Ma trận thiết bị tiết kiệm xăng

Có giá từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, trên thị trường lâu nay có khá nhiều các thiết bị được gắn mác tiết kiệm xăng. Những thiết bị này đánh trúng tâm lý của nhiều người dân khi mà giá xăng ngày một tăng cao.

Một thiết bị tiết kiệm xăng “lạ” tại chợ Tân Thành (quận 5, TPHCM).
Một thiết bị tiết kiệm xăng “lạ” tại chợ Tân Thành (quận 5, TPHCM).
Dù trên thị trường đã có những loại thiết bị được quảng cáo là có thể tiết kiệm xăng và đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, vẫn còn đầy rẫy những thiết bị trôi nổi có cùng tính năng nhưng không biết hiệu quả ra sao.

Siêu tiết kiệm

Tại chợ phụ tùng xe gắn máy Tân Thành, bà Lan - Chủ tiệm K.H đưa cho chúng tôi một thiết bị có tên siêu áp điện tử. Bà Lan cho biết: “Khi mô bin lửa đánh lửa, bộ siêu áp này khiến dòng điện được tăng gấp đôi. Khi đó xăng sẽ đốt triệt để hơn. Tiết kiệm tới 30% lượng xăng tiêu thụ”.

Thoạt nhìn, thiết bị này chỉ gồm 2 đoạn ống nhựa đen, có bịt hai đầu bằng hai nắp nhựa trắng dẻo. Giá của bộ thiết bị này 60.000 đồng. Ngoài ra, thiết bị này được quảng cáo sẽ giúp cho đèn xe… sáng hơn bình thường. 

Tuy vậy, khi hỏi xuất xứ, bảo hành, bà này trả lời gọn lỏn: “Cái này không bảo hành. Nhưng chỗ chị người ta mua xài mấy năm rồi có sao đâu”.

Tại tiệm sửa xe gắn máy M.N trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) ông Minh đưa cho chúng tôi xem một TBTKX với tên gọi bộ tiết kiệm xăng, giá 200.000 đồng. 

Ông này cho biết, thiết bị này có thể tiết kiệm được 20% xăng vì khả năng điều tiết được lượng xăng phù hợp, giúp xe sử dụng triệt để xăng mà không bị dư thừa vì biết “tự điều chỉnh”. Ông khẳng định, nếu chạy đều tay ga thì 1 lít xăng chạy được 100km.

Thấy khách hàng có vẻ không hiểu, ông nói thẳng: “Cái này cậu không cần biết cơ chế làm gì. Cứ mang về dùng” và nói thêm: “Nếu không tiết kiệm thì đem trả lại nhưng chỉ được 90% giá tiền lúc mua”. Hỏi tại sao, ông chỉ nói: “Tiền bao bì”.

Không chứng minh được tiết kiệm

Trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình), khi chúng tôi vào hỏi TBTKX thì ông chủ cho biết ở đây không có bán những loại đó. Tuy nhiên, ông này giới thiệu một TBTKX khác mà theo ông chắc chắn sẽ tiết kiệm mà không làm ảnh hưởng tới máy móc.

Ông chủ tiệm lôi ra một hộp giấy, bên ngoài ghi chữ Nouvo, Spacy, gắn máy và nói rằng đây là nắp chụp bugi. Giá 125.000 đồng. “Đây là hàng Thái, giúp lửa đánh đều và mạnh hơn. Anh gắn cái này vào, đổ 2 lít xăng chạy Tây Ninh - Sài Gòn đi về mà vẫn còn… nửa bình” - Ông này nói. 

Ông quảng cáo nắp chụp này tiết kiệm 35% xăng mà xe vẫn êm. Thấy khách hàng chưa bị thuyết phục, ông này đem ra một bộ thiết bị khác. Hóa ra, đây là bộ TBTKX H.S trước đây từng bán trên thị trường.

Thấy khách có vẻ biết về bộ TBTKX này, ông không vòng vo mà nói thẳng: “Nếu dùng cái này không thôi thì vẫn chưa ép-phê. Nó có tiết kiệm như quảng cáo nhưng để được lên tới 40% thì phải thêm cái này”. 

Ông đưa ra một hộp trông như thuốc Tây có tên Fuel saver. Đây thực ra là viên tiết kiệm xăng. “100 cây (km) 1 lít thì khó chứ 80 là chuyện bình thường” - Ông chủ tiệm nói.

Trong khi đó, cách đây không lâu Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng viên tiết kiệm xăng và dung dịch tiết kiệm xăng để hạn chế nguy cơ gây độc hại hoặc cháy nổ. 

Thực tế, chưa một nghiên cứu khoa học nào ở VN khẳng định viên tiết kiệm có tiết kiệm hay không. Sản phẩm này còn có thể gây tác hại cho xe như nóng máy hoặc có thể gây ra những hậu quả khác gây cháy nổ.

TS Nguyễn Hữu Hường - Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường ĐH Bách khoa TPHCM) - cho biết: “Việc quảng cáo thiết bị tiết kiệm xăng hiện nay của nhiều nơi là không có cơ sở khoa học để chứng minh. 

Muốn biết có tiết kiệm hay không phải tiến hành đo, thử động cơ và mức tiêu hao nhiên liệu khi gắn và không gắn thiết bị tiết kiệm xăng. Theo nguyên tắc vật lý, nếu bộ tiết kiệm khiến xăng cháy triệt để hơn thì giúp giảm lượng khí thải độc ra môi trường, công suất tăng lên nhưng không tiết kiệm xăng được.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ