"Hãy tôn trọng, đây là cơ thể tôi", cách dạy trẻ tránh bị xâm hại tình dục

Khi trẻ lớn lên, sự tò mò của chúng cũng tăng theo. Do đó, nhu cầu được giáo dục giới tính, được trò chuyện về những vùng nhạy cảm, vùng giới hạn hay các thay đổi của cơ thể là hết sức cần thiết.

"Hãy tôn trọng, đây là cơ thể tôi", cách dạy trẻ tránh bị xâm hại tình dục

Nhưng đâu là thời điểm phù hợp để trò chuyện với trẻ? Và bằng cách nào? Trái với những gì chúng ta thường nghĩ, việc trao đổi này không phải là những cuộc đối thoại quá nghiêm túc kéo dài hàng tiếng đồng hồ vào một khoảng thời gian cố định.

Thay vào đó, chúng ta thể hiện thái độ quan tâm đến trẻ từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày và lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu của trẻ.

Vậy làm thế nào để trò chuyện với trẻ? Làm thế nào để một đứa trẻ ba tuổi hiểu được điều này? Làm thế nào để nói chuyện với trẻ vị thành niên? dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những lời khuyên về cách nói chuyện với trẻ ở từng lứa tuổi khác nhau.

1. Trẻ ở độ tuổi nhỏ nhất

Trẻ nhỏ thường rất hứng thú với việc tìm hiểu về bản thân và môi trường xung quanh. Chúng dành phần lớn thời gian để khám phá cách mà cơ thể hoạt động, điều gì cơ thể có thể và không thể thực hiện.

Trong mọi trường hợp khi bạn chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, ví dụ khi bạn tắm cho trẻ, thay bỉm, thoa kem dưỡng da hay cho trẻ ăn, bạn có thể đưa ra những dấu hiệu khẳng định rằng cơ thể này của riêng trẻ, chúng có giá trị riêng và bạn có thể giúp trẻ quyết định sẽ làm gì kể cả khi trẻ cần đến sự giúp đỡ của người khác.

Với vai trò là cha mẹ hoặc người giám hộ, bạn nên lưu ý đến những đụng chạm cơ thể giữa trẻ với người khác. Chúng ta cần làm gì khi người thân, bạn bè hoặc người lạ muốn âu yếm và hôn trẻ?

Liệu chúng ta có vì phép lịch sự và khuyến khích những việc đó mà không quan tâm đến cảm nhận của trẻ? Đừng ép trẻ phải ôm, hôn hoặc ngồi trên đùi của ai đó.

Thay vì yêu cầu trẻ: Nào bây giờ hãy lại kia và ngồi với bà, hãy hỏi trẻ rằng: Con có muốn ngồi vào lòng bà không? Điều này giúp trẻ hiểu rằng trẻ không cần phải gần gũi với ai nếu như trẻ không thích điều đó. Điều này cũng giúp trẻ tự vấn xem mình có cảm thấy ổn hay không và từ đó đặt ra những ranh giới riêng cho mình.

Khi trẻ được 4 đến 5 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ rằng có thể có những người xấu ở ngoài kia và họ muốn làm những “điều không đúng”. Hãy cố gắng tìm cách nói với trẻ về việc này mà không làm trẻ sợ.

Không may, trẻ em thường là nạn nhân của những kẻ là người quen, hoặc thậm chí là người mà trẻ quý mến. Vì vậy, cần dạy trẻ rằng việc nói “Không” là điều hết sức bình thường, kể cả với những người trẻ yêu quý, tương tự như khi anh chị em ruột muốn chơi một trò chơi mà trẻ không muốn.

Để trẻ tham gia vào những việc chăm sóc cá nhân hàng ngày, chẳng hạn như thay tã. Giải thích những gì mà bạn đang làm với cơ thể của trẻ và tại sao bạn làm thế.

+ Dạy trẻ tự vệ sinh những bộ phận riêng tư và tự làm sạch sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

+ Dạy trẻ tự vệ sinh những bộ phận riêng tư và tự làm sạch sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

+ Không bắt trẻ âu yếm, hôn hoặc ngồi vào lòng người thân quen hay bạn bè. Thay vào đó, hãy hỏi xem liệu trẻ có muốn làm như vậy hay không.

+ Giải thích cho trẻ rằng nếu có ai đó đã làm hoặc muốn làm điều gì đó với cơ thể của trẻ mà trẻ không muốn, trẻ có thể nói không và có thể kể lại với người lớn.

+ Dạy trẻ rằng việc nói không, kể cả với những người mà trẻ yêu mến là điều hết sức bình thường.

BÍ MẬT TỐT - BÍ MẬT XẤU

Trẻ nhỏ nên được dạy về sự khác biệt giữa bí mật tốt và bí mật xấu. Bí mật tốt, chẳng hạn như quà sinh nhật hay quà Giáng sinh, những thứ khiến con vui vẻ. Bí mật xấu là những điều khiến con buồn bã hoặc lo lắng. Con có thể nói ra những bí mật xấu - kể cả khi ai đó nói con là không được nói. Nói về những bí mật tốt và bí mật xấu là cách giúp trẻ chia sẻ những điều không thoải mái mà ai đó không cho trẻ nói ra.

2. Trẻ trong độ tuổi đến trường

Phần lớn trẻ vào khoảng 8-12 tuổi bắt đầu dậy thì. Cơ thể thay đổi, phát triển và bắt đầu giống người lớn hơn. Kết quả là, trẻ bắt đầu có những suy nghĩ về tình dục và sự thân mật với người khác giới. Bạn bè đồng trang lứa cũng có thể gây ảnh hưởng đến trẻ.

Đến tuổi đi học, trẻ có thể đã có ý thức mạnh mẽ về giá trị của cơ thể và quyền tự quyết của mình đối với cơ thể. Trong những trường hợp này, trẻ biết rõ ai là người chúng muốn thân thiết và biết cách nói “không” khi cảm thấy không ổn.

Ở độ tuổi từ 7 đến 9, trẻ nhận thức được các mối quan hệ thân mật, thường là thông qua anh chị em, bạn bè hoặc qua các phương tiện truyền thông, nếu người làm cha mẹ như chúng ta không chủ động đề cập đến vấn đề đó.

Trẻ trong độ tuổi này thường tò mò về cơ thể và sự thay đổi của nó tại sao chúng lại trông như thế, sự khác nhau giữa các giới tính là gì và liệu cơ thể của trẻ có đang phát triển bình thường không.

Bằng việc trang bị sớm những thông tin phù hợp với lứa tuổi, người lớn có cơ hội mang đến cho trẻ một cái nhìn lành mạnh về cơ thể và tình dục. Trẻ có thể đã bắt đầu nói về các mối quan hệ thân mật ở trường hoặc có thể đã nhìn thấy cha mẹ hôn nhau.

Những tình huống này làm nảy sinh sự tò mò và chính là cơ hội để người lớn giải thích với trẻ rằng sự thân mật, gần gũi là một điều tích cực khi nó xảy ra giữa hai người yêu thương nhau.

Khi bạn nói chuyện với trẻ về các mối quan hệ thân mật, với tư cách là người trưởng thành, bạn có thể giải thích thế nào là hành vi không phù hợp.

Nếu ai đó nhìn hay chạm vào những phần cơ thể riêng tư của trẻ hoặc họ muốn trẻ nhìn vào hoặc chạm vào họ trong khi trẻ không muốn hoặc không hiểu ý nghĩa của hành vi đó, thì đó là hành vi sai trái và bị cấm.

Hãy cho trẻ biết rằng đó là hành vi không bình thường nhưng trên thực tế nó có thể xảy ra. Bạn cần giải thích cho trẻ rằng tất cả người lớn đều biết rằng họ không được phép làm như vậy.

+ Giúp trẻ tìm ra một hình mẫu lành mạnh và hài hòa về cơ thể và về các mối quan hệ thân mật. Bổ sung thêm kiến thức và quan điểm của bạn để hoàn thiện hơn bức tranh về xã hội mà trẻ nhận được thông qua các kênh khác nhau như các phương tiện truyền thông và anh chị em lớn tuổi hơn.

+ Hãy nói rõ với trẻ sự thân mật là điều tích cực và đáng quý nhưng cũng phải giải thích về những điều sai trái và cấm kỵ.

+ Giải thích với trẻ rằng trẻ luôn luôn có thể kể lại những chuyện mà trẻ đã trải qua và việc tâm sự với ai hoàn toàn là quyền của trẻ.

+ Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra cách thức phù hợp để bắt đầu chủ đề, hãy nắm lấy cơ hội khi vấn đề được đề cập trên truyền thông.

3. Trẻ vị thành niên

Trong những năm gần đây, thế giới và hệ thống tư pháp phải đối mặt với thực trạng quấy rối và tấn công tình dục xảy ra giữa những trẻ đồng trang lứa cũng như giữa người lớn và trẻ em.

Trước đây, những sự cố như vậy không được xem là xâm hại tình dục thực sự mà là ”vấn đề tuổi vị thành niên”. Điều không may là, nhiều thanh thiếu niên là nhân chứng, hoặc là nạn nhân của quấy rối tình dục hoặc hiếp dâm mà người gây ra chính là những trẻ vị thành niên cùng trang lứa.

Những việc này có thể xảy ra ở trường học, trên môi trường mạng và trong các bối cảnh xã hội khác, nơi thanh niên thường tụ tập với nhau. Bạn cần cho trẻ vị thành niên biết rằng bạn ý thức được vấn đề.

Hãy tìm hiểu nhiều hơn và cố gắng cập nhật thông tin kịp thời. Ví dụ, khi bạn nói với trẻ rằng bạn đã từng nghe về xâm hại và bạo lực tình dục trong cộng đồng, khu dân cư và trên mạng, bạn đã ra tín hiệu để trẻ biết rằng bạn quan tâm đến điều này và trẻ có thể thoải mái nói chuyện về chủ đề này với bạn.

+ Thể hiện rằng bạn hiểu, quan tâm và luôn cố gắng trao đổi thường yên với trẻ về mọi vấn đề trong đời sống.

+ Giải thích rằng sự thân mật và quan hệ tình dục là điều bình thường và thú vị nhưng nó cũng có thể nảy sinh nhiều vấn đề, phức tạp và thậm chí là phạm pháp.

+ Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra cơ hội phù hợp để trao đổi về chủ đề này, hãy liên hệ tới một sự việc mà bạn đã từng xem ở đâu đó, trên các phương tiện truyền thông chẳng hạn. Trao đổi suy nghĩ của bạn một cách cởi mở.

+ Nhắc nhở trẻ vị thành niên: KHÔNG LÀ KHÔNG. Hãy thể hiện bạn luôn sẵn lòng và vui vẻ khi nói chuyện chứ không ép buộc hay tạo áp lực cho trẻ. Tôn trọng khi trẻ không sẵn sàng trả lời các câu hỏi.

+ Đừng bỏ cuộc nếu trẻ không trả lời bạn lần đầu. Hãy thử lại lần nữa!

4. Trẻ và Internet

Internet mang đến những giải pháp hữu ích giúp trẻ em và thanh thiếu niên có thể giao tiếp, kết bạn và học hỏi lẫn nhau. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết, Internet cũng có những mối nguy hại. Người lớn nên theo dõi các hoạt động trực tuyến của trẻ, không nên kiểm soát quá nhiều, tránh gây cảm giác khó khăn và bị xúc phạm ở trẻ.

Ở bất kỳ độ tuổi nào của trẻ, bước đầu tiên bạn có thể làm là quan tâm đến những gì trẻ xem trên mạng - những diễn đàn trẻ sử dụng và các trò chơi mà trẻ thích. Sau đó, bạn có thể đưa ra một số lời khuyên chung.

Bạn chỉ nên tạo thói quen hỏi về những sự việc diễn ra khi con lên mạng, giống như hỏi về ngày đi học ở trường của con. Con đã nói chuyện với ai? Có gì vui không? Có chuyện gì xấu xảy ra không?

Nếu bạn lo lắng về môi trường mạng và con mình, thay vì bắt đầu theo dõi các cuộc trò chuyện hoặc hoạt động trên Facebook của con, bạn có thể đưa ra những mẩu tin tức, câu chuyện, hoặc sự việc liên quan đến các sự cố trên môi trường mạng. Tận dụng cơ hội đó để hỏi xem trẻ cảm thấy thế nào và trẻ đang làm thế nào với thế giới trên mạng của mình.

5. Nếu bạn lo lắng

Nếu cha mẹ hoặc người lớn cảm thấy lo lắng có điều gì đó đã xảy ra với trẻ, ví dụ trẻ là nạn nhân của bạo lực, hoặc trong trường hợp xấu nhất, bị xâm hại; cảm giác lo lắng có thể lấn át tất cả. Chúng ta cần biết và tránh những sai lầm phổ biến sau đây:

Một vấn đề chung đối với người lớn khi lo lắng hay sợ hãi là che đậy sự việc và quyết định phản ứng thái quá, mặc dù sự việc có thể không tệ như vậy.

Nếu chúng ta phản ứng theo cách này, trẻ có thể cảm thấy vấn đề đó không nên nói ra. Khi đó nếu trẻ có những câu chuyện về bạo lực, bắt nạt hay những vấn đề khác, chúng có thể sẽ không chia sẻ với ai mà sẽ giữ bí mật cho riêng mình.

Một sai lầm khác là chúng ta thường vào vai ”cảnh sát”. Chúng ta thẩm vấn đứa trẻ hoặc người khác, chúng ta đặt ra những câu hỏi có tính dẫn dắt.

Chúng ta đọc tin nhắn, nhật ký của trẻ và lục lọi máy tính của chúng. Khi hành động theo cách này, chúng ta báo hiệu cho trẻ biết rằng có điều gì đó thực sự tồi tệ đã xảy ra và điều này khiến trẻ sợ hãi đến mức không muốn nói thêm điều gì.

Các câu hỏi thẩm vấn của chúng ta cũng có thể làm phức tạp hóa công việc của các cơ quan điều tra như cảnh sát hay các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội.

+ Nếu bạn lo ngại có điều gì đó không hay đã và đang xảy ra với trẻ hãy thận trọng với cách bạn phản ứng. Đừng che đậy, cũng đừng sắm vai “cảnh sát”.

+ Khi bạn nêu vấn đề với trẻ - hãy đặt câu chuyện trong sự việc hoặc tình huống cụ thể khiến bạn lo lắng.

+ Tránh gây áp lực cho trẻ để tìm câu trả lời thay vào đó hãy cho trẻ biết bạn luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng thời luôn có những người lớn sẵn sàng lắng nghe và trò chuyện cùng trẻ (như bố mẹ, thầy cô hay người làm công tác xã hội).

BẠO LỰC VÀ XÂM HẠI TÌNH DỤC

Bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi mang tính chất tình dục mà trẻ bị người khác ép buộc. Đó là quá trình một người trưởng thành hoặc trẻ lớn tuổi hơn lợi dụng sự phụ thuộc của

trẻ nhỏ để thực hiện các hành vi mà trẻ chưa hiểu được ý nghĩa của nó và chưa sẵn sàng. Trẻ đồng ý do thiếu hiểu biết và khi đó, trẻ đã bị xâm hại. Các hành vi xâm hại có thể dưới dạng xâm hại thể chất hoặc tinh thần.

Theo PNNews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.