Để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở GTVT TP Cần Thơ có công văn hướng dẫn đối với hoạt động bến khách ngang sông. Theo đó, các bến khách ngang sông vẫn được phép hoạt động để phục vụ người công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Khi hoạt động trở lại các bến phà, đò phải có pano tuyên truyền phòng, chống dịch, đồng thời phải quy định rõ đối tượng được phép chở. Đò, phà phải kẻ vạch, phân ô trên phương tiện và đường dẫn xuống bến. Hành khách, nhân viên phục vụ bến phải rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, phương tiện phải khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn sau khi chuyên chở.
Theo ông Huỳnh Văn Thôn - chủ bến phà Vàm Xáng (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), hiện hoạt động của bến phà chủ yếu hỗ trợ người dân bên sông qua lại để mua nhu yếu phẩm, khám chữa bệnh…
Mỗi ngày ông thiệt hại hơn 1 triệu đồng, do lượng khách qua lại ít và giãn cách tiếp xúc 2m mà chi phí tàu, nhân công khá cao. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân, ông cố gắng duy trì hoạt động giúp đỡ người dân nơi đây, chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi.
Trước đó, việc tạm dừng tất cả các bến đò phà đưa khách sang sông trên địa bàn TP Cần Thơ trong 15 ngày (kể từ ngày 1/4) đã khiến việc đi lại của nhiều người dân gặp khó khăn.
Trước tình hình trên, UBND các huyện Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh đã kiến nghị UBND TP Cần Thơ cùng Sở GTVT xem xét cho hoạt động trở lại ở một số bến trọng yếu, có nhu cầu đi lại như: Bến Vàm Xáng (huyện Phong Điền); bến Vàm Nhon, bến Trường cấp 3, bến Công Điền, bến cầu Đông Pháp (huyện Thới Lai); bến số 2, bến số 10, bến Láng Sen (huyện Vĩnh Thạnh)…
Sau khi khảo sát thực tế, Sở GTVT TP Cần Thơ đã ký văn bản thống nhất cho các bến trên hoạt động trở lại, nhằm phục vụ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, người dân đi khám chữa bệnh, chở bệnh nhân đi cấp cứu… Tuy nhiên các bến phà phải tuân thủ nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Sau đây là hình ảnh hoạt động một số bến phà ở TP Cần Thơ: