Hàn Quốc săn “tin tặc tốt”

Triều Tiên dù là một quốc gia khép kín và hạn chế người dân tiếp cận Internet nhưng lại sở hữu một “đội quân tấn công mạng” đáng gờm

Các thí sinh tham gia cuộc tranh tài của tin tặc mũ trắng do Cơ quan Tình báo quốc gia và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức Ảnh: THE WASHINGTON POST
Các thí sinh tham gia cuộc tranh tài của tin tặc mũ trắng do Cơ quan Tình báo quốc gia và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tổ chức Ảnh: THE WASHINGTON POST

Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm nhân tài máy tính để giúp nước này đối phó với các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Thế hệ mê máy tính

Cơ quan Tình báo quốc gia và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào tuần trước đã tổ chức cuộc thi tìm kiếm người tài để tăng cường đội ngũ an ninh mạng nhằm đối phó các vụ xâm nhập máy tính từ bên ngoài. 

Ngoài phần thưởng tiền mặt trị giá 60.000 USD, những người chiến thắng còn có cơ hội gia nhập lực lượng tình báo hoặc an ninh, làm việc tại các trung tâm an ninh mạng của đất nước.

Tại trận chung kết diễn ra ngày 21-10, 16 đội phải ứng phó với những phần mềm độc hại tìm cách xâm nhập mạng máy tính công ty và chính phủ. 

Kịch bản tấn công được dựa trên những gì xảy ra ngoài đời thực ở Hàn Quốc những năm gần đây. Thí sinh Lee Kyung-won, một học sinh trung học 16 tuổi đến từ TP Suwon ở phía Nam Seoul, hào hứng cho biết: 

“Cháu đang nỗ lực bảo vệ hệ thống máy tính trong nước trước một vụ tấn công trên mạng từ Triều Tiên”. Phấn khích không kém, Kim Yong-jin - học sinh trung học 17 tuổi, nói với báo The Washington Post: “Mọi thứ đều mới mẻ và rất thú vị”.

Thiếu niên họ Kim nói trên tiêu biểu cho một thế hệ đang bỏ ra nhiều giờ ngồi trước máy tính mỗi ngày. Ngay từ tiểu học, cậu ta đã mê mẩn công nghệ thông tin và bắt đầu học lập trình khi lên lớp 6. 

Giờ đây, Kim bỏ ra 8 giờ/ngày để sử dụng máy tính, đồng thời thừa nhận có tiến hành các vụ tấn công trên mạng nhưng chủ yếu để châm chọc bạn bè.

Căng thẳng vì tin tặc

Hàn Quốc là quốc gia có mạng internet nhanh nhất và tỉ lệ người sử dụng băng thông rộng cao nhất thế giới, đồng thời nổi tiếng với sức mạnh công nghệ của mình. 

Trong khi đó, Triều Tiên dù là một quốc gia khép kín và hạn chế người dân tiếp cận internet nhưng lại sở hữu một “đội quân tấn công mạng” đáng gờm. 

Vì thế, Seoul tin rằng cần tăng cường đào tạo tin tặc tốt (tin tặc mũ trắng) để bảo vệ các mạng máy tính quan trọng của đất nước trước mối đe dọa của nước láng giềng.

Seoul lâu nay cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau một loạt cuộc tấn công nhằm vào mạng máy tính của các ngân hàng, đài truyền hình, công ty vận hành các nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc nhiều năm qua. 

Trong tháng này, Triều Tiên tiếp tục bị tố tìm cách xâm nhập hệ thống máy tính tại phủ tổng thống và văn phòng các nghị sĩ ở Hàn Quốc. 

Ngoài vấn đề tin tặc, quan hệ liên Triều còn căng thẳng bởi những cuộc đụng độ trên biển, mới đây nhất là vụ tàu Hàn Quốc bắn 5 phát đạn cảnh cáo về phía tàu tuần tiễu của Triều Tiên do đi vào hải phận của Seoul hôm 24/10. 

Bình Nhưỡng chỉ trích đó là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng. Điều đáng nói là vụ việc trên xảy ra giữa lúc các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bắt đầu tham gia vòng thứ 2 của cuộc đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang ở Triều Tiên từ ngày 24 - 26/10.

Theo nld.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.