Đổi mới thi cử - Điểm nhấn quan trọng trong năm học 2013-2014

GD&TĐ - "Công tác đổi mới kỳ thi đã tạo được điểm nhấn, dấu ấn quan trọng tạo được niềm tin trong các tầng lớp nhân dân khi toàn ngành GD&ĐT cả nước triển khai Nghị quyết số 29".

Đổi mới thi cử - Điểm nhấn quan trọng trong năm học 2013-2014

Đó là khẳng định của TS Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại.

GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng
 GĐ Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng

Bà có ấn tượng như thế nào về năm học đầu tiên ngành thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?

- Nghị quyết 29 của BCH T.Ư Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT đã có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp GD-ĐT của đất nước. 

GD-ĐT được coi là quốc sách hàng đầu, là mục tiêu được quan tâm được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để giáo dục các địa phương cũng như của đất nước phát huy các kết quả đạt được để chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.

Nghị quyết đã tạo bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trong ngành GD-ĐT phải cố gắng phấn đấu vươn lên để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT hiện nay.

Có thể nói dấu ấn quan trọng nhất trong năm đầu tiên toàn ngành thực hiện đổi mới theo Nghị quyết số 29 đó là ngành đã thực hiện đổi mới công tác thi cử.

Công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2013 - 2014 từ việc học sinh phải thi 6 môn như những năm trước đây nay chỉ thi 4 môn trong đó có 2 môn học sinh tự chọn; phối hợp sử dụng kết quả học tập của học sinh năm lớp 12 với trọng số 50 % và kết quả thi 4 môn với trọng số 50% để xét thi tốt nghiệp; đề thi tăng cường sử dụng câu hỏi mở đã tạo điều kiện cho học sinh phát huy hết khả năng, năng lực của mình và hạn chế những tiêu cực trong thi cử...

Tỉnh Thanh Hóa đã có những chuẩn bị như thế nào cho năm học mới 2014 – 2015?

- Để triển khai Nghị quyết 29 và chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Chương trình hành động để triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.

Sở đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành ở địa phương để rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp các cấp học từ mầm non, phổ thông; Tích cực đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao đạo đức nhà giáo để đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay; Có thể nói đây là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của sự phát triển GD-ĐT.

Một công tác nữa được GD-ĐT Thanh Hóa coi trọng chỉ đạo thực hiện cho năm học mới là tập trung đẩy mạnh đổi mới công tác quản lý giáo dục; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kỉ cương, nền nếp trong dạy và học, các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội như dạy thêm, học thêm, thu không đúng quy định...

Giải quyết được các vấn đề trọng tâm này mới mong đạt hiệu quả cao trong chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ năm học, nhất là hiện nay toàn ngành đang đổi mới theo Nghị quyết số 29.

Trước thềm năm học bà có nguyện vọng gì đề xuất gì với Chính phủ, với các Bộ, ngành T.Ư?

- Tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tập trung kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Giáo dục. Bởi hiện nay số phòng học nhờ, tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp tại các địa phương còn rất lớn. Đối với Thanh Hóa, còn khoảng 30% các phòng học xuống cấp, phòng học tạm chưa đủ đảm bảo các điều kiện dạy và học.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện thống nhất Nghị định 115 quy định chức năng nhiệm vụ, các bộ máy của các Sở GD&ĐT và các Phòng. Nhiều năm qua, các địa phương đã đề nghị rất nhiều lần về vấn đề này. Thông tư 47 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện lại chưa đúng tinh thần Nghị định. Do vậy giáo dục vẫn chưa được giao quyền tự chủ về nhân sự, tài chính để giúp cho ngành có thể phát triển.

Đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung một số chính sách về lương, phụ cấp thâm niên và một số chế phụ cấp, chế độ ưu đãi cho giáo viên phù hợp với các vùng, miền và tính chất công việc;

Bộ tham mưu với Chính phủ có chính sách thu hút những học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm để trong tương lai ngành giáo dục có được đội ngũ giáo viên giỏi. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy bay chiến đấu F-16C của Không quân Singapore. (Ảnh: Singapore Airshow 2022)

Tiêm kích F-16 rơi

GD&TĐ - Một chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Singapore (RSAF) rơi tại căn cứ không quân Tengah ngay sau khi cất cánh ngày 8/5.