Khơi cảm hứng học tiếng Anh qua tranh ảnh

GD&TĐ - Phương pháp giảng dạy hiện đại cho rằng sử dụng tranh ảnh là một phương thức hiệu quả giúp nâng cao kỹ năng nói cho học sinh, đặc biệt cho những học sinh mới bắt đầu học tiếng Anh.

Khơi cảm hứng học tiếng Anh qua tranh ảnh

Các giáo viên đều ý thức tranh ảnh là một trong những phương tiện dạy học rất hữu ích. Tuy nhiên, thực tế có tận dụng được hiệu quả phương thức dạy học này hay không còn là một vấn đề được quan tâm.

Thực tế sử dụng tranh ảnh trong dạy nói tiếng Anh

Qua những tiết dự giảng của mình và đồng nghiệp trong các giờ học tiếng Anh, cô Đoàn Thị Hòa - Giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) nhận thấy, tất cả giáo viên đều sử dụng tranh ảnh trong tiết dạy, từ phần khởi động, dẫn nhập trước khi vào nội dung chính của bài, trong khi dạy nội dung chính và ngay cả sau phần nội dung chính.

Tần số sử dụng tranh trong một tiết học thường được lặp lại hơn ba lần, phụ thuộc vào mục đích cũng như nội dung của bài học.

Phần lớn giáo viên sử dụng tranh ảnh cho các hoạt động như đóng vai giao tiếp, con số may mắn, mô tả tranh, so sánh sự khác nhau giữa các bức tranh, đoán nội dung của bức tranh, đối thoại, ai nhanh trí, ai nhớ lâu ...

Tuy số lượng hoạt động khá phong phú nhưng dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.

Về nguồn tranh ảnh phục vụ việc dạy và học, phần lớn được lấy từ sách giáo khoa, internet , sách báo và tạp chí... Rất ít giáo viên tự mình vẽ tranh để dùng cho các hoạt động.

Qua khảo sát của cô Đoàn Thị Hòa, tất cả học sinh cùng cho biết rất thích giáo viên sử dụng tranh ảnh trong giờ học tiếng Anh.

Tuy nhiên, học sinh thường cảm thấy thích thú hơn với tranh ảnh được lấy từ mạng Internet trong khi các thầy cô thường khai thác nguồn tranh từ sách giáo khoa nhiều hơn.

Về phía giáo viên, không ai phủ nhận tính hiệu quả tranh ảnh mang lại. Tuy nhiên, các giáo viên cũng cho rằng không phải cứ sử dụng tranh ảnh là mang lại hiệu quả cho một giờ học nói, điều này còn phụ thuộc vào khả năng sư phạm của người đứng lớp.

Dạy từ vựng tiếng Anh bằng tranh

Chia sẻ kinh nghiệm sử dụng tranh ảnh để tăng hiệu quả giờ dạy tiếng Anh, cô Hòa cho biết, trước tiên mình thu thập tất cả những hình ảnh cảm thấy có ích cho việc dạy học từ các nguồn: Internet, báo, tạp chí, lịch…

Sau đó, cắt và phân loại theo những tiêu chí và chủ đề khác nhau như: Con người, động vật, cảnh thiên nhiên, đồ vật hay những tình huống mà chúng ta có thể thảo luận… Sau đó, sử dụng nguồn hình ảnh này cho những tiết dạy tiếng Anh của mình.

Khi dạy học sinh các danh từ, giáo viên dán những tấm bìa lớn có ghi chữ trên bảng và yêu cầu học sinh phân loại theo từng nhóm với những tiêu chí khác nhau.

Học sinh sẽ cùng nhau thảo luận và sắp xếp những tấm bìa đó vào những cùng một khu vực sao cho chúng có cùng một chủ đề hoặc một điểm chung với nhau.

Khi dạy giới từ, giáo viên phát cho mỗi học sinh một bức tranh và kèm theo rất nhiều giới từ; quy định khoảng thời gian nhất định cho học sinh nối những giới từ đã cho vào những vị trí cụ thể trong bức tranh. Ai ghép được nhiều giới từ nhất sẽ có phần thưởng.

Với phần giới từ, giáo viên cũng có thể chuẩn bị một bức tranh thật lớn đủ để cả lớp nhìn thấy. Hình ảnh trong bức tranh có nội dung liên quan đến những từ vựng mà giáo viên muốn dạy két hợp với giới từ.

Giáo viên chỉ vào hoặc đính ghim màu đen vào một điểm nào đó trên bức tranh (ví dụ một người đàn ông) và nói bằng tiếng Anh: “Đây là một chú ruồi”; sau đó hỏi “Chú ruồi này đang ở đâu?” để liên tưởng cho học sinh đến những cụm từ như “ở trên đầu”, “ở trong tóc” hay “ở dưới chân”.

Cho học sinh luyện tập 1 lúc sau đó lần lượt gọi một số em lên bảng, chỉ vào tranh và hỏi lại các bạn khác trong lớp.

Tiếp theo, nói với học sinh rằng bức tranh trên bảng là tượng trưng cho các vị trí và đồ vật trong phòng học. Sau đó lấy một vài vật để tham chiếu.

Ví dụ: Cái cửa sổ là chân bên trái của người đàn ông trong tranh, cái bảng chính là đầu của người đàn ông đó. Sau đó chỉ vào một học sinh đang đứng tại bất cứ vị trí nào trong lớp và nói bằng tiếng Anh: 

“Đây chính là một chú ruồi, hãy đoán xem chú ruồi này đang ở đâu?” để hướng học sinh tới những cụm từ trả lời như “ở trên vai”, “ở trên cằm” hay “ở trên mũi” của người đàn ông trong tranh.

Giáo viên cũng có thể dùng một phương pháp khác. Cụ thể: Giáo viên chia học sinh thành từng cặp và phát mỗi em một bức tranh. Học sinh thứ nhất sẽ mô tả bức tranh đó; học sinh thứ hai lật ngược bức tranh và mô tả lại. Khi đó, vị trí của các đồ vật trong tranh đã bị hoán đổi.

Tiếp theo, một học sinh sẽ cầm bức tranh và tả lại cho học sinh kia (không được nhìn thấy tranh) vị trí của các đồ vật. Và học sinh trả lời này sẽ phải đoán xem liệu đây là vị trí thực tế của đồ vật hay vị trí đã bị lật ngược. Phương pháp này giúp học sinh có thể tưởng tượng được mối tương quan giữa các giới từ chỉ vị trí với nhau.

Khi dạy học sinh các động từ, cô Hòa thường chia học sinh thành các nhóm và sắp xếp nhóm đó theo hàng dọc.

Sau đó, phát cho học sinh đầu tiên trong hàng dọc một bức tranh và một tờ giấy trắng, rồi nói bằng tiếng Anh “Go!”. Học sinh đầu tiên sẽ nhìn vào bức tranh và nhanh chóng viết ra giấy bất kỳ một động từ chỉ hành động nào mà em bắt gặp được trong tranh. Cứ như vậy, tờ giấy sẽ được chuyền đi đến cuối hàng dọc và được chuyền ngược lại lên trên.

Hoạt động này sẽ diễn ra trong vòng từ 4 đến 5 phút, sau đó giáo viên thu lại các tờ giấy của mỗi nhóm. Nhóm nào tìm được nhiều động từ chính xác và phù hợp với bức tranh nhất sẽ được tặng phần thưởng.

Học phát âm bằng tranh

Với học phát âm, cô Hòa thường dùng phương pháp mà mình tự đặt tên là “Believe it or not” để luyện cho học sinh các cách biểu cảm và điểm nhấn khi diễn đạt 1 câu.

Ở phần này, giáo viên sẽ chọn một bức tranh (chủ đề về con người) và giơ cao để cả lớp nhìn. Sau đó, nói bằng tiếng Anh một câu tả bao quát bức tranh, ví dụ “He’s 40, he’s a bus driver”. Giáo viên yêu cầu học sinh nhắc lại câu trên theo đúng giọng điệu mà cô giáo nói.

Sau đó, giáo viên nói tiếp một vài câu khác với nội dung và giọng điệu thật ngạc nhiên hoặc kinh ngạc, ví dụ “He’s had a head transplant!” hay “He won a gold medal in the olympics!”. Giáo viên nhắc lại những câu trên theo cách nói nhấn mạnh và thậm chí thể hiện bằng cử chỉ hành động; sau đó gọi một vài học sinh nhắc lại những câu nói trên theo cách mà các em muốn thể hiện.

Hoạt động trên diễn ra trong vòng khoảng 5 phút. Tiếp theo, giáo viên sắp xếp để học sinh luyện tập theo từng cặp; phát co mỗi cặp 1 bức tranh và yêu cầu mô tả bức tranh theo cách gây ấn tượng nhất.

Sau khi các nhóm đã luyện tập xong, gọi một số cặp lên bảng tả tranh. Cặp nào mô tả tranh đúng ngữ pháp nhất và có cách thể hiện ấn tượng nhất sẽ được phần thưởng.

Học cách diễn đạt 1 nội dung ngắn

Với nội dung này, cô Đoàn Thị Hòa chia sẻ 3 phương pháp.

Phương pháp 1: Guess my story. Giáo viên chuẩn bị khoảng 10 bức tranh với nội dung đa dạng về con người, đồ vật và địa điểm... và dán lên bảng.

Trước khi bắt đầu, giáo viên chuẩn bị một câu chuyện có nội dung bao gồm khoảng 4 bức tranh; tách 4 bức tranh thành một nhóm và yêu cầu học sinh đoán nội dung câu chuyện của tôi qua những bức tranh đó.

Học sinh cần phải đặt những câu hỏi cho giáo viên để tìm câu trả lời và xâu chuỗi thành nội dung câu chuyện.

Các câu hỏi được đặt thường là dạng “Yes/No Questions”. Sau khoảng 3 phút hỏi và trả lời, giáo viên dán lên trên bảng nội dung của câu chuyện và mời một số em đọc to. Sau đó, gỡ nội dung của câu chuyện ra và yêu cầu các em tóm tắt lại theo cách nói của mình.

Còn lại các bức tranh khác trên bảng, giáo viên chia đều ngẫu nhiên thành các nhóm tranh và yêu cầu học sinh tự dựng lên một câu chuyện cho mỗi nhóm. Học sinh nào có câu chuyện hay và thú vị nhất sẽ được nhận phần thưởng.

Phương pháp 2: Future Face. Với phương pháp này, học sinh sẽ được luyện tập cách mô tả sự khác biệt và cách sử dụng động từ ở các thì khác nhau. Cách thực hiện như sau:

Giáo viên chuẩn bị hai bức tranh khác hẳn nhau về hai người có cùng giới tính; yêu cầu học sinh mô tả từng bức tranh và sau đó nói với các em rằng đây thực ra là một người.

Sau đó, yêu cầu học sinh nêu ra những điểm khác biệt giữa hai bức tranh bằng các cấu trúc so sánh và sử dụng động từ ở các thì hiện tại, quá khứ.

Phương pháp 3: Describe Around. Cách thực hiện như sau:

Giáo viên chia học sinh thành các nhóm khoảng 6 người và xếp các em ngồi thành hình vòng tròn;

Phát cho mỗi nhóm một bức tranh và gợi ý cho một học sinh trong vòng tròn bằng những câu bắt đầu đơn giản, ví dụ “There’s a woman”.

Học sinh bên cạnh sẽ nhắc lại câu trên và thêm vào đó 1 số chi tiết để câu dài hơn hoặc nối thêm một câu khác, ví dụ “There’s a woman with a red dress”. Hoạt động này cứ tiếp tục cho đến khi một học sinh nào đó không thể nhớ hết nội dung mô tả bức tranh.

Cả nhóm sẽ cử ra một đại diện để trình bày lại bức tranh của mình. Nhóm nào có nội dung dài và phong phú nhất sẽ được nhận phần thưởng.