Thành công ban đầu này, theo chia sẻ của cô Nguyễn Bội Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, bên cạnh điều kiện thuận lợi khách quan là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ lãnh đạo và đặc biệt là đội ngũ giáo viên nhà trường.
Những khó khăn ban đầu
Để thực hiện thành công Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, cũng như nhiều trường khác, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho biết, Trường THPT Việt Đức không tránh khỏi những khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trình độ học sinh.
Thực tế cho thấy, trước đây học sinh chỉ thi viết, giáo viên chỉ truyền thụ kiến thức một chiều nặng về giảng giải ngữ pháp, ít giao tiếp với học sinh trong các giờ học.
Do đó kỹ năng nghe, nói của giáo viên chưa tốt, học sinh thì thụ động khi lĩnh hội kiến thức vì thế mà các em thường thấy xấu hổ, e ngại và sợ khi phải sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thực tế.
Bên cạnh đó, sĩ số học sinh trên một lớp đông nên giáo viên khó tổ chức các hoạt động trong giờ học.
Mặt khác, trình độ học sinh trong một lớp học và giữa các ban với nhau không đồng đều nên giáo viên rất khó tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại.
Chưa kể, cơ sở vật chất chưa động bộ, do vậy chưa thích ứng được với dạy tổng hợp 4 kỹ năng: Nghe - Nói - Đọc - Viết trong giờ học. Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên còn hạn chế.
Tất cả những yếu tố đó, theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức giảng dạy trong nhà trường theo Đề án Ngoại ngữ 2020 mà Bộ GD&ĐT đang triển khai.
Mềm dẻo nhưng kiên quyết
Một trong những vấn đề khiến lãnh đạo các trường đau đáu là năng lực đội ngũ. Nhưng ngay cả vấn đề cử giáo viên đi tập huấn nâng cao trình độ cũng không ít khó khăn bởi thường giáo viên thiếu hào hứng do áp lực học, áp lực phải thi đỗ…
Các nguồn học liệu để giáo viên soạn giáo án tương đối phong phú. Chúng ta có thể lấy ở trên các phương tiện như: Sách báo, tạp chí, các chương trình trên truyền hình, kết hợp với sách giáo khoa sau đó giáo viên biên tập lại để phù hợp với nội dung đơn vị bài học.
Ngoài ra, chúng ta có thể lấy các nguồn học liệu từ trên mạng nước ngoài đề làm phong phú thêm hệ thống bài tập và câu hỏi phục vụ cho công tác giảng dạy.
Quan trọng là giáo viên cần chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp về nội dung giảng dạy những bài tập cần bổ trợ cho học sinh.
Thừa nhận trường mình cũng không ngoại lệ, cô Nguyễn Bội Quỳnh cho rằng, giải quyết vấn đề này, Ban giám hiệu phải là người động viên, thấu hiểu để quan tâm và chia sẻ, trợ giúp các cô giáo.
Song, cũng phải kiên quyết trong việc yêu cầu giáo viên nâng cao trình độ vì đó không chỉ là yêu cầu của việc mà còn là lòng tự trọng nghề nghiệp và nhu cầu thực tiễn trong thời kỳ hội nhập.
“Quan trọng là giáo viên phải xác định được tầm quan trọng và quyết tâm vượt qua tất cả. Nên nhớ, giáo viên mà để học sinh “cười” còn nguy hiểm hơn là đồng nghiệp cười” - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức chia sẻ.
Cũng liên quan đến vấn đề tập huấn, cô Nguyễn Bội Quỳnh nhắn nhủ đến các giáo viên yên tâm tham gia nâng cao trình độ, đừng quá hoang mang và lo lắng trước những tin thất thiệt như phải đóng tiền “chống trượt”, hoặc có thể dùng tiển đề mua bằng đạt chuẩn…
“Bộ GD&ĐT đã quy định rất rõ ràng những đơn vị được phép đào tạo chứng chỉ tiếng Anh cho giáo viên. Đó là: Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Hà Nội.
Ngoài ra, giáo viên có thể tự thi lấy chứng chỉ tại Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm ngoại ngữ IDP” - cô Quỳnh cho hay.
Tiếp tục nâng cao trình độ cho giáo viên, cô Nguyễn Bội Quỳnh bày tỏ mong muốn giáo viên có thể chủ động được dự giờ, giao lưu học hỏi với các trường khác; đồng thời cho giáo viên được tham dự các giờ dạy trực tuyến giữa các trường trong thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Song do điều kiện thực tế, đến nay giáo viên của nhà trường vẫn chưa thực hiện được điều này.
“Hiện tại, nhà trường mới tổ chức cho giáo viên trong trường dự giờ của nhau, chọn những kỹ năng tiêu biểu phù hợp với từng giáo viên để giảng mẫu và thực hiện nội dung mà Bộ GD&ĐT đưa ra là tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học” - cô Quỳnh chia sẻ.
Khi thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, các nhà trường đều quan tâm đến các thủ tục hành chính và cơ sở pháp lý. Chị Bội Quỳnh có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai này cho chúng tôi?
Đổi mới phương pháp và các yếu tố đồng bộ
Đề cập đến vấn đề phương pháp giảng dạy, Phó hiệu trưởng Nguyễn Bội Quỳnh cho hay: Việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy, thay đổi nội dung chương trình phù hợp với nhà trường không có gì là khó vì hiện nay đã có công văn hướng dẫn 791 ngày 25/6/2013 của Bộ GD&ĐT về thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông.
Để thực hiện hiệu quả Đề án Ngoại ngữ 2020, nhà trường cần huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau để phát triển đội ngũ, trong đó yếu tố tiên quyết đó là mỗi bản thân giáo viên phải tự đóng góp vào việc trau dồi kiến thức của mình.
Ngoài ra, nhà trường còn nhờ các tổ chức nước ngoài đến bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy và các kỹ năng cần thiết.
Giáo viên có thể biên tập lại nội dung đơn vị bài học phù hợp với trình độ học sinh của từng lớp, từng ban.
Cụ thể: Với học sinh có trình độ yếu về kỹ năng giao tiếp thì giáo viên có thể bổ trợ thêm các dạng bài tập nghe và các hoạt động nói theo chủ điểm để tăng cường kỹ năng cho học sinh
Với học sinh có trình độ yếu về đọc, viết thì giáo viên cung cấp thêm các dạng bài tập, các bài khóa để học sinh thực hành.
Tuy nhiên, việc đưa được phương pháp giáo dục mới trong dạy học ngoại ngữ cần có yếu tố đồng bộ, trong đó có yếu tố về cơ sở vật chất.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ: Với Trường THPT Việt Đức, ngoài được sự hỗ trợ của Sở GD&ĐT Hà Nội trang bị cho một phòng học ngoại ngữ, chúng tôi còn mở rộng thiết kế thêm 4 phòng để đáp ứng yêu cầu dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường.
Đối với những lớp ngoại ngữ đặc thù như: Lớp song ngữ Anh – Đức, lớp tiếng Nhật nhờ xã hội hóa của tổ chức ZFA của Đức, công ty xi măng Nghi Sơn của Nhật Bản và phụ huynh học sinh đã cung cấp thêm trang thiết bị phòng học.
Thực tế cho thấy ranh giới giữa lạm thu và xã hội hóa trong giáo dục rất mong manh. Vì vậy mà nhà trường phải định hướng rất rõ ràng để tránh đầu tư không đúng mục đích.
Để thực hiện đúng nguyên tắc này, nhà trường có thành lập Ban kiểm tra, giám sát từ khâu mua sắm đến quá trình sử dụng.
“Tôi nghĩ rằng, tất cả mọi việc đều minh bạch thì không có gì là khó” - cô Quỳnh thẳng thắn khẳng định.
Chia sẻ khó khăn khi sĩ số học sinh trên lớp đông, rất khó tổ chức các hoạt động trong giờ dạy, đặc biệt là trong giờ thực hành nói, cô Quỳnh chỉ ra cách khắc phục:
Giáo viên phải chọn những học sinh ưu tú nhất trong lớp để học trở thành key student trong lớp học. Những học sinh này sẽ giúp giáo viên hướng dẫn cho các bạn khi tổ chức lớp học theo nhóm.
Trong những hoạt động giao tiếp, giáo viên sẽ hướng dẫn cho những học sinh này tự thiết kế hoạt động theo nội dung bài học để các em có thể giao tiếp giữa các bạn trong nhóm hoặc giữa các nhóm khác nhau, giáo viên chỉ là người điều hành và kiểm soát hoạt động của các em.
Phải xác định rõ mục tiêu môn học
Trả lời câu hỏi: Làm sao để học sinh tích cực học tăng cường tiếng Anh; làm thế nào để thu hút sự đồng lòng, đoàn kết trong nội bộ trường và phụ huynh cũng như tổ chức lớp học cho các học sinh cho hiệu quả?
Thực tế cho thấy chương trình sách khoa thí điểm và chương trình sách giáo khoa hiện nay đã phân chia rất rõ ràng 4 kỹ năng trong một đơn vị bài học. Vì vậy các em học sinh đều phải học cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc- Viết.
Quan trọng ở đây là giáo viên phải đổi mới cách kiểm tra và đánh giá phù hợp với trình độ và năng lực của học sinh mức độ yêu cầu đối với học sinh của các ban có khác nhau.
Vì vậy hiệu trưởng cần phân công giáo viên giảng dạy một cách hợp lý dựa vào năng lực, trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên ấy. Ví dụ: Giáo viên dạy ban A, B khác với giáo viên dạy ban D.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh cho rằng: Nhà trường phải xác định rõ mục tiêu của môn học, và thấy rõ được tầm quan trọng của tiếng Anh.
Bản thân mỗi em học sinh đều nhận thức được tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, là ngôn ngữ để hội nhập với thế giới và giúp các em trở thành công dân toàn cầu.
Với ý nghĩa như vậy, cha mẹ học sinh sẵn sàng chia sẻ ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để cho các em có được môi trường học tiếng Anh tốt.
Để đạt được điều này, trong các buổi họp phụ huynh, Ban Giám hiệu nhà trường đều thông báo chia sẻ những điều cần biết về Đề án Ngoại ngữ 2020, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án và những quyền lợi của học sinh được hưởng khi tham gia học theo Đề án.
Thực tế ở trường THPT Việt Đức cho thấy, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án giảng dạy với chương trình bộ sách giáo khoa thí điểm môn tiếng Anh, các em học sinh đã tự tin trong giao tiếp, sẵn sàng chia sẻ với người thân và gia đình những kiến thức mà mình đạt được.
Từ đó phụ huynh cảm thấy yên tâm, luôn động viên con em mình trao dồi kiến thức để vượt qua được những kỳ thi kiểm tra.
“Đề án này đã được toàn bộ giáo viên trong trường tiếp nhận một cách tích cực. Các giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp rất hiệu quả với giáo viên tiếng Anh đề triển khai Đề án trong lớp mình.
Tôi cho rằng đây là một trong những yếu tố rất quan trọng quyết định sự thành công khi triển khai dạy tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ 2020” – cô Nguyễn Bội Quỳnh khẳng định.
Không chỉ học theo chương trình, cô Bội Quỳnh cho biết, Trường THPT Việt Đức còn tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Có thể kể đến: Câu lạc bộ tiếng Anh 1 tháng sinh hoạt một lần, thi hùng biện tiếng Anh cho các em học sinh toàn trường được tổ chức hàng năm với 3 vòng tuyển chọn.
Ngoài ra, có tổ chức các lễ hội Noel, Halowen. Trong các hoạt động này bắt buộc học sinh phải sử dụng tiếng Anh trrong giao tiếp.
Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức đại diện các trường học của nước ngoài đến nói chuyện với học sinh. Qua đó các em được giao tiếp với người bản xứ và được đặt những câu hỏi với các đại diện; tạo cơ hội để học sinh luyện kỹ năng nghe - nói và rèn phản xạ nhanh cho bản thân.
Vai trò của các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán là rất quan trọng
Cô Nguyễn Bội Quỳnh khẳng định: Vai trò của Đại sứ quán trong thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 là hiệu quả.
Trường của chúng tôi được Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ rất nhiều, thông Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, như: Các trang thiết bị cho phòng học tiếng Đức, các học bổng cho học sinh đi học tiếng Đức tại nước này.
Quỹ hỗ trợ giao lưu Nhật Bản và Đại sứ quán Nhật cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc dạy Ngoại ngữ, họ cử giáo viên bản địa kết hợp cùng với giáo viên Việt Nam để tạo môi trường ngoại ngữ.
Ngoài ra chúng tôi còn kết hợp với các trung tâm ngoại ngữ quốc tế để tổ chức hoạt động ngoại khóa và cuộc thi hùng biện cho các em học sinh.
Nói như vậy để thấy được vai trò của các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán là rất quan trọng và góp phần không nhỏ vào việc triển khai tổ chức thực hiện Đề án Ngoại ngữ 2020 vào nhà trường.