|
Ông Hoàng Xuân Quế |
Thời gian gần đây, vụ việc ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bị tố cáo trong Luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2003 đã đạo y nguyên 30% từ Luận án Tiến sỹ bảo vệ năm 2002 của TS. Mai Thanh Quế - Học Viện Ngân hàng - đã gây dư luận bức xúc trong xã hội.
Quy trình xử lý đúng Luật Tố cáo
Nhiều tổ chức và cá nhân đã gửi đơn thư kiến nghị Bộ GD&ĐT xử lý dứt điểm vụ việc này để bảo vệ uy tín của ngành Giáo dục Việt Nam, trong đó phải kể đến kiến nghị của đại biểu Quốc hội, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Giảng viên và của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Sau một thời gian thu thập các tài liệu, bằng chứng và tổ chức thẩm định kết hợp với kết quả xác minh của Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) với các thành viên Hội đồng và kết quả giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự - Bộ Công an, ngày 4/10/2013, Bộ GD&ĐT đã công bố công khai Kết luận số 1254/KL-BGDĐT về nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế trên cổng thông tin của Bộ theo đúng quy định của Luật Tố cáo.
Kết luận đã ghi rõ nội dung tố cáo là đúng; trong luận án Tiến sỹ của mình ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép 52,5/159 trang (chương 1 sao chép 31,48%, chương 2 là 10,65% và chương 3 là 65,9%).
Từ đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giao cho Vụ Giáo dục Đại học tham mưu tiến hành thu hồi văn bằng Tiến sỹ đối với ông Hoàng Xuân Quế; đồng thời đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xem xét thu hồi quyết định đạt chuẩn chức danh Phó Giáo sư; giao Hiệu trưởng Đại học KTQD xem xét, xử lý vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: sự công tâm và khách quan
Ngay sau khi Kết luận của Bộ GD&ĐT ban hành, dư luận xã hội nói chung và dư luận trong tập thể cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng hết sức tích cực và đánh giá cao quyết định xử lý công minh của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Qua theo dõi vụ việc này cho thấy, trước vụ việc phức tạp và nhạy cảm này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã chỉ đạo nghiêm túc các đơn vị chức năng xác minh sự việc. Việc Bộ GD&ĐT phối hợp với Cục An ninh Chính trị Nội bộ và Viện Khoa học Kỹ thuật Hình sự trong xác minh và giám định thể hiện cách làm hết sức thận trọng, toàn diện và khách quan.
Rõ ràng, trong bối cảnh Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vừa qua đã thông quaNghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, quyết định trên của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thể hiện quyết tâm tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo cũng như khắc phục cơ bản các yếu kém kéo dài đang gây bức xúc trong xã hội đã đề ra trong mục tiêu của Nghị quyết, trong đó có nạn “đạo văn” nghiêm trọng trong đào tạo và khoa học như trường hợp ông Hoàng Xuân Quế.
“Kêu oan” của ông Hoàng Xuân Quế là không có cơ sở
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết luận tố cáo, ông Hoàng Xuân Quế đã có ý kiến “kêu oan”. Vậy sự thật của những “oan ức” của ông Quế là gì?
Việc ông Quế và một số thành viên Hội đồng chấm Luận án cho rằng “Tổ xác minh của Bộ đã bỏ qua các nhân chức, vật chứng và phủ nhận luôn cả quy trình chặt chẽ của Bộ GD&ĐT…các nhà khoa học liên quan đến luận án của tôi cũng như tập thể giáo viên hướng dẫn vẫn còn đấy và cũng đã có văn bản xác nhận và khẳng định luận án của tôi không có sao chép luận án của Mai Thanh Quế” là không đúng.
Vì theo như Kết luận, Tổ xác minh đã nghiên cứu các tài liệu này. Tại thời điểm bảo vệ năm 2003, vì không phát hiện được sự sao chép trong Luận án của ông Hoàng Xuân Quế nên Hội đồng đã không vi phạm khi bỏ phiếu thông qua luận án.
Ông Hoàng Xuân Quế cho rằng: “Căn cứ để Bộ GD&ĐT ra kết luận là bản luận án không có chữ ký cam đoan của tôi và không có bất kỳ dấu tích nào của tôi. Bản luận án lưu tại Thư viện Quốc gia còn không có 3 tài liệu quan trọng mà tôi đã nộp kèm theo quyển luận án: Quyết định thành lập hội đồng, các bản nhận xét phản biện, Quyết nghị của Hội đồng mà khi nhận luận án, họ đã viết giấy biên nhận đầy đủ... khả năng các NCS nộp nhầm quyển luận án là hoàn toàn có thể xảy ra” là không đúng.
Vì thủ tục bảo vệ và lưu luận án tại thời điểm năm 2003 được quy định tại Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT. Theo Quy chế này, không có quy định bắt buộc phải có lời cam đoan và nếu có lời cam đoan cũng không quy định bắt buộc ký. Lời cam đoan có ý nghĩa là cam đoan danh dự về công trình nghiên cứu.
Ngoài ra, theo quy định tại thời điểm đó, cuốn Luận án nộp tại các Thư viện không quy định phải nộp kèm theo Quyết định thành lập Hội đồng, các bản nhận xét phản biện, Quyết nghị của hội đồng như ông Quế đã “kêu oan”.
Việc ông Quế cho rằng có thể nộp nhầm luận án là lý do hết sức “ngây thơ” vì theo như Kết luận tố cáo của Bộ, các bản luận án lưu tại các Thư viện quốc gia, Thư viện Đại học KTQD có nội dung giống với bản Luận án ông nộp Bộ để làm thủ tục bảo vệ luận án (bản này lưu tại Thư viện Tổng hợp Thành phố HCM).
Đồng thời, cần lưu ý rằng, chính từ Luận án Tiến sỹ đạo của người khác, năm 2004 - một năm sau thời gian bảo vệ, ông Quế còn xuất bản thành sách chuyên khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” (Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004 - Số Giấy phép xuất bản 335-133/XB-QLXB Cục xuất bản cấp ngày 13/2/2004, in xong và nộp lưu chiểu tháng 4/2004) để nộp phong học hàm Phó Giáo sư.
Đồng thời, Tổ xác minh và Cơ quan An ninh, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự, Bộ Công an cũng đã có kết luận mấy cuốn luận án ông Quế “xin lại” từ các thành viên hội đồng là không khách quan:“Hai cuốn bìa mềm, một cuốn bìa cứng trong khi quy định bắt buộc phải đóng bìa cứng;
Một cuốn luận án có 180 trang, hai cuốn còn lại có 179 trang; Lề một số trang của ba cuốn luận án không đồng nhất; Số lỗ ghim ở các trang trong ba cuốn luận án không đồng nhất; Một số trang sử dụng phông chữ Times New Roman, trong khi quy định của Bộ GD&ĐT là sử dụng phông chữ VnTime (Roman);
Số lỗ ghim các trang sử dụng phông chữ Times New Roman khác số lỗ ghim các trang liền kề và trùng với các trang mà Hội đồng xác minh luận án tiến sỹ ngành Kinh tế học kết luận là sao chép”.
Kết luận chi tiết của cơ quan giám định còn chỉ ra 3 cuốn luận án đã được ông gỡ ghim, đóng lại đến 76 lần (!).
Luận án Tiến sỹ nộp lại sau 10 năm vẫn đạo nghiêm trọng
Sau 1 tháng kể từ khi bị phát giác việc đạo Luận án, ông Quế đã “gia cố”, sửa lại nội dung của bản luận án và nộp lại Bộ. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nội dung của Chương 3 về cơ bản vẫn sao chép từ nội dung của Luận án TS. Mai Thanh Quế.
Đồng thời, theo đơn thư phản ánh, bản Luận án này còn sao chép y nguyên gần 20 trang từ 2 Luận văn Thạc sỹ bảo vệ năm 2002 của ThS. Nguyễn Văn Khách và ThS. Hoàng Thị Kim Thanh. Nhiều phần trích dẫn tài liệu không chính xác, thậm chí “ngây ngô” như số liệu về lãi suất Việt Nam lại được “Tiến sỹ” Hoàng Xuân Quế trích dẫn trong sách về Kinh tế học của Samuelson (!)…
Bởi vậy, thiết nghĩ một số cá nhân không nên bị kích động, lôi kéo để bảo vệ cho ông Hoàng Xuân Quế. Sự thật sẽ luôn luôn đúng. Người vi phạm phải bị lên án và xử lý công minh. Cần xem xét xử lý hình sự đối với hành vi ngụy tạo chứng cứ, tài liệu.
Việc ông Hoàng Xuân Quế gặp các thành viên Hội đồng để “xin lại” các bản luận án có dấu hiệu không khách quan như kết luận của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, các tài liệu này qua kết quả giám định của Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự chứng tỏ có dấu hiệu giả mạo chứng cứ, tài liệu.
Nhiều giảng viên đã phản ánh cho phóng viên “ông Hoàng Xuân Quế đã có dấu hiệu lôi kéo một số thành viên hội đồng trong việc ngụy tạo chứng cứ và làm phức tạp tình hình; kích động, vu cáo và địa đặt về việc xử lý của Bộ...”. Nếu việc này là đúng, chúng tôi kiến nghị phải xem xét xử lý hình sự và kỷ luật nghiêm minh đối với ông Hoàng Xuân Quế.