Học tốt tiếng Anh với tài liệu học

GD&TĐ - Thạc sĩ Phạm Thị Tuyết Chinh - Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng: Nên khuyến khích sinh viên xây dựng cho mình bộ sưu tập tài liệu học để có cơ hội vận dụng nhuần nhuyễn các cách thức tiếp cận bài đọc, cũng như tạo cơ sở đánh giá năng lực tiếp nhận độ hiểu bài đọc của sinh viên.

Học tốt tiếng Anh với tài liệu học

Hình dung về sưu tập tài liệu đọc

Bộ sưu tập tài liệu học có thể hiểu là một tập hợp các tài liệu phản ánh những gì sinh viên đã tìm kiếm, biên soạn, đầu tư với mục đích đánh giá nhận thức của mình về bài đọc, môn học và thành tích học tập; từ đó, tạo ra một kho lưu trữ lâu dài các sản phẩm công việc học tập.

Theo thạc sĩ Phạm Thị Tuyết Chinh, trong giảng dạy ngoại ngữ, bộ sưu tập tài liệu học được sử dụng như một công cụ linh hoạt, thực chứng để phát triển kỹ năng, nhận thức cho người học qua quá trình liên tục phản ánh và phân tích việc học của mình.

Điểm mấu chốt của bộ sưu tập tài liệu học là các ví dụ về thành quả học tập được người học lựa chọn cẩn thận theo một tiêu chí hoặc giá trị mà họ nhận ra, phản ánh và đánh giá.

Những phần được lựa chọn trong bộ sưu tập tài liệu học phụ thuộc vào khả năng sáng tạo, ứng dụng kinh nghiệm trong quá khứ, chiều sâu tự phản ánh của người học và mục đích của bộ sưu tập.

Điều quan trọng, bộ sưu tập tài liệu học không chỉ là một tập hợp các mục trong khóa học, mà nó thể hiện được sự phản ánh của người học đối với những mục này và chứng tỏ khả năng cũng như tiến trình học tập của người học.

Điều này sẽ khuyến khích người học trở nên chọn lọc và có ý thức tự quản lý các bằng chứng về tiến độ và kết quả học tập của mình.

Riêng trong dạy học tiếng Anh, thạc sĩ Phạm Thị Tuyết Chinh cho rằng, bộ sưu tập tài liệu học có thể được sinh viên dùng để chuẩn bị bài mới, ghi chép lại nhận xét của mình về từng bài học trong giáo trình, hoặc sưu tập các bài đọc có cùng chủ đề ở bên ngoài (theo gợi ý của giảng viên hoặc sở thích cá nhân)…

Phương pháp xây dựng tài liệu đọc

Theo thạc sĩ Phạm Thị Tuyết Chinh, để xây dựng tài liệu học, sau mỗi buổi học, giảng viên cần yêu cầu sinh viên tự tìm các bài khóa có độ dài, nội dung và độ khó phù hợp với trình độ.

Sinh đọc bài khóa, tóm tắt và tự đặt các câu hỏi phù hợp liên quan đến bài khóa có dạng tương tự như trong giáo trình học (lập danh mục từ mới, tự đặt và trả lời câu hỏi, điền từ, tìm từ đồng nghĩa, phản nghĩa, chọn câu thích hợp…)

Các bài đọc phải được trích dẫn nguồn gốc rõ ràng (tên sách hoặc tên báo/tạp chí, đường dẫn (nếu lấy trên internet), tên tác giả, trình độ, số trang,…). Qua đó, giảng viên chủ động theo dõi và kiểm tra việc thực hiện của sinh viên, đồng thời đảm bảo sinh viên chọn bài báo từ nguồn gốc phù hợp và đáng tin cậy.

Giảng viên có thể chia lớp thành các nhóm từ 3 đến 5 sinh viên. Hàng tuần, yêu cầu các nhóm trao đổi chéo bộ sưu tập tài liệu đọc để nhận xét, đánh giá, góp ý.

Giảng viên cũng có thể gợi ý cho sinh viên những trang web phù hợp về nội dung và trình độ để định hướng ban đầu. Sinh viên gửi bằng email cho giảng viên các bài đọc sưu tầm được và nội dung kèm theo (tóm tắt, câu hỏi và trả lời). Sau đó, giảng viên góp ý hoặc bằng email trực tiếp, hoặc tại lớp học vào buổi tiếp theo.

Hình thức này sẽ được tính vào % điểm kiểm tra (20%) do giáo viên đưa ra từ đầu năm học. Nếu sinh viên nào không gửi đủ hoặc không làm đúng theo yêu cầu sẽ bị trừ điểm.

Ngay từ khi bắt đầu kỳ dạy, giảng viên phải phổ biến cách dạy và làm việc của mình để cho sinh viên làm quen với môi trường cũng như phương pháp dạy mới.

Cách làm này giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tự tìm tài liệu rèn luyện kỹ năng đọc hiểu cho bản thân; làm quen dần với việc xác định bài đọc hiểu phù hợp về nội dung trình độ; nắm được cấu trúc các dạng câu hỏi thông thường của một bài đọc hiểu.

Để sử dụng tài liệu học hiệu quả, trước hết, giảng viên phải nắm được mục tiêu, nội dung môn học, phương pháp kiểm tra, đánh giá cũng như đặc điểm của người học.

Riêng môn tiếng Anh, ngoài đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, điều cần làm ngay là phân loại trình độ tiếng Anh ngay từ đầu vào, giới hạn sĩ số lớp và phân bổ thời gian hợp lý.

Tuy vậy, tùy theo đặc thù của sinh viên (trình độ, lứa tuổi, động cơ, mục đích) cũng như các yếu tố khác liên quan, giảng viên cần có hình thức áp dụng riêng biệt cho lớp học của mình cũng như thường xuyên điều chỉnh để đạt hiệu quả cao nhất.

Những khó khăn khi sử dụng tài liệu học

Với quy mô lớp học đông sinh viên, giảng viên sẽ phải mất thời gian để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của sinh viên.

Các sinh viên năm nhất, động cơ, ý thức học tập còn chưa cao, chưa rõ ràng, giảng viên phải thường xuyên nhắc nhở, động viên, góp ý và đánh giá công việc của sinh viên thường xuyên. 

Ngoài ra, thị trường sách báo, tạp chí và nguồn tài liệu trên internet rất đa dạng khiến sinh viên khó xác định những bài đọc phù hợp về nội dung, trình độ.