(GD&TĐ) - Nói đến Phù Lưu người ta nghĩ ngay đến một vùng đất trù phú, sầm uất buôn bán thông thương nhiều đời nhưng lại rất hiếu học. Bằng chứng, đã có nhiều người đỗ đạt, khoa bảng nổi tiếng trong các dòng họ: Lê Thế Tướng, Lê Công Thần, Nguyễn Địch, Nguyễn Trọng.…Để vinh danh những người khoa bảng hoặc những người đỗ đạt cao, người Phù Lưu đã lập “Hương Hiền từ” ngay giữa đình làng. Và ở hai bên cổng làng người Phù Lưu cũng đặt đôi câu đối “Dĩ nhân tâm vi bản/Đạt tri thức do văn” để nhắc nhở con cháu phải chăm chỉ rèn đức, luyện tài vươn lên trong cuộc sống.
Truyền thống khoa bảng, hiếu học nổi tiếng...
Nói không ngoa, Phù Lưu chính là mảnh đất “địa linh nhân kiệt” không chỉ đóng khung trong địa giới Kinh Bắc mà đã lan truyền khắp nhiều vùng của cả nước. Đất Phù Lưu đời nào cũng có những người tài giỏi, đỗ đạt cao, làm rạng danh quê hương và đóng góp tài trí cho đất nước…
Ông Nguyễn Văn Mười, một nhà giáo nghỉ hưu rất say mê nghiên cứu và am hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương – cho chúng tôi biết những con số đầy kinh ngạc về số người đỗ đạt ở Phù Lưu. Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19, cả xã Tân Hồng (Từ Sơn, Bắc Ninh) có 28 người đỗ đạt cao thì Phù Lưu đã chiếm 23 người. Trong số 5 Tiến sĩ thì riêng làng Phù Lưu đã có 4 người.
Đình làng Phù Lưu có Hương hiền từ vinh danh các thế hệ cha ông, con cháu khoa bảng, đỗ đạt cao... |
Thời phong kiến, đất Phù Lưu đã sản sinh ra nhiều vị khoa bảng nổi tiếng như: Nguyễn Thừa Dụ, đỗ tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490); Chu Tam Dị đỗ tiến sĩ thời Mạc Đăng Dung (1529), ông là Hàn lâm đại học sĩ, án sát Nghệ An và Đốc đồng Tuyên Quang; Nguyễn Văn Giai, đỗ tiến sĩ năm 1580; Hoàng Văn Hòe đỗ tiến sĩ năm Tự Đức thứ 33, từng làm tri phủ rồi sung Sử quán tu biên, ông còn là một nhà thơ với những vần thơ đầy chí khí chống ngoại xâm; Nguyễn Thế Khanh đỗ Thám hoa năm Dương Hòa thứ 3 (1637), làm đến Bồi tụng hữu thị lang, tước bá; Nguyễn Đức Lân đỗ Phó bảng năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), chính ông là người viết 100 bài thơ vịnh hồ Phù Lưu quê nhà mà người đời quen gọi là “Loa Hồ bách vịnh” nổi tiếng…
Không chỉ dưới chế độ khoa cử phong kiến mà từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công cho đến hôm nay, làng Phù Lưu vẫn luôn sản sinh ra nhiều gương mặt sáng giá trong hầu hết các lĩnh vực. Đó là nhà văn Kim Lân, tác giả của “Làng”, “Vợ nhặt”, “Con chó xấu xí”; Nhà thơ Hoàng Hưng với “Đất nắng”, “Ngựa biển”, “Gửi anh”; Nhà văn, nhà báo Nguyễn Địch Dũng với “Hai vợ”, “Người ở nhà”, “Đoan ”; Họa sĩ Hoàng Tích Chù một trong những sinh viên đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương, xây dựng nên ngành sơn mài nghệ thuật nước ta, tác giả của những họa phẩm nổi tiếng: “Tổ đổi công miền núi”, “Nhịp điệu vũ trụ”, “Đuổi nghé”... , ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; Nhà quay phim - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Đăng Bẩy; Nhà biên kịch kiêm đạo diễn điện ảnh có uy tín Hoàng Tích Chỉ; Nhạc sĩ Hồ Bắc với những ca khúc đi cùng năm tháng: “Sài Gòn quật khởi”, “Bến cảng quê hương tôi”; Dịch giả Thúy Toàn; Họa sĩ Thành Chương; Giáo sư sử học Phạm Xuân Nam; Giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên; Giáo sư tiến sĩ toán học Hồ Bá Thuần; Bác sĩ Hoàng Thụy Ba; Trợ lý Tổng Bí thư - nhà báo Hồ Tiến Nghị, Nhà ngoại giao Hồ Huấn Nghiêm; Trung tướng Chu Duy Kính.
... Đến “Tiếng trống tự học” hôm nay
Về Phù Lưu, chúng tôi được biết một chi tiết thật thú vị về ý thức chăm lo đến sự học của người dân nơi đây, đó là “tiếng trống tự học”. Đã hơn chục năm nay, cứ vào lúc 19 giờ (mùa hè) và 19h30 (mùa đông) trên hệ thống loa truyền thanh lại vang lên: “Đã đến giờ tự học, đề nghị các bậc phụ huynh tắt ti vi để các cháu học sinh vào bàn học tập” đã nhắc nhở, khích lệ các em học sinh chuyên tâm học tập.
“Hiện, Phù Lưu có 5 giáo sư, 4 phó giáo sư, 28 tiến sỹ, hơn 100 thạc sỹ và hàng nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sỹ. Tiêu biểu là gia đình ông Thừa Am có 4 người con: 3 tiến sỹ và 1 đại tá; gia đình ông Chu Kế Thế có hoàn cảnh nghèo khó nhưng với nghị lực phấn đấu, ông đã làm thuê mọi việc từ đóng than đến khơi cống rãnh để nuôi 3 đứa con vào đại học...”. |
Phong trào khuyến học, khuyến tài ở Phù Lưu hiện nay đã trở thành điểm sáng của thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh). Tiếng trống tự học ở Phù Lưu do ông Nguyễn Văn Phác khởi xướng từ năm 1992 giờ đây như ngọn lửa thắp sáng truyền thống hiếu học cho bao thế hệ trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thái, Chi hội trưởng Chi hội khuyến học Phù Lưu cho biết: Năm 1995, Ban khuyến học thôn được thành lập với 6 thành viên do thầy giáo Lê Đức Thiện làm Trưởng ban. Năm 2000, Ban khuyến học đổi thành Chi hội Khuyến học Phù Lưu với nòng cốt là lực lượng cựu giáo chức. Chi hội đã vận động các gia đình tham gia đăng ký “gia đình hiếu học”, đồng thời đưa ra 5 tiêu chuẩn gia đình hiếu học và 3 tiêu chuẩn dòng họ hiếu học.
Đến nay, Chi hội khuyến học có 136 hội viên, 19 dòng họ khuyến học và 180 gia đình hiếu học. Hằng năm chi hội lấy ngày 14/6 làm truyền thống “toàn thôn xây dựng quỹ khuyến học”. Đến ngày đó, các gia đình, các dòng họ, các tổ liên gia, doanh nghiệp… trong thôn đều tự giác đến đình làng ủng hộ Quỹ khuyến học. Quỹ khuyến học của Phù Lưu luôn duy trì hơn 60 triệu đồng. Hàng năm tổ chức hội nghị bình chọn, khen thưởng từ 30 đến 40 gia đình có con học giỏi, đỗ đại học và hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Phù Lưu ngày càng phát triển có chiều sâu.
Nhóm người con Phù Lưu đang sinh sống tại Pháp đã tài trợ cho thôn mở lớp học ngoại ngữ buổi tối, mở thư viện. Họ là tấm gương cho thế hệ trẻ tiếp bước và góp sức xây dựng quê hương.
Rời Phù Lưu khi bóng chiều đã ngả trên con đường làng lát đá xanh mòn vẹt dấu thời gian, đó là dấu tích của một làng cổ giàu bản sắc văn hóa. Những viên đá xanh khổ rộng trên đường làng, ngõ xóm Phù Lưu đã chứng kiến biết bao đám rước vinh quy bái tổ, chứng kiến biết bao thế hệ người Phù Lưu sinh ra, lớn lên, học tập và vinh hiển bằng sự học. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, “tiếng trống tự học” quen thuộc lại vang lên – tiếng trống vọng vang, kết nối truyền thống xưa – nay, nhắc nhở con cháu Phù Lưu luôn nhớ truyền thống hiếu học và đỗ đạt của cha ông. Đi qua cổng làng, đôi câu đối “Dĩ nhân tâm vi bản / Đạt tri thức do văn” cứ ghim vào lòng chúng tôi...
CÁC DÒNG HỌ NỔI TIẾNG Ở PHÙ LƯU Ở Phù Lưu, các dòng họ làm công tác khuyến học đều rất hiệu quả. Trong đó có những dòng họ nổi tiếng đã sớm nhận biết được tầm quan trọng của công tác khuyến học trong việc đào tạo thế hệ tương lai và đã làm rất tốt như: Lê Thế Tướng, Lê Công Thần, Nguyễn Địch, Nguyễn Trọng, Phạm, Hoàng… Nổi bật là dòng họ Lê Thế Tướng với nhiều người đỗ đạt cao. Năm 2001, dòng họ Lê Thế Tướng được nhận bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh về thành tích khuyến học. Nhận biết được tầm quan trọng của công tác khuyến học trong việc đào tạo thế hệ tương lai, ngay từ rất sớm, các dòng họ đã thành lập ban khuyến học bao gồm: ban trị sự, các cụ cao tuổi, các giáo viên hưu trí, những người quan tâm đến công tác khuyến học. Hơn chục năm nay, ban khuyến học của dòng họ hoạt động có bài bản, có nề nếp, đi sâu vào từng chi họ, từng gia đình. |
Hiền Anh