(GD&TĐ) - Trang web của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bị “sập” vào tối thứ sáu (11/10). Có lẽ sau khi Ủy ban Nobel Hòa bình tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho OPCW, số lượng người truy cập vào trang web của tổ chức này quá đông, khiến nó bị “sập”. Với nhiều người, OPCW là cái tên lạ hoắc. Chính vì vậy, những thông tin kiểu OPCW là gì? Họ làm gì mà được nhận giải Nobel Hòa bình?...rất cần một lời giải đáp.
Tổng giám đốc OPCW Ahmed Uzumcu phát biểu tại lễ nhận giải Nobel Hoà bình 2013 |
Năm nay có cả thảy 259 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình. Trong số đó, theo các nhà cái ở châu Âu và các nhà phân tích, Malala Yousafzai - nữ sinh 16 tuổi ở Pakistan, người từng bị Taliban bắn vào đầu năm ngoái vì đã dũng cảm đấu tranh cho quyền được học tập của các bé gái là người có cơ hội nhận giải cao nhất. Phán đoán này càng có cơ sở hơn bởi trước đó 1 ngày (10/10) Malala Yousafzai nhận được giải thưởng Sakharov - giải thưởng về nhân quyền cao quý nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng, giải Nobel Hòa bình 2013 lại thuộc về OPCW - điều khiến không ít người cảm thấy ngỡ ngàng.
Năm 2009, giải Nobel Hòa bình được trao cho Barack Obama, còn năm ngoái trao cho Liên minh châu Âu (EU). Ít nhất khi đó chẳng ai đặt câu hỏi: Obama là ai? EU là ai?
Chịu khó suy ngẫm một chút về những gì họ đã làm cho hòa bình có thể thấy, ngay từ khi vừa thắng cử Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã nói rất nhiều điều tốt đẹp về hòa bình. Nói một cách sòng phẳng, giải Nobel Hòa bình năm ấy được trao cho “những lời hứa” của Barack Obama. Còn với EU thì sao? Trong lịch sử nhân loại, EU phát động nhiều cuộc chiến tranh tàn bạo nhất so với các nền văn minh khác. Có điều, trong 50 năm gần đây, EU điềm đạm hơn…
Vậy tại sao Ủy ban Nobel Hòa bình lại trao giải cho OPCW?
Có thể nói thẳng ra rằng công việc của họ thật khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên, tất cả chuyện tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria đang diễn ra trước mắt chúng ta…
Theo các nhà phân tích, đúng ra giải Nobel Hòa bình năm nay phải trao cho Sergei Lavrov và John Kerry. Chính họ mới là những người chặn đứng một cuộc chiến khi đạn đã lên nòng và ngay sau đó (14/10), Syria chính thức tham gia Công ước cấm vũ khí hóa học, trở thành thành viên thứ 190 của tổ chức này. Việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria chỉ là hệ quả của những nỗ lực của Nga và Mỹ. Đó là một sáng kiến hòa bình lớn, rất thú vị và đầy cảm hứng. Còn những người của OPCW chỉ thực thi nhiệm vụ giải giáp vũ khí hóa học ở Syria và trên thực tế, công việc của họ vẫn còn ở phía trước.
OPCW đã từng tổ chức giám sát việc giải giáp vũ khí trên lãnh thổ Iraq, Lybia. Không thể phủ nhận rằng các nhân viên OPCW đã phải mạo hiểm cả tính mạng của mình vì hòa bình trên toàn thế giới. Nhưng ngẫm sâu thêm một chút thì trên thế giới này thiếu gì những người, những nghề mà chỉ cần thực thi đúng nhiệm vụ cũng dễ có thể hy sinh tính mạng của mình. Cảnh sát, lính cứu hỏa ở Mỹ hay những nhân viên thuộc Bộ Tình trạng khẩn cấp ở Nga chẳng hạn, họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình vì nhân dân, vì an sinh xã hội qua các vụ hỏa hoạn, động đất hay lũ lụt…
Xin nhắc lại, lúc đầu giải Nobel Hòa bình chỉ dành cho những hành động bảo vệ hòa bình, nghĩa là chấm dứt hoặc chặn đứng chiến tranh. Tuy nhiên, trong thập kỷ gần đây, việc trao giải Nobel Hòa bình có vẻ như đã đi theo hướng khác. Lúc đầu là dành cho những người có tư tưởng hòa bình, sau đó mở rộng ra, dành cho những người bảo vệ nhân quyền hay những nhân vật thú vị khác.
Thành thật mà nói, giải Nobel Hòa bình năm nay không trao cho nữ sinh Pakistan Malala Yousafzai là một thất vọng lớn. Ít nhất đây là trường hợp hết sức thú vị. Malala Yousafzai vừa là nạn nhân, vừa là chiến sĩ đấu tranh cho quyền được đến trường của các em bé gái.
Ông Kristian Harpviken, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo thừa nhận Malala Yousafzai là người đứng đầu danh sách bầu chọn cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Ngoài ra, cô bé còn là nhân vật yêu thích, người truyền cảm hứng cho các nhà văn, nhà báo, các kịch tác gia. Tuy nhiên, giới phân tích băn khoăn rằng cô bé còn quá nhỏ để có thể đặt lên đôi vai của mình gánh nặng của một giải thưởng lớn và phải mang nó theo suốt cuộc đời.
Nếu chỉ có vậy mà không trao giải Nobel cho Malala Yiusafzai cũng là điều đáng phải suy ngẫm. không ít ý kiến cho rằng, một lần nữa giải Nobel Hòa bình trao không đúng đối tượng, rằng đó là sự nhạo báng lý trí và logic, rằng phải làm điều gì đó nhằm thay đổi cách đánh giá khi trao giải Nobel Hòa bình. Có điều, làm sao thay đổi được khi nhãn quan chính trị của cả thế giới này là rất khác nhau.
Anh Phương