Giải quyết điểm yếu từ gốc

Giải quyết điểm yếu từ gốc

(GD&TĐ) - Mục tiêu quan trọng nhất của bộ môn Phương pháp trong các trường sư phạm là giúp sinh viên vận dụng kiến thức được học trong nhà trường vào quá trình dạy học cho học sinh các cấp. Vì thế, nếu cho rằng đổi mới phương pháp phải bắt đầu trước tiên ở các trường đào tạo sư phạm, thì bộ môn đầu tiên cần nói đến chính là Phương pháp.

Thế nhưng, không ít giáo viên than phiền rằng, trong trường sư phạm, họ không được trang bị đủ những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đứng trên bục giảng ngay sau khi ra trường. Những người trong cuộc cũng phải thừa nhận, để bộ môn Phương pháp thực sự phát huy đúng và tốt nhất vai trò của nó còn không ít khó khăn.  

Xa rời trường phổ thông

Phải tạo ra cơ chế gắn bó giữa trường sư phạm và trường phổ thông Ảnh: T.Thanh
Phải tạo ra cơ chế gắn bó giữa trường sư phạm và trường phổ thông Ảnh: T.Thanh
 

Nhận định sau Chỉ thị số 15 về đổi mới phương pháp dạy học của Bộ GD&ĐT, việc dạy học trong các trường sư phạm đã phát huy một phần vai trò chủ động, tích cực của sinh viên, làm cho người thầy cũng phải có những tìm tòi theo hướng tổ chức các hoạt động dạy học tương tác giữa thầy và trò, nhưng TS Nguyễn Văn Bản – Phó Hiệu trưởng ĐH Đồng Tháp cũng bày tỏ không ít băn khoăn.

Băn khoăn lớn nhất, theo TS Nguyễn Văn Bản, đó là điều kiện để giảng viên tiếp cận với những phương pháp dạy học tiên tiến ở nước ngoài còn hạn chế; điều này chủ yếu do các giảng viên yếu kém về trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các trường sư phạm hiện nay chưa thực sự làm tốt việc tổ chức hoạt động dạy học gắn liền với phương pháp để tăng cường năng lực cho sinh viên, cụ thể là hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và thực tập tốt nghiệp. 

“Nhìn chung, giảng viên Phương pháp hiện nay ít đi xuống các cơ sở giáo dục để trực tiếp làm việc với học sinh, giáo viên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có lý do giảng viên phải giảng dạy nhiều. Vì ít có thời gian để xuống cơ sở giáo dục trao đổi, quan sát nên nhiều khi phương pháp truyền đạt cho sinh viên không phù hợp với những điều kiện thực tiễn giáo dục phổ thông đang triển khai. Nói khác đi, mối quan hệ giữa sư phạm và phổ thông không được gắn bó.” - TS Nguyễn Văn Bản nhận định.

TS Nguyễn Văn Bản cho biết thêm, để tạo điều kiện cho bộ môn Phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường ĐH Đồng Tháp đã phải rất vất vả để tổ chức cho sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên và tổ chức thực tập. Riêng rèn luyện sư phạm thường xuyên, nhà trường tổ chức nhiều hình thức linh hoạt. Bên cạnh thực hiện thường xuyên tại trường cho sinh viên quan sát thực tiễn thông qua băng ghi hình, quan trọng nhất, nhà trường đã tổ chức được mạng lưới các trường liên kết để sinh viên xuống dự giờ, quan sát hoạt động của học sinh và được các giáo viên phổ thông hướng dẫn kỹ năng nghề. Đây chính là cách để khắc phục nhược điểm của nhiều giảng viên phương pháp hiện nay do những điều kiện khác nhau chưa gắn bó với giáo dục phổ thông. 

Bộ môn Phương pháp cần được quan tâm

Sinh viên sư phạm cần được tiếp cận với phương pháp dạy học mới ngay từ trong trường đại học Ảnh: T.Thanh
Sinh viên sư phạm cần được tiếp cận với phương pháp dạy học mới ngay từ trong trường đại học Ảnh: T.Thanh

Để tăng cường sức mạnh đội ngũ giảng viên phương pháp, trước hết phải tạo ra cơ chế gắn bó giữa trường sư phạm và trường phổ thông. Điều này không mới và cũng được quan tâm rất nhiều nhưng có điều hay bị lãng quên. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ này bằng cách tổ chức tập huấn thường xuyên về đổi mới phương pháp, gắn liền với việc đổi mới thực hiện chương trình, sách giáo khoa. Để thực hiện được điều này, ngoài các trường chủ động, cần sự phối hợp có tính hệ thống từ các cục, vụ chức năng của Bộ GD&ĐT với các trường đào tạo sư phạm.

Để tạo cho bộ môn Phương pháp một chỗ đứng, vị trí xứng đáng trong trường sư phạm hiện nay, hầu hết các ý kiến đều đồng tình với việc nhà trường cần quan tâm đầu tư thêm cho bộ môn Phương pháp cả về bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, cả các trang thiết bị gắn liền với công tác giảng dạy. 

“Muốn tăng cường năng lực sư phạm cho giáo viên, giảm bớt việc thầy trò phải xuống trường phổ thông, trường sư phạm có thể thiết kế những phòng học bộ môn có kết nối với các trường phổ thông qua hệ thống mạng, có hệ thống camera đặt sẵn ở đó. Nhà trường sẽ lựa chọn giờ dạy của những giáo viên giỏi, nhờ đường truyền, cho học sinh quan sát giờ dạy qua màn hình. Những tiết học này cũng có thể được ghi ra đĩa để làm tư liệu cho sinh viên tham khảo mỗi khi cần đến. Đó cũng là một cách đầu tư để hạn chế một số điểm yếu của bộ môn Phương pháp hiện nay, từ đó tăng cường vị trí của bộ môn này trong các trường đào tạo sư phạm.” – TS  Nguyễn Văn Bản gợi ý.

Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ