và giải quyết công việc cho người dân 

Hợp nhất sẽ gây khó quản lý

Theo kế hoạch mà Bộ Nội vụ yêu cầu các địa phương thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn, kế hoạch hợp nhất các sở, ngành trước mắt được tiến hành như sau: Về quy mô cấp tỉnh, thí điểm hợp nhất Sở Tài chính với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành Sở Tài chính và Kế hoạch.

Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải và Xây dựng, Sở Nội vụ sẽ tiến hành hợp nhất với Ban Tổ chức Tỉnh ủy - Thành ủy chuyển thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ. Hợp nhất Thanh tra cấp tỉnh với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy - Thành ủy thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra.

Với cấp huyện, thí điểm hợp nhất Phòng Nội vụ với Ban Tổ chức cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Thanh tra cấp huyện với Ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp huyện thành Cơ quan Thanh tra - Kiểm tra. Hợp nhất Văn phòng HĐND và UBND với Văn phòng cấp ủy cấp huyện thành Văn phòng cấp huyện.

Liên quan chủ trương này, một số lãnh đạo cấp Sở tại TPHCM cho rằng việc hợp nhất các cơ quan mang tính then chốt, “xương sống” trong công tác quản lý như trên ở TPHCM không chỉ là một bước lùi trong công tác xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, mà còn gây xáo trộn lớn trong mọi kế hoạch điều hành, quản lý quy hoạch.

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng giữ nguyên quan điểm của mình là xin Bộ Nội vụ cho TPHCM không thực hiện thí điểm việc sáp nhập các cơ quan trên. “Thực tế, không phải TPHCM không muốn tinh gọn bộ máy, mà do TPHCM quá lớn, quá nhiều việc. Nếu Trung ương xem TPHCM cũng như những tỉnh khác thì chúng tôi không thể quản lý tốt đô thị với gần 9 triệu dân sinh sống và làm việc” - ông Hoan nói.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giai đoạn 2019 - 2021 sẽ có 45 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập cấp huyện, cấp xã. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ đề án sắp xếp huyện, xã của 42/45 địa phương, tổ chức thẩm định đề án và trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương. 
Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp sẽ giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 560 đơn vị hành chính cấp xã. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh còn lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ