Nỗ lực đổi mới

Nhìn lại chặng đường 5 năm từ khi ban hành Nghị quyết, một khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện. Hàng loạt các văn bản, đề án có liên quan được Chính phủ ban hành, bảo đảm chuẩn bị đồng bộ điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới. Có thể nói đến việc phê duyệt tổng thể triển khai Đề án đổi mới chương trình, SGK GDPT; Đề án nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình, SGK GDPT; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT; ban hành Chỉ thị đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT...

Các chương trình, đề án đang được triển khai theo lộ trình đồng bộ và hiệu quả. Một trong những minh chứng rõ nhất của Nghị quyết 88 đi vào cuộc sống là việc ban hành chương trình GDPT tổng thể và chương trình các môn học; cùng với đó, những bộ SGK được thực hiện theo chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách”, sau rất nhiều nỗ lực đã thành hình và chuẩn bị bước vào đời sống giáo dục.

Riêng với Bộ GD&ĐT, sau 5 năm đã ban hành 15 Thông tư quy định, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc ban hành chương trình; tổ chức thẩm định SGK; lựa chọn SGK; tiêu chuẩn, chức danh nhà giáo, CBQL giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và quy định từ cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ đổi mới chương trình, SGK. 

Ngoài văn bản pháp quy, Bộ GD&ĐT cũng có 15 văn bản hướng dẫn địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp triển khai chương trình, SGK GDPT 2018. Có thể nói, hệ thống văn bản thực hiện Nghị quyết 88 được ban hành tương đối đầy đủ, từ trung ương đến địa phương, đã tạo điều kiện tiên quyết thực hiện hiệu quả và đạt được yêu cầu của Nghị quyết 88.

Khoảng thời gian 5 năm cũng ghi nhận sự tích cực, chủ động của 63 sở GD&ĐT trong chuẩn bị đội ngũ giáo viên, CBQL giáo dục triển khai Chương trình GDPT, SGK mới. 

Cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh/thành phố ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục theo từng giai đoạn, nhằm thống nhất trong chỉ đạo, phối hợp triển khai kế hoạch giữa các ngành, cấp tại địa phương; chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục theo từng giai đoạn hoặc hằng năm trong nhiệm vụ công tác của ngành...

Có thể nói, đổi mới chương trình, SGK GDPT là vấn đề lớn. Đây là lần đầu tiên, chương trình GDPT được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Việc biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp một số khó khăn từ khâu thiết kế đến tổ chức thực hiện. Tuy vậy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội và nỗ lực của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, thời điểm này kết quả bước đầu có thể nói khả quan.

Chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm trong những năm tiếp theo của lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới. Lộ trình này tiếp tục cần sự ủng hộ, đồng tâm, chung sức từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ/ngành, địa phương và toàn xã hội. Trong đó, quan trọng nhất có lẽ là quyết tâm của ngành Giáo dục, trong đó có hàng triệu thầy cô giáo – những người trực tiếp tham gia và làm nên công cuộc đổi mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.