Nâng cao vị thế cho môn học Giáo dục công dân: Cần bắt đầu từ người thầy

Nâng cao vị thế cho môn học Giáo dục công dân: Cần bắt đầu từ người thầy

(GD&TĐ) - Giáo dục công dân cũng như bất kỳ môn học nào, thành công hay thất bại thì yếu tố người thầy đóng vai trò quan trọng, quyết định. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Giáo dục công dân là vô cùng cần thiết bên cạnh việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá… 

Nỗi lo đội ngũ
TS. Đào Đức Doãn – Khoa Giáo dục Chính trị - ĐHSP Hà Nội nhận định: Về số lượng, tuy có nhiều tiến bộ so với trước nhưng về cơ bản chúng ta vẫn thiếu rất nhiều giáo viên GDCD được đào tạo đúng chuyên ngành, đặc biệt ở bậc THCS. Quá nửa số giáo viên GDCD hiện nay đang là giáo viên dạy chéo môn và được đào tạo ghép môn. Số giáo viên có nhu cầu được đào tạo nâng cấp trình độ còn rất thấp. Đa số giáo viên chỉ có nhu cầu được bồi dưỡng thường xuyên.
Về chất lượng, do được đào tạo nhiều nguồn khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau nên chất lượng giáo viên chưa đồng đều, năng lực thực tế của giáo viên có sự khác nhau cơ bản. Do nhiều nguyên nhân, một bộ phận giáo viên còn chưa tâm huyết với nghề, chưa nắm vững kiến thức cơ bản, chưa cập nhật được kiến thức mới, chưa chú ý kết hợp giữa tính khoa học và tính giáo dục, chưa chú ý đầu tư đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Quy mô đào tạo giáo viên Giáo dục công dân ở các trường sư phạm những năm gần đây có sự giảm sút. Các trường cao đẳng sư phạm chủ yếu đào tạo ghép, trong đó môn “ghép” là GDCD. 
Mặt khác, chương trình và phương thức đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm chậm đổi mới, chất lượng đào tạo còn thấp. Lực lượng giảng viên GDCD ở các khoa, trường sư phạm đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là giảng viên đã qua đào tạo chính quy về luật. Công tác bồi dưỡng giáo viên được tiến hành thường xuyên nhưng chưa thật hiệu quả, nhiều khi còn mang tính hình thức. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên chưa phù hợp với công việc mà họ đảm nhiệm, trong khi thu nhập của giáo viên GDCD chủ yếu từ đồng lương ít ỏi. 
PGS.TS Phạm Văn Hùng và TS. Nguyễn Thị Phương Thủy – Khoa Giáo dục Chính trị - ĐHSP Hà Nội cũng trùng quan điểm khi cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDCD có sự giảm sút về đào tạo đội ngũ giáo viên GDCD ở các trường sư phạm. Điều đó thể hiện ở số lượng học sinh thi và đỗ vào ngành GDCD trong những năm gần đây có sự giảm nhanh (Ví dụ: số học sinh thi đỗ vào Khoa GDCT – ĐH Vinh năm học 2009 – 2010 là 73, năm sau đó là 55, rồi tiếp đó là 18 và năm 2012 – 2013 là 9). Cùng đó, điểm đầu vào cũng ngày càng thấp so với những năm trước đây... 
Để học sinh hứng thú với môn học Giáo dục công dân thì giáo viên đóng vai trò quyết định. Ảnh: Lê Văn
Để học sinh hứng thú với môn học Giáo dục công dân thì giáo viên đóng vai trò quyết định. 

 Vực dậy từ người thầy

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDCD, theo TS. Nguyễn Hải Thập – Cục phó Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở thì không phải là nhiệm vụ một sớm một chiều mà là nhiệm vụ lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Cùng đó cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, sự cầu thị, bền bỉ, kiên trì của bản thân giáo viên với những giải pháp đồng bộ, thiết thực. 
Theo TS. Thập việc xây dựng chương trình đào tạo cần tăng thêm thời lượng và nội dung môn học về pháp luật để sinh viên sau khi ra trường đảm nhận tốt việc dạy môn GDCD và đồng thời làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường và ở địa phương. 
Cần quy định bắt buộc giảng viên phải học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tiến hành nhiều hình thức tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên, đặc biệt là các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học.
Cùng đó, cần có chính sách thiết thực và cụ thể để nâng cao đời sống và điều kiện làm việc của đội ngũ giảng viên để tăng cường tình yêu nghề nghiệp, quan tâm đến việc trau dồi phẩm chất và năng lực chuyên môn. Giảng viên cần vận dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp dạy – học phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, nhất là các phương pháp nêu vấn đề và xử lý tình huống thực tế.
Trong quy chế đào tạo có thể mở rộng các hình thức học tập thay thế, mềm dẻo như làm tiểu luận, bài tập lớn… có hướng dẫn cụ thể cách đánh giá về việc tổ chức học tập được phong phú hơn, tạo sự ham thích trong học tập, giúp công tác đào tạo hiệu quả… 
TS Nguyễn Thị Toan – ĐHSP Hà Nội cho rằng một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên GDCD đó là cần đổi mới chế độ, chính sách đối với sinh viên, giảng viên ngành GDCD, giáo viên GDCD. Theo bà, không thể phủ nhận trong những năm gần đây, Chính phủ đã nỗ lực tăng đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là chế độ thâm niên cho nhà giáo.
Tuy nhiên, chế độ lương cho nhà giáo còn nhiều bất cập. Thu nhập của giáo viên GDCD nhìn chung lại thấp hơn sơ với mặt bằng thu nhập của nhà giáo. Thầy giáo – công dân nghèo khó có thể thắp lên khát vọng làm giàu cho học sinh trong sự nghiệp dân giàu nước mạnh. Khó có thể đòi hỏi giáo viên toàn tâm toàn ý với công việc thiếu hấp dẫn (môn học khô khan, bị phân biệt đối xử, nguồn thu nhập ít ỏi). Bởi vậy, cần đổi mới chế độ, chính sách đối với SV, giảng viên ngành GDCD, giáo viên GDCD. 
Cùng đó, thực tiễn nhưng năm qua cũng cho thấy để nâng cao chất lượng giáo viên GDCD thì công tác bồi dưỡng thường xuyên cần phải nâng cao hiệu quả. Tránh hình thức, gắn với đòi hỏi của thực tiễn GDCD trong nhà trường và sát với từng đối tượng như giáo viên mới vào nghề, giáo viên lâu năm, giáo viên dạy trái chuyên ngành đào tạo... 
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ giáo viên GDCD dạy chéo môn là 13,36%, tỷ lệ dạy chéo môn cao nhất là miền núi phía Bắc (32,05%), tỷ lệ dạy chéo môn thấp nhất là vùng Đông Nam bộ.
Trình độ giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành (đại học, cao đẳng) môn GDCD chiếm 43% còn lại là đào tạo ghép môn (Văn - GDCD; Sử - GDCD; Địa - GDCD; Môi trường - GDCD).

Ngọc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ